(VnMedia) - Axít Flohydric (HF) tuyệt đối không được sử dụng trong y tế mà chỉ dùng trong công nghiệp để tẩy chất cặn. Đây là hóa chất có tính ôxi hóa cực mạnh, nếu sử dụng vượt quá nồng độ cho phép sẽ phá hủy tế bào, làm vỡ hồng cầu, tê liệt thần kinh...
Liên quan đến sự cố chạy thận làm 8 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, cơ quan chức năng phát hiện một loại hóa chất nằm ngoài danh mục được cấp phép của ngành y tế, có khả năng phá hủy các tế bào và gây ra tử vong nhanh chóng cho bệnh nhân có tên Axít Flohydric lại có mặt bất thường trong đường ống dẫn nước vào máy lọc thận. Câu hỏi đặt ra vì sao hóa chất Axít Flohydric có mặt trong nguồn nước lọc thận?
Trao đổi với báo chí ngày 4/7, TS Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng Khoa Thận Nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hệ thống máy chạy thận bao giờ cũng được bảo dưỡng định kỳ.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, hệ thống tiền xử lý nước phải vệ sinh hàng ngày; màng RO hai tháng phải vệ sinh một lần; bồn đựng nước vệ sinh một lần/tháng. Việc vệ sinh hệ thống hoàn toàn độc lập với việc làm các xét nghiệm. Định kỳ xét nghiệm phải làm đúng quy trình. Tuy nhiên, nếu bác sĩ thấy có vấn đề, nếu chỉ cần một vài xét nghiệm bất thường thì phải vệ sinh hệ thống máy chạy thận nhân tạo.
TS Dũng ví dụ, quy chuẩn quốc tế nếu vi khuẩn dưới 100 CFU/ml là phải xét nghiệm, nhưng thực tế nếu chỉ số này chỉ trên 50 đã phải tiến hành vệ sinh. Do đó, việc bác sĩ Lương là người trực tiếp ký đề xuất sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO khi đến thời hạn bảo dưỡng là hợp lý.
Trong sự cố chạy thận tại bệnh viện Hòa Bình vừa qua, bị can Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty xử lý nước Trâm Anh - đơn vị được thuê lại để lắp đặt, thay thế vật liệu lọc RO số 2) đã sử dụng hóa chất Axít clohydric (HCL) và Axít Flohydric (HF) để sục rửa, làm tồn dư hóa chất trong đường ống dẫn nước vào máy lọc thận.
Về Axít Flohydric (HF), Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đây là loại hóa chất tuyệt đối không được sử dụng trong y tế mà chỉ dùng trong công nghiệp để tẩy chất cặn…
Axít Flohydric (HF) là hóa chất có tính ôxi hóa cực mạnh, nếu sử dụng vượt quá nồng độ cho phép sẽ phá hủy tế bào, làm vỡ hồng cầu, tê liệt thần kinh.
Đặc biệt, hóa chất này sẽ gây ra các triệu chứng về tim mạch như loạn nhịp tim, làm người bệnh tử vong nhanh chóng. Ngoài ra, nó cũng gây ra các rối loạn khác như thiếu canxi, gây đau xương, viêm gan… cho cơ thể.
“Sự cố vừa qua tại Hòa Bình, cơ quan điều tra có công bố kết quả trưng cầu giám định ban đầu, có hóa chất HF với nồng độ rất cao trong hệ thống lọc nước là một sự bất thường (cao gấp 260 lần cho phép). Hóa chất HF có mặt trong nguồn nước nằm ngoài danh mục được cấp phép của ngành y tế, ngoài quy trình của việc bảo dưỡng hệ thống máy chạy thận nhân tạo và là điều không ngờ tới với các cán bộ nhân viên y tế và cơ quan chức năng. Vì thế, với việc có mặt hóa chất bất thường, trái phép, dù có áp dụng quy trình đúng về mặt y tế cũng không thể nào loại trừ được sự cố xảy ra như vừa qua. Tôi cho rằng, cơ quan điều tra cần phải làm rõ việc tại sao hóa chất có mặt trong vật liệu sử dụng y tế?” - BS Nguyễn Trung Nguyên nói.
Trước đó, khoảng 8h15 phút ngày 29/5 tại Khoa thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình), 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo bất ngờ xuất hiện triệu chứng của sốc phản vệ (bệnh nhân có biểu hiện : Khó thở, huyết áp tụt, đau bụng, nôn, ngứa). Sự cố khiến 8 bệnh nhân sau đó tử vong.
Đến ngày 30/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế".
Theo điều tra, Công ty trách nhiệm Xử lý nước Trâm Anh nơi đối tượng Quốc làm Giám đốc là đơn vị trực tiếp thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO tại khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình trước khi xảy ra sự cố chạy thận khiến 8 bệnh nhân tử vong.
Trước đó, công ty của Quốc có hợp đồng thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO tại khoa Thận nhân tạo -Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn - đơn vị trực tiếp cung ứng thiết bị vật tư và bảo hành, bảo trì các thiết bị y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, trong đó có các thiết bị lọc máu chạy thận.
Bị can Trần Văn Sơn được xác định có trách nhiệm giám sát quá trình bảo dưỡng, sữa chữa trang thiết bị y tế. Còn Hoàng Công Lương là bác sĩ phụ trách việc điều trị hôm xảy ra sự cố.
Khánh Công
Ý kiến bạn đọc