(VnMedia) - Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2018 với nhiều thay đổi mức hình phạt so với Bộ luật Hình sự 1999, trong đó có một số tội danh không áp dụng án tử hình.
Theo đó, BLHS (sửa đổi) đã thể chế hóa chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tù theo hướng phạt tiền là hình phạt chính không chỉ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng như quy định của BLHS 1999, mà cả trường hợp phạm các tội nghiêm trọng.
Đáng chú ý, BLHS đã sửa đổi sẽ bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội, trong đó có 5 tội bỏ hoàn toàn, gồm: Tội hoạt động thổ phỉ; tội cướp tài sản; tội hủy hoại công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội chống mệnh lệnh và tội đầu hàng địch.
Có 3 tội bỏ hình phạt tử hình trên cơ sở tách từ các tội có quy định hình phạt tử hình trước đó, gồm: Tội buôn bán, sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tội tàng trữ trái phép chất ma tuý; tội chiếm đoạt chất ma túy.
5 tội bỏ hình phạt tử hình hoàn toàn, gồm:
Tội hoạt động thổ phỉ
Theo quy định tại Điều 83 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì tội hoạt động phỉ được quy định: “Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà hoạt động vũ trang ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác, giết người, cướp phá tài sản, thì bị phạt như sau:
Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình; Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”.
Bộ luật Hình sự 2015 đã bỏ tội hoạt động phỉ, nhưng chuyển hóa các hành vi vào các điều luật quy định về tội danh khác.
Tội Cướp tài sản
Theo quy định tại điều 133 Bộ luật Hình sự 1999, đây là hành vi dùng, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Mức phạt thấp nhất với người có hành vi cướp tài sản là ba năm tù.
Nếu gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người, chiếm đoạt tài sản trên 500 triệu đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người tội phạm sẽ phải chịu mức án tử hình.
Bộ luật Hình sự 2015 giữ nguyên nội dung của tội danh này song án tử hình đã không còn. Theo luật mới, mức phạt cao nhất là tù chung chân, hình phạt khởi điểm vẫn ba năm tù.
Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia
Theo điều 231 Bộ luật Hình sự 1999 quy định người nào phá hủy công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình khác về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa xã hội mà có tổ chức, tái phạm nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải đối mặt mức án tử hình.
Bộ luật Hình sự 2015 giữ nguyên nội dung Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, chỉ thay đổi mức án cao nhất là tù chung thân.
Tội chống mệnh lệnh
Theo quy định tại điều 316 Bộ luật hình sự 1999: Người nào chống mệnh lệnh của người chỉ huy trực tiếp hoặc của cấp trên có thẩm quyền, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm; Phạm tội trong chiến đấu, trong khu vực có chiến sự, trong trường hợp đặc biệt khác hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm; Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Bộ luật Hình sự 2015: Điều 316 (Bộ luật Hình sự 1999) được thay thế bởi điều 394 (Bộ luật Hình sự 2015) đều quy định người nào từ chối chấp hành hoặc cố ý không thực hiện mệnh lệnh của người có thẩm quyền thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Nếu phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, người chống mệnh lệnh bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Tội đầu hàng địch
Theo quy định tại điều 322 Bộ luật Hình sự năm 1999: Người là chỉ huy hoặc sĩ quan trong chiến đấu mà đầu hàng địch, giao nộp cho địch vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu quan trọng; lôi kéo người khác phạm tội; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì hình phạt cao nhất là tử hình.
Bộ luật hình sự 2015 giữ nguyên nội dung điều luật, tuy nhiên mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Ngoài ra, BLHS đã sửa đổi bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Mở rộng thêm 2 trường hợp không thi hành án tử hình, gồm:
Người từ đủ 75 tuổi trở lên và người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và lập công lớn. Trong trường hợp này sẽ chuyển thành hình phạt tù chung thân.
Phương Mai
Ý kiến bạn đọc