Vụ bỏ thuốc chuột vào nồi bún bò: Vì sao không khởi tố bị can?

06:18, 28/09/2017
|

(VnMedia) - Theo luật sư, vụ việc chưa xảy ra hậu quả do được phát hiện ngăn chặn và không ai bị tổn hại sức khỏe. (không có tỷ lệ % tổn hại sức khỏe) nên không có căn cứ xử lý...

Vật chứng vụ án
Vật chứng vụ án

Trước đó, Báo Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, chị Trần Thị Bạch Tuyết nấu bún bò, bún riêu bán đồ ăn sáng ven đường Nam Cao. Rạng sáng 25/12/2016, chị Tuyết dọn hàng ra rồi chạy đi chợ. 

Do mâu thuẫn trong cuộc sống nên bà Điệp (cô chồng của chị Tuyết) đã lén đổ một gói thuốc vào nồi nước lèo. Khi chị Tuyết trở về, thấy nồi nước lèo nổi lên nhiều bọt lạ bất thường có mùi hôi nên nghi có chuyện xấu và đã nhờ nhà gần đó có gắn camera kiểm tra, phát giác sự việc nên trình báo. 

Ngày 12/1/2017, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án giết người, đồng thời thu giữ hai mẫu nước lèo gửi về Phân viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) để phân tích. 

Kết quả xét nghiệm cho thấy cả hai mẫu phẩm nước lèo đều có sự hiện diện của thuốc diệt chuột, chất kịch độc thuộc nhóm 1, gây nguy hiểm cho người và gia súc khi sử dụng.

Vậy vì sao Công an TP.HCM cho rằng hành vi bỏ thuốc chuột vào nồi nước lèo bún bò không cấu thành tội giết người? 

Về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh – Đoàn LSTP Hà Nội) đã có những phân tích dưới góc độ pháp lý như sau:

Bản thân các loại thuốc diệt chuột có thể đầu độc chuột, khiến cho chuột chết chỉ trong 1 lần ăn phải thuốc, bởi trong các thành phần của thuốc có những chất độc. Vì nguy hại đối với chuột, với các loại động vật, cho nên thuốc diệt chuột cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Để đánh giá thuốc diệt chuột khi con người sử dụng có gây chết người hay tổn hại sức khỏe hay không thì phụ thuộc vào liều lượng dùng.

Xét hành vi của đối tượng Hồ Thị Ngọc Điệp đã dùng 02 gram thuốc diệt chuột bỏ vào nồi nước lèo của Trần Thị Bạch Tuyết để giải quyết mâu thuẫn cá nhân là hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác. Đối tượng buộc phải nhận thức được thuốc chuột là loại thuốc độc nếu con người sử dụng sẽ gây hậu quả tổn hại cho sức khỏe hoặc tử vong.

Hành vi phạm tội của đối tượng Hồ Thị Ngọc Điệp đã có dấu hiệu phạm tội giết người nên ngày 12/1/2017, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án giết người theo Điều 93 BLHS là có căn cứ.

Tuy nhiên, để có căn cứ khởi tố Bị can về Tội người theo qui định tại điểm L, Khoản 1 Điều 93 BLHS thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định trưng cầu giám định.

Cơ quan chuyên môn trong tố tụng hình sự mẫu nước lèo đã được đối tượng bỏ 02 gram thuốc diệt chuột vào có gây tử vong hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của con người.

Cụ thể cần giám định làm rõ:

1. Thành phần hóa học thuốc diệt chuột là loại độc tố nào, có gây nguy hiểm đến tính mạng của con người hay không.

2. Với 02 gram thuốc diệt chuột bỏ vào trong thể tích nồi nước dùng như vậy có gây tử vong hay tổn hại đến sức khỏe con người hay không.

Theo quan điểm của luật sư Thơm, kết quả giám định phân tích mẫu phẩm nước lèo đều xác định có thành phần của thuốc diệt chuột (chất kịch độc thuộc nhóm 1, gây nguy hiểm cho người và gia súc khi sử dụng)

Để đánh giá cụ thể hành vi của đối tượng có căn cứ xử lý về hành vi giết người thì ngoài việc giám định loại độc tố của thuốc diệt chuột nêu trên thì Cơ quan chuyên môn cần giám định 02 gram thuốc diệt chuột bỏ vào trong nồi nước dùng có thể tích như vậy có gây tử vong cho người khi sử dụng hay không?

Trường hợp, Cơ quan chuyên môn xác định rõ 02 gram thuốc diệt chuột bỏ vào trong nồi nước dùng có thể tích như vậy gây tử vong cho con người thì đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội giết người theo điểm L, điều 93 BLHS.

Nếu Cơ quan chuyên môn xác định 02 gram thuốc diệt chuột bỏ vào trong nồi nước dùng có thể tích như vậy gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (không gây chết người) thì đối tượng có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác được qui định tại Điều 104 BLHS.

Nhưng do trong vụ án này, hậu quả chưa xảy ra do được phát hiện ngăn chặn và không ai bị tổn hại sức khỏe. (không có tỷ lệ % tổn hại sức khỏe) nên không có căn cứ xử lý.

Theo Thông báo đình chỉ điều tra vụ án ngày 17/8/2017 của Cơ quan CSĐT CATP Hồ Chí minh kết luận 02 gram thuốc diệt chuột bỏ vào nồi nước lèo không đủ lượng gây ngộ độc chết người.

Như vậy, Cơ quan điều tra đã dựa trên căn cứ là Bản kết luận giám định của Cơ quan chuyên môn đã xác định với 02 gram thuốc diệt chuột bỏ vào nồi nước lèo cửa đối tượng không gây chết người khi sử dụng.

Kết luận giám định của Cơ quan chuyên môn trong vụ án này là một chứng cứ quan trong nhất chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng có phạm tội giết người theo điểm L khoản 1 Điều 93 BLHS hay không.

Luật sư Thơm cho rằng: Với kết luận giám định như vậy thì ngày 14/08/2017, VKSND TP. Hồ Chí Minh đã ra Quyết định đình chỉ vụ án hình sự mà Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự về tội giết người ngày 27/07/2017là có căn cứ, đúng qui định của pháp luật theo khoản 2 Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự “Hành vi không cấu thành tội phạm"

Mặc dù hành vi của đối tượng chưa cấu thành tội giết người nhưng đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn nên cần thiết phải xử lý bằng biện pháp hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.

Cụ thể có thể phạt hành vi như sau: Khoản 2 Điều 5 Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: “Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác”

Khoản 2 Điều 15: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác”.

Phương Mai


Ý kiến bạn đọc