Nga dàn trận địa tên lửa khủng, Mỹ "đứng ngồi không yên"

14:56, 27/07/2017
|

(VnMedia) - Lực lượng Vũ trang của Nga vừa được trang bị một sư đoàn tên lửa Iskander-M và 60 tên lửa hành trình Kalibr cùng với 17 máy bay và trực thăng trong tháng 5 và 6 năm nay. Đó là thông tin được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đưa ra hôm qua (26/7).

Trong giai đoạn này, ngành công nghiệp quốc phòng quốc nội đã cung cấp cho quân đội Nga hơn 600 vũ khí và thiết bị quân sự đặc biệt cùng với 300 khí tài, vũ khí nâng cấp, trong đó, đáng kể nhất có hệ thống tên lửa Iskander-M, 60 tên lửa hành trình Kalibr, 11 chiến đấu cơ, 6 trực thăng, 9 hệ thống radar, chiến hạm Sovershennyy lớp Steregushchy, 2 tàu tuần tra.

Theo đó, số vũ khí được bàn giao đã đạt 43,2% tổng số đơn đặt hàng của lực lượng vũ trang Nga, trong khi số được sửa chữa là 42,2%.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhấn mạnh, nhìn chung ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã hoàn thành mục tiêu đề ra trong nửa đầu năm 2017.

Được trang bị loạt tên lửa và khí tài vô cùng "đáng gờm" này, sức mạnh quân đội Nga sẽ tăng thêm gấp bội và nỗi lo của Mỹ cũng từ đó mà gia tăng.

Iskander-M (còn được NATO gọi dưới cái tên SS-26 Stone) là hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn tân tiến của Nga, sử dụng nhiên liệu rắn, được bắt đầu trang bị trong quân đội Nga từ năm 2006.

Iskander hiện có 2 phiên bản chính là Iskander-M (phiên bản cho quân đội Nga) và Iskander-E (phiên bản để xuất khẩu), ngoài ra còn có phiên bản mới nhất Iskander-K vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.

Iskander-M được trang bị 2 tên lửa hành trình một giai đoạn 9M723K1, có tầm bắn tới 400 km và có thể mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa Iskander-M có chiều dài 7,3 m, đường kính thân 0,92 m, khối lượng phóng 3.800-4.020 kg tuỳ thuộc loại đầu đạn. Tốc độ bay cao của tên lửa cho phép nó đột phá các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của đối phương. Tên lửa Iskander có thể bay theo một quỹ đạo thấp dưới 50 km.

Tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander được thiết kế để phá hủy các loại vũ khí, khí tài, trung tâm thông tin - chỉ huy, máy bay chiến đấu đỗ tại sân bay, các trận địa phòng không và phòng thủ tên lửa, cũng như các mục tiêu trọng yếu khác của đối phương ở mọi thời điểm và trong mọi điều kiện khí hậu thời tiết.

Tên lửa Iskander có khả năng tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả.

Tên lửa Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ thống tên lửa "vô đối", không thể đánh chặn.

Loại tên lửa đạn đạo ưu việt nói trên có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 – tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh). Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, chỉ cần vài tổ hợp tên lửa Iskander cũng có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào. Hiện nay, tổ hợp tên lửa Iskander đã được xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có các nước Trung Đông. Mỹ đang lo sợ các nước được coi là “kẻ thù bất trị” của họ sẽ có trong tay loại tên lửa tàng hình “vô đối” này.

Trong khi đó, tên lửa hành trình Kalibr đã gây tiếng vang khắp thế giới sau khi nó thể hiện sức mạnh gây kinh ngạc của mình bằng việc đánh trúng vào các mục tiêu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở phạm vi cách xa 930 dặm (tương đương gần 1500km) trong một cuộc tấn công vào tháng 10/2015. Tên lửa mới của Nga “vượt xa sức mạnh so với những tên lửa Tomahawks" nổi danh của Mỹ. Một số chuyên gia quân sự thậm chí còn ca ngợi tên lửa Kalibr của Nga là loại tên lửa tối tân nhất thế giới hiện giờ.

Các tên lửa họ Kalibr có một nguồn gốc phát triển chung là tên lửa hành trình chiến lược KS-122, của hệ thống S-10 Granat, có tầm phóng xa hơn 2.500 km, có khả năng mang 1 đầu đạn hạt nhân 100kt do Viện OKB Novator phát triển, được biên chế cho Hải quân Liên Xô năm 1984.Tên lửa Kalibr lần đầu tiên khoe sức mạnh với tàu ngầm lớp Kilo vào vào tháng 12/2015. Khi đó, Nga đã lần đầu tiên hủy diệt các mục tiêu của IS bằng những tên lửa hành trình mạnh nhất thế giới Kalibr được phóng đi cũng từ một loại tàu ngầm cũng được đánh giá là tốt nhất thế giới ở biển Địa Trung Hải.

Trong hệ thống tên lửa Kalibr, ngoài các loại ngư lôi và tên lửa chống ngầm, phiên bản đối hạm cơ sở được định danh là 3M-54, còn phiên bản tấn công mặt đất cơ sở là 3M-14.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu, đến cuối năm 2020, một nửa chiến hạm Nga sẽ được trang bị tên lửa hành trình Kalibr.

Đan Khanh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc