Tình tiết bất ngờ trong phiên xử Hoa hậu Phương Nga
08:33, 27/06/2017
|
Hôm nay (27/6), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng Nguyễn Mai Phương sẽ bị công an áp giải đến phiên tòa.
Trước đó, ngày 26/6, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tiếp tục phần thẩm vấn hai bị cáo Trương Hồ Phương Nga (là Hoa hậu người Việt tại Nga), Nguyễn Đức Thùy Dung (27 tuổi) và người bị hại ông Cao Toàn Mỹ (40 tuổi, Giám đốc Công ty Vina Cyber, ngụ Q.3, TP.HCM) cùng các nhân chứng trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” 16,5 tỉ đồng của ông Mỹ.
“Không dám khai vì sợ bị hủy chứng cứ”
Trong buổi sáng qua, đến phiên tòa theo giấy triệu tập của HĐXX, người làm chứng Lữ Minh Nghĩa khai sống chung như vợ chồng với Dung 4 năm, được Nga nhờ viết tờ giấy di chúc, giấy xác nhận tờ di chúc là có thật liên quan căn nhà số 7 Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM).
Vì Nghĩa vắng mặt trong hai phiên xử trước nên chủ tọa công bố lại lời khai của Dung tại tòa. Theo đó, Nghĩa là người chứng kiến bà Nguyễn Mai Phương (Mai Phương) đưa cho Dung một tờ giấy A4 và nói rằng khi lên cơ quan điều tra làm việc thì cứ khai theo nội dung trên tờ giấy. Nghĩa trình bày không nhớ việc chứng kiến bà Mai Phương đưa tờ giấy A4, nhưng từng gặp bà Mai Phương hai lần tại quán cà phê và quán cơm. Cả hai cuộc gặp này đều xảy ra sau khi có giấy triệu tập mời Nga và Dung lên làm việc. Nội dung nói chuyện trong cuộc gặp, Nghĩa nói chỉ nghe loáng thoáng bà Mai Phương sẽ là người dàn xếp cho ổn thỏa việc giữa Nga và ông Mỹ.
Khi chủ tọa đối chất lời khai của Nghĩa với Phương Nga, bị cáo Nga khẳng định Nghĩa khai đúng về thời gian, địa điểm gặp bà Mai Phương. Về tờ giấy A4 bà Mai Phương đưa cho Dung, Nga khai chỉ nhớ trong đó nêu quá trình giao nhận tiền như thế nào, ở đâu, thời điểm. Ngoài ra, Nga một lần nữa khẳng định giao dịch mua bán nhà giá rẻ là không có thật; tất cả tài liệu, chứng cứ liên quan do bà Mai Phương hướng dẫn Nga làm, được tạo lập tại thời điểm bị cáo nộp cho cơ quan điều tra và làm sau khi ông Mỹ có đơn tố cáo lần đầu.
Tòa hỏi: “Tại sao khi trả hồ sơ điều tra bổ sung, có sự chứng kiến của luật sư (LS) bị cáo, bị cáo không khai ra những tài liệu, vấn đề chưa rõ để minh oan cho mình?”. Nga trả lời: “Bị cáo lo sợ rằng nếu mình khai ra thì những chứng cứ đó sẽ bị hủy. Điển hình là những lời khai của bị cáo tại phiên tòa trước về hợp đồng tình dục và email qua lại giữa bị cáo và anh Mỹ đã không được cơ quan điều tra làm tới nơi tới chốn”.
Khi thẩm vấn, các LS của bị cáo Nga cũng xoáy vào lý do tại sao khi nộp đơn tố cáo lần 1 (tháng 4.2014) và cả lần 2 (12.8.2014), ông Mỹ không cung cấp chứng cứ về dấu hiệu lừa đảo cho cơ quan điều tra mà phải chờ đến 18.7.2015 mới nộp hai chứng cứ quan trọng là giấy xác nhận thỏa thuận mua căn nhà số 7 Nguyễn Trãi (Q.1) 16,5 tỉ đồng vào ngày 10.10.2013 và biên nhận Phương Nga nhận đủ tiền vào ngày 4.11.2013. Ông Mỹ trả lời: “Vì tôi lo lắng và sợ những mối quan hệ cấp cao của hai bị cáo nên tôi không thể cung cấp bản chính, chỉ cung cấp bản photocopy”.
Có dấu hiệu thông cung?
Vì một số lời khai của Lữ Minh Nghĩa tại phiên tòa và tại cơ quan điều tra có mâu thuẫn nên chủ tọa đã nhấn mạnh: “Anh khẳng định lại một lần nữa, lời khai của anh trong quá trình điều tra có điểm nào không đúng?”. Nghĩa trả lời: “Tôi khai không đúng khi nói không biết gì về mối quan hệ của Nga và ông Mỹ. Nhưng theo tôi biết hai người này có quan hệ tình cảm với nhau”.
Tòa hỏi: “Tại sao anh khai không đúng?”. Nghĩa trả lời: “Khi nhận được thư của Dung từ trại giam gửi ra, Dung nói đang hoang mang nên tôi rất lo cho sức khỏe của Dung. Hơn nữa, khi Dung và Nga bị bắt, tôi đã gọi điện và gặp chị Mai Phương hỏi lý do thì chị Mai Phương nói anh Mỹ gây sức ép “từ trên xuống” nên chị Mai Phương đỡ không kịp. Sau đó, chị Mai Phương nói tôi liên lạc với anh Mỹ. Những lời khai không đúng của tôi tại cơ quan điều tra đều do anh Mỹ hướng dẫn”.
Trong phần thẩm vấn của mình, LS Nguyễn Văn Quynh (bào chữa cho bị cáo Phương Nga) đưa ra một số chứng cứ được cho là thư từ qua lại giữa Nghĩa và Dung khi Dung đang bị tạm giam. Tại tòa, Nghĩa và Dung đều thừa nhận việc chuyển thư qua lại. Ngay lập tức, chủ tọa thẩm vấn bị cáo Dung: “Bị cáo viết thư bằng gì?”. Dung trả lời: “Bị cáo viết trên giấy ni lông”. Chủ tọa hỏi tiếp: “Bị cáo viết gì trong thư gửi Nghĩa?”. Dung khai: “Bị cáo viết bị cáo rất hoang mang, không biết nên khai theo lời chị Mai Phương hay khai theo những gì mình biết. Tại sao họ yêu nhau, cho tiền nhau nhưng bây giờ bị cáo và Nga lại bị bắt như vậy”.
Chủ tọa chất vấn Nghĩa: “Những lá thư Dung gửi ra anh còn giữ không?”. Nghĩa trả lời: “Tôi chỉ còn giữ một số. Số còn lại do chị Mai Phương giữ. Khi nhận thư và đọc, chị Mai Phương nói cần đem về đọc cho kỹ nên cầm một số lá thư về. Lúc lấy thư có con gái chị Phương chứng kiến”. Chủ tọa: “Dung khai về nội dung thư qua lại giữa anh và bị cáo có đúng không?”. Nghĩa trả lời với HĐXX là “đúng” và trình bày thêm: “Thư tôi gửi Dung có nội dung nói Dung đừng khai linh tinh, đừng khai về mối quan hệ giữa Nga và ông Mỹ. Tôi dặn như vậy vì chị Mai Phương nói sẽ lo cho Dung tại ngoại và cũng do ông Mỹ tác động vào”. Về người thực hiện nhiệm vụ chuyển thư, cả Dung và Nghĩa đều khai chuyển và nhận thư từ một cán bộ tên Nghĩa do Mai Phương giới thiệu.
Về số điện thoại liên lạc với Mai Phương và ông Mỹ; những lá thư Dung gửi ra cho Nghĩa, Nghĩa trình bày sẽ nộp cho HĐXX vào hôm nay (27/6).
Ký lệnh áp giải Nguyễn Mai Phương đến tòa
Tại phiên tòa hôm qua, thay mặt HĐXX, chủ tọa cho biết thấy cần thiết phải có mặt bà Nguyễn Mai Phương tại phiên tòa nên chủ tọa đã ký lệnh yêu cầu Công an TP.HCM áp giải bà Mai Phương đến tòa. Trong chiều qua, HĐXX thông báo theo báo cáo của Công an TP.HCM là đã áp giải bà Mai Phương đến theo yêu cầu nhưng do cuối giờ xử, HĐXX nêu cần xem xét lời khai của nhân chứng nên phiên tòa tạm nghỉ.
Ý kiến bạn đọc