(VnMedia) - Trung tướng Trần Văn Vệ - quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, việc thông tin bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và CMND là không chính xác...
Sáng 7/11, Bộ Công an tổ chức họp báo về việc bỏ các thủ tục về hộ khẩu và chứng minh nhân dân (CMND) trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
Quản lý dân cư từ thủ công sang điện tử
Tại cuộc họp báo Trung tướng Trần Văn Vệ - quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tổng hợp các dữ liệu về dân cư Việt Nam.
Cơ sở dữ liệu dân cư tập hợp 15 thông tin cơ bản của mỗi con người, gồm: 1. Họ, chữ đệm và tên khai sinh; 2. Ngày, tháng, năm sinh; 3. Giới tính; 4. Nơi đăng ký khai sinh; 5. Quê quán; 6. Dân tộc; 7. Tôn giáo; 8. Quốc tịch; 9. Tình trạng hôn nhân; 10. Nơi thường trú; 11. Nơi ở hiện tại; 12. Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó; 13. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; 14. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; 15. Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.
Theo đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vị trí vai trò hết sức quan trọng. Dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc, cần phải hết sức chính xác, không có sai sót nào cả. Chỉ cần sai một chữ đệm thì cũng phải đối chiếu lại. Chính vì thế, sắp tới Bộ Công an sẽ triển khai thu thập, cập nhật đầy đủ 15 thông tin trên cả nước.
Thông qua việc tổ chức thu thập thông tin sẽ tạo nên hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, đảm bảo an sinh xã hội, là căn cứ quan trọng để cơ quan Nhà nước nghiên cứu, rút ngắn thời gian, giảm chi phí, thời gian đi lại. Thông tin được thu thập, cập nhật thường xuyên góp phần quản lý chặt, đấu tranh phòng chống tội phạm.
Bên cạnh đó, nó còn được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin nhằm thay đổi hình thức quản lý dân cư từ thủ công sang điện tử, theo hướng hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước.
Trung tướng Trần Văn Vệ thông tin, ngày 14/11 tới sẽ triển khai hội nghị toàn quốc của Bộ Công an. Hội nghị nhằm tập huấn cho công an tỉnh, huyện, xã phường và phát bảng kê để xuống từng hộ ký, đối chiếu với dữ liệu cùng với công an phường, thị trấn xác thực, trưởng công an phường ký vào.
Dự kiến, dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phấn đấu hoàn thành trong vòng 2 đến 3 năm.
Hộ khẩu, CMND vẫn còn nguyên giá trị sử dụng
Liên quan đến thông tin bỏ sổ hộ khẩu, CMND từ ngày 30/10/2017, Trung tướng Trần Văn Vệ khẳng định thông tin nàylà chưa chính xác. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và CMND vẫn còn nguyên giá trị sử dụng.
CMND là giấy tờ tùy thân của mỗi người. CMND phải làm thủ công, lăn tay, đánh máy, quá trình làm cũng mất 2-3 tháng. CMND bằng giấy cũng rất dễ bị làm giả. Có cả những người làm 2-3 CMND khi thay đổi hộ khẩu.
Đến năm 2013 quy định cấp căn cước công dân. Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết, việc bỏ CMND chẳng qua là thay bằng công cước công dân, người dân phải có giấy tờ tùy thân trong người.
Tuy nhiên, luật quy định không nhất thiết phải đổi từ CMND sang căn cước công dân mà vẫn được sử dụng vì có giá trị sử dụng như nhau.
Hiện tại nước ta có 3 loại giấy tờ chứng minh nhân thân gồm: CMND 9 số, CMND 12 số và Căn cước công dân. Cả 3 loại giấy tờ này đều có giá trị như nhau.
Từ ngày 1/1/2016, Luật Căn cước công dân có hiệu lực thi hành tại 16 tỉnh, thành phố đã triển khai cấp CMND mới đã chuyển sang cấp thẻ Căn cước công dân.
Như vậy, hiện Bộ Công an đang tổ chức cấp căn cước công dân cho công dân tại 16 tỉnh, thành phố và cấp CMND 9 số cho công dân tại 47 tỉnh, thành phố.
Nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện về nguồn vốn và các Bộ, ngành khẩn trương tập trung, nghiên cứu, trình Chính phủ sớm phê duyệt dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân thì đến ngày 1/1/2020 sẽ đảm bảo được việc mở rộng cấp căn cước công dân trên phạm vi toàn quốc. Khi đó căn cước công dân sẽ dần thay thế CMND 9 số hiện nay.
Phương Mai
Ý kiến bạn đọc