Có thể truy cứu lái xe trả phí BOT bằng tiền lẻ trong chai nhựa?

06:46, 10/08/2017
|

(VnMedia) - Theo quan điểm của luật sư, hành vi trả phí  BOT bằng tiền lẻ đựng trong chai nhựacủa các lái xe không cấu thành tội phạm Gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 BLHS và Tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 203 BLHS.

Nhân viên trạm thu phí nhận tiền trong chai nhựa của tài xế. Ảnh: Ngày nay
Nhân viên trạm thu phí nhận tiền trong chai nhựa của tài xế. Ảnh: Ngày nay

Mới xảy tại trạm thu phí đường tránh Cai Lậy (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) xảy ra tình trạng nhiều lái xe ô tô tải đã dùng tiền lẻ mệnh giá 500 đồng bỏ trong chai nhựa, bịch nylon trả phí khi qua trạm BOT để phản đối việc đặt trạm trên Quốc lộ 1.

Đây là trạm thu phí đi vào hoạt động từ 1/8, nhưng đã nhận nhiều ý kiến phản ứng từ nhiều tài xế khi cho rằng, với đoạn đường tránh rất ngắn nhưng thu phí lại quá cao. Theo quy định, mức phí áp dụng cho các loại phương tiện qua đây từ 35.000 đồng đến 180.000 đồng.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Nên – Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT tỉnh Tiền Giang cho rằng, việc các tài xế làm nhàu những tờ tiền để đóng phí là việc làm khó coi, bởi ngoài việc gây khó khăn cho các nhân viên ở trạm, còn có thể dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. Ở một diễn biến liên quan, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc BOT Tiền Giang cho hay, từ ngày đi vào hoạt động, hầu như luôn có hiện tượng lái xe đựng tiền mệnh giá nhỏ vào chai nhựa hoặc túi nilon để trả tiền phí, gây không ít khó khăn cho công tác thu phí tại đây.

Với tình huống này, phía trạm sẽ tổ chức cho các xe chạy qua và chờ ở làn dự phòng, sau đó cắt cử nhân viên đếm đủ tiền thì cho xe đi tiếp.

Liên quan đến vụ việc trên, một số ý kiến cho rằng, việc làm của các tài xế có biểu hiện của việc cố tình chống đối, gây mất trật tự, ảnh hưởng an toàn giao thông cũng như gây ùn tắc, cản trở các phương tiện hoạt động bình thường có dấu hiệu Tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 BLHS.

Trao đổi với VnMedia, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi của các lái xe không cấu thành tội phạm Gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 BLHS và `Tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 203 BLHS.

- Đối với Tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 BLHS 1999. Khoản 1 Điều 245 BLHS qui định: “Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì…”.

“Gây rối trật tự công cộng” là hành vi gây náo động, hò hét gây mất trật tự ở những nơi công cộng như ngoài đường phố, khu dân cư, công viên…Hành vi này gây nên sự xáo trộn, hoảng sợ cho những người xung quanh.

Người phạm tội gây rối bằng rất nhiều các hình thức khác nhau như: tập trung đông người nơi công cộng gây náo động; hò hét đuổi đánh nhau gây hỗn loạn nơi công cộng; đập phá các tài sản nơi công cộng hay đập phá các hàng quán, trạm thu phí, rạp chiếu phim…nơi đông người.

Tiểu mục 5.2 Mục 5 Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP quy định: “"Gây cản trở giao thông nghiêm trọng" quy định tại điểm c khoản 2 Điều 245 Bộ luật Hình sự là gây cản trở giao thông từ 2 giờ trở lên hoặc gây cản trở giao thông ở những tuyến giao thông quan trọng, làm ách tắc giao thông trên diện rộng (không phân biệt thời gian bao lâu)”.

Gây đình trệ hoạt động công cộng là trường hợp do hành vi gây rối mà hoạt động công cộng bị đình trệ như: phải tạm dừng buổi chiếu phim; phải tạm dừng trận thi đấu bóng đá, bóng chuyền hoặc các môn thể thao khác; phải tạm dừng cuộc họp Hội đồng nhân dân.v.v… không phân biệt thời gian bị đình trệ dài hay ngắn.

Theo luật sư Thơm, xét động cơ, mục đích của các lái xe ở đây là làm khó khăn trong việc thanh toán phí cho các nhân viên ở trạm phải mất thời gian kiểm đếm tiền nhằm phản ứng trước việc đặt trạm thu phí không hợp lý và thu phí với giá quá cao.

"Hành vi của các lái xe không có hành động hò hét, chửi bới, đập phá , đuổi đánh các nhân viên Trạm thu phí nên xét về hành vi khách quan của Tội gây rối trật tự công cộng là không thỏa mãn. Việc trả bằng tiền lẻ của các lái xe khiến cho việc thanh toán bị mất nhiều thời gian gây ùn tắc các phương tiện lưu thông trên đường qua Trạm thu phí thì việc ùn tắc này không phải do hành vi gây rối trật tự công cộng của các lái xe gây ra.

Thông thường nói đến Tội gây rối trật tự công cộng thì thường được hiểu là phải có lời nói và hành động quá khích làm ảnh hưởng đến trật tự chung", luật sư Thơm nói.

- Đối với Tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 203 BLHS 1999. Cản trở giao thông đường bộ là hành vi đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, các thiết bị an toàn giao thông đường bộ; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có giải phân cách; lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ; vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ và cac hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác.

Luật sư Thơm cho rằng, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi cản trở giao thông đường bộ mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm

Trong cả 2 Tội Gây rối trật tự công cộng và Tội cản trở giao thông đường bộ thì hành vi khách quan mô tả theo qui định của điều luật đều không thỏa mãn các dấu hiệu đặc trưng cơ bản. Do vậy, hành vi các lái xe trả tiền lẻ đựng trong chai nhựa không cấu thành tội phạm là có căn cứ.

"Trong trường hợp này các cơ quan chức năng cần phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao người dân họ phải phản ứng như vậy và trên cơ sở đó phải xem lại bản thân mình làm đã đúng chưa để điều chỉnh cho hợp lý và tìm giải pháp tháo gỡ bất cập giữa người dân và Trạm thu phí", luật sư Thơm nêu ý kiến.

Khánh Công


Ý kiến bạn đọc