(VnMedia) - Mới 35 tuổi nhưng Hải đã trải qua một cuộc sống đầy bất hạnh. Người đàn bà này vướng vòng lao lý cũng vì thiếu hiểu biết và nhận thức pháp luật hạn chế.
Mới đây, TAND quận Hòang Mai (Hà Nội) đã hoãn phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Hải (SN 1982, ở xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) vì có hành vi trộm cắp tài sản. Nạn nhân trong vụ án là ông Chu Bá Minh (SN 1965, ở Bắc Giang) người chung sống như vợ chồng với Hải hơn chục năm và có chung 2 người con trai.
Theo cáo trạng, Hải và ông Minh có quan hệ tình cảm và chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 2004 nhưng không đăng ký kết hôn. Khoảng năm 2016, Hải thường xuyên bỏ nhà đi. Tới ngày 17/4/2017 thì trở về nhà ông Minh ở đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) và ở lại đây.
Tối 19/7, trong lúc đi tắm, ông Minh treo lên móc quần áo chiếc túi ni lông đựng ví tiền chứa 54 triệu đồng. Lợi dụng lúc ông Minh đang gọi đầu không để ý, Hải đã lén lấy chiếc ví của ông Minh rồi đi ra ngoài.
Nghe thấy tiếng động, ông Minh quay lại nhìn thì phát hiện chiếc ví tiền của mình đã mất nên liền đuổi theo Hải.
Thấy ông Minh đuổi theo, Hải lấy toàn bộ tiền trong ví rồi vứt chiếc ví xuống đường. Sau đó, Hải chạy vào nhà anh N.H.A ở đường Giải Phóng cố thủ. Ông Minh đứng ngoài yêu cầu Hải trả lại tiền. Thấy vậy, người phụ nữ 35 tuổi rút 34 triệu đồng trả lại cho người đàn ông từng chung sống với mình như vợ chồng.
Ông Minh thấy vẫn còn thiếu tiền nên yêu cầu Hải trả tiếp cho mình nhưng không được. Sau đó, ông Minh đã báo công an tới bắt quả tang hành vi trộm cắp tài sản của Hải.
Tại cơ quan điều tra, Hải khai nhận hành vi vi phạm và tự nguyện giao nộp lại số tiền 20 triệu lấy của “chồng”.
Luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú) người bào chữa cho Hải cho biết, mới 35 tuổi nhưng Hải đã trải qua một cuộc sống đầy bất hạnh. Nữ bị cáo vướng vòng lao lý cũng vì thiếu hiểu biết và nhận thức pháp luật hạn chế.
Chia sẻ với chúng tôi, Hải nói rằng, cô chỉ lấy tiền của “chồng” để trả nợ mà vướng vòng lao lý. Tuy nhiên, nữ bị cáo này thừa nhận, mình và ông Minh sống như vợ chồng mà không có hôn thú. “Em thiếu hiểu biết, chỉ nghỉ đơn giản là sống với nhau bằng cái tình, đăng ký hôn thú chỉ là mảnh giấy”, Hải nói.
Theo lời Hải, số cô vất vả, từ bé đã không được học hành vì gia đình khó khăn. Lớn lên Hải lập gia đình với một thanh niên cùng quê và sinh được một cô con gái. Thế nhưng hạnh phúc “chẳng tày gang”, năm 2001 chồng Hải tử nạn khi đánh cá ngoài khơi gặp bão.
Trở thành góa phụ ở tuổi 19 khiến Hải rơi vào tuyệt vọng. Nhờ gia đình động viên, an ủi Hải mới có thể đứng dậy tiếp tục cuộc sống, chăm sóc con. Tuy nhiên, cái chết đột ngột của chồng mất sớm khiến hai mẹ con Hải không còn chỗ dựa. Để có tiền trang trải cuộc sống, Hải gạt nước mắt gửi con gái cho bố mẹ chăm sóc rồi ra Hà Nội làm nghề bốc vác ở bến xe Giáp Bát.
Vốn không có nghề nghiệp lại mù chữ nên thời gian đầu ra Hà Nội cuộc sống của Hải rất khó khăn. Sau này, Hải quen với ông Chu Bá Minh khi đó đang làm phụ xe ở khu vực bến xe này.
Theo lời Hải, ông Minh từng có một đời vợ, nhưng sau khi bà này đi xuất khẩu lao động hai người đã chia tay. Ban đầu Hải không có tình cảm với ông Minh. Tuy nhiên, sau một lần ông Minh về nhà mình ở Thanh Hóa chơi, Hải đã nảy sinh tình cảm với người đàn ông hơn 17 tuổi.
Năm 2004, hai người dọn về ở chung với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Một năm sau, Hải sinh cho ông Minh một cậu con trai. Hàng ngày, ông Minh đi làm phụ xe, còn Hải bán trà đá ở bến xe. Tới năm 2011, Hải sinh thêm một cậu con trai nữa cho ông Minh.
Theo Hải, hai người sống chung với vợ chồng nhưng Hải không quản lý tiền của “chồng”. Người phụ nữ năm nay 35 tuổi vẫn đưa tiền cho “chồng” để lo sinh hoạt cho gia đình và chăm sóc các con.
“Anh ấy (ông Minh – PV) đi làm về thì bảo tôi lấy tiền đi chợ mua thức ăn và đóng tiền học cho con”, Hải kể.
Sau hơn chục năm làm lụng vất vả, Hải thấy các con đã khôn lớn cần một mái nhà để có chỗ đi về. Tuy nhiên, vì không có đủ tiền để mua một ngôi nhà ở Hà Nội nên Hải xin bố đẻ ở Thanh Hóa một mảnh đất ở quê để xây nhà.
Hải nói, sau khi bố đẻ đồng ý cho 100 mét đất ở quê để xây nhà, Hải đã bàn với “chồng” về quê xây một ngôi nhà để “giữ đất” bố cho. Ông Minh đồng ý nên năm 2016 Hải đã về quê vay mượn anh em họ hàng để xây nhà để sau này đưa ông Minh và các con về sinh sống. Tuy nhiên, khi xây xong nhà, Hải không thấy ông Minh đưa tiền để trả nợ. Vì vậy, khi thấy “chồng” có tiền Hải đã lấy trộm với mục đích mang đi trả nợ.
“Em cứ nghĩ của chồng công vợ, lấy tiền của anh ấy (ông Minh –PV) đi trả nợ cùng lắm bị anh ấy đánh một trận, ai ngờ lại bị như vậy”, Hải buồn bã.
Phương Mai
Ý kiến bạn đọc