(VnMedia) - Hôm qua (26/11), đại diện Cơ quan hợp tác kỹ thuật - quân sự của Liên bang Nga (FSMTC) đã lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng nước này đã ký kết một hợp đồng cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc.
Người phát ngôn của FSMTC nói với hãng tin RIA Novosti rằng: "Vấn đề vẫn chưa được giải quyết, tôi nghĩ rằng thông tin đó chỉ là suy đoán. Theo thông tin của tôi, hợp đồng chưa được ký kết". Tuy nhiên, hãng xuất khẩu vũ khí Nga - Rosoboronexport cũng như tập đoàn sản xuất vũ khí Almaz-Antey đều từ chối bình luận về thông tin trên.
Người phát ngôn trên đưa ra tuyên bố trên ngay sau khi xuất hiện tin đồn cho rằng, công ty xuất khẩu quốc phòng Nga - Rosoboronexport và Bộ quốc phòng Trung Quốc đã ký hợp đồng bán ít nhất 6 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-400 trị giá hơn 3 tỷ USD.
Trước đó, hồi đầu năm nay, báo Kommersant của Nga cũng từng đưa tin, Tổng thống Vladimir Putin đã phê duyệt đề án giao S-400 cho Trung Quốc. Sau đó, đến tháng 7/2014, Chánh Văn phòng Tổng thống Nga - ông Sergei Ivanov cũng tiết lộ Trung Quốc có thể là khách hàng nước ngoài đầu tiên mua được S-400 phiên bản xuất khẩu của Nga.
Tuy nhiên, hồi năm 2011, các cơ quan quân sự Nga từng tuyên bố sẽ không xuất khẩu S-400 trước năm 2016 vì khi chưa hoàn thành việc triển khai loại tên lửa này cho quân đội Nga.
Thông tin về việc Moscow xuất khẩu S-400 cho Trung Quốc được đưa ra chỉ một tuần sau chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tới Bắc Kinh. Trong chuyến công du của ông Shoigu, Nga và Trung Quốc đã nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và tổ chức tập trận hải quân chung tại Trung Quốc.
Vì sao Trung Quốc "khao khát" S-400
Trung Quốc luôn “khao khát” các loại vũ khí của Nga. Hiện nước này đang sở hữu loại tên lửa S-300 của Nga và đã được phép chế tạp phiên bản riêng của hệ thống này. Vì thế, việc S-400 với những tính năng vượt trội và tầm hoạt động rộng hơn “lọt vào mắt xanh” của Trung Quốc là điều dễ hiểu.
Trung Quốc muốn mua hệ thống tên lửa này để thay thế loại S-300, qua đó có thể kiểm soát vùng trời Đài Loan và cả vùng biển Hoa Đông, nơi có quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật và Trung Quốc.
Không chỉ có Trung Quốc và nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Algeria,…cũng quan tâm đến hệ thống tên lửa S-400. Đây là ba trong số các quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga, chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu vũ khí hàng năm của nước này.
S-400 Triumf là hệ thống tên lửa đất - đối - không tầm trung đến tầm xa, có thể tham gia tấn công hiệu quả tất cả các mục tiêu ở trên không. S-400 Triumph được thiết kế nâng cấp từ hệ thống S-300. S-400 Triumf được đánh giá là một trong những loại tên lửa hiện đại nhất thế giới.
Loại tên lửa tối tân này do Tập đoàn NPO Almaz-Antey thiết kế và phát triển. Nó được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu quân sự và dân sự khỏi các cuộc tấn công. Tên lửa này có khả năng tiêu diệt hiệu quả bất kỳ mục tiêu nào trên không, trong đó có máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình... hoặc các loại máy bay hiện đại của Mỹ như F-35, F22, các máy bay chiến lược và chiến thuật có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/giây.
Hệ thống phòng không S-400 Triumf có thể phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách tối đa lên tới 400 km ở độ cao 40.000 - 50.000 mét. Nhà phân tích quân sự Ivan Konovalov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Nga cho rằng, với tầm bắn như vậy, Trung Quốc có thể bố trí hệ thống tên lửa S-400 tại khu vực phía nam của nước này, nhằm kiểm soát tình hình trên không khu vực Đài Loan và khu vực biển Hoa Đông.
S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
Thông thường, một tiểu đoàn S-400 thường biên chế: xe radar trinh sát, xe đài điều khiển hỏa lực và 8-12 xe mang bệ phóng tên lửa.
Mỗi xe mang bệ phóng mang theo 4 quả đạn tên lửa đặt trong ống bảo quản (thời hạn tới 15 năm). S-400 thiết kế để phóng nhiều loại tên lửa có tầm bắn khác nhau, bao gồm đạn 48N6E (150km), 48N6E2 (200km), 9M96E (40km), 9M96E2 (120km) và 9M38M/9M82M (400km).
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.
Ngoài ra, S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động. Đây là một hệ thống phòng không toàn diện có thể được thiết lập ngay trên mặt đất, ở bất cứ đâu chỉ trong vòng vài phút.
Mỗi hệ thống S-400 đều có một số thiết bị trọng yếu. Ngoài bệ phóng còn có một trạm chỉ huy và 2 radar. Trong đó, một radar giám sát bầu trời, tìm kiếm mục tiêu. Sau khi mục tiêu rơi vào tầm ngắm, chiếc radar thứ hai sẽ bắt đầu bám theo hành trình của nó. Lúc này, bộ phận chỉ huy sẽ xin lệnh có loại bỏ mục tiêu hay không.
Ý kiến bạn đọc