Theo lời các nạn nhân, nếu thống kê đầy đủ, số tiền bị lừa trong vụ việc có thể lên đến con số nghìn tỷ đồng…
Quan hệ “khủng” (?)
Những ngày gần đây, câu chuyện nóng nhất và được quan tâm nhiều nhất tại tỉnh vùng biên Lào Cai chính là phi vụ lừa đảo vô tiền khoáng hậu của Lê Thị Huệ (43 tuổi, trú tại tổ 12, P.Nam Cường, TP.Lào Cai) - một đối tượng mà đến trước thời điểm sự việc vỡ lở, vẫn được coi là người uy tín, có quan hệ “khủng” với giới chức Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai (Agribank Lào Cai).
Theo tìm hiểu của PV, với vỏ bọc vốn có, Huệ dễ dàng qua lại với tầng lớp đại gia tại địa phương để làm cầu nối cho những hợp đồng tín dụng lớn và trên thực tế đã nhiều lần thành công. Trên cơ sở đó, từ đầu năm 2017, người phụ nữ 43 tuổi này tiếp tục rỉ tai những doanh nhân lắm tiền nhiều của về một mức lãi suất hời.
Trụ sở Chi nhánh Agribank Cam Đường - Lào Cai. |
Theo phản ánh, Huệ nói Agribank Lào Cai đang cần huy động một khoản lớn ở dạng tiền gửi nên chấp nhận lãi suất cao hơn mức trần quy định. Vì trên giấy tờ không thể thể hiện khoản chênh lệch này nên Huệ sẽ là đầu mối thanh toán. Sau khi nhận tiền, nếu được yêu cầu, Huệ sẽ đưa lại cho các nạn nhân mỗi người một vài cuốn sổ tiết kiệm của Ngân hàng Agribak Lào Cai chi nhánh Cam Đường hoặc chi nhánh Kim Tân mà trong đó ghi rõ số tiền gửi đúng bằng số tiền các nạn nhân đưa cho đối tượng.
Theo nguồn tin của Báo Lao Động tại Lào Cai, với cùng chiêu thức như vậy, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2017, Lê Thị Huệ đã huy động được ít nhất 200 tỷ đồng từ ít nhất 9 cá nhân hầu hết đều là chỗ quen biết. “Tôi biết còn nhiều người khác vì lý do tế nhị nên chưa hoặc không trình báo” – người này thông tin.
Những nạn nhân khốn khổ
Là một trong những người bị lừa nhiều nhất với tổng số tiền lên tới 77,8 tỷ đồng, ông Ngô Văn Toán (P.Duyên Hải, TP.Lào Cai) cay đắng: “Huệ là chỗ thân quen, đã đi lại làm ăn với gia đình tôi từ lâu. Bản thân tôi cũng nhiều lần được Huệ bố trí gặp gỡ tiếp xúc với các cán bộ Agribank Lào Cai nên càng không mảy may nghi vấn.
Khi tôi chuyển tiền (trực tiếp hoặc qua tài khoản) thì vài hôm sau, Huệ giao lại tận tay sổ tiết kiệm có giá trị tương xứng, là phôi sổ thật, có dấu và chữ ký xác nhận của ngân hàng. Chỉ đến khi vụ việc vỡ lở, tôi đi rút tiền thì mới biết, 11 cuốn sổ của tôi bên trong chỉ có 1 triệu đồng”.
Theo lời ông Toán, ông tin rằng phải có sự móc nối nào đó từ bên trong thì Huệ mới có thể dễ dàng lập cho ông tới 11 cuốn sổ tiết kiệm trị giá 1 triệu đồng/sổ. Trong khi đó, ông Toán được xếp hạng khách V.I.P, mọi hoạt động giao dịch của ông luôn được đội ngũ nhân viên chăm sóc tận tình.
Một số cuốn sổ của ông Ngô Văn Toán. Ảnh: L.N |
Tương tự, một nạn nhân khốn khổ khác là bà Phạm Thị Thanh Hồng, đưa rải rác cho Huệ tổng cộng 73,7 tỷ đồng và nhận lại 4 cuốn sổ. Đến khi có việc cần rút ra thì cũng chỉ vỏn vẹn 1 triệu đồng/sổ.
Tại buổi làm việc với bà Vũ Thị Loan, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Cam Đường - Lào Cai, bà Hồng dường như không thể giữ được bình tĩnh, uất ức: “Ai là người tạo ra cuốn sổ này? Tôi không hề đi gửi tiền tiết kiệm, sao lại có sổ tiết kiệm tên tôi, tại đây? Tôi là khách V.I.P của Agribank Lào Cai, mỗi năm giao dịch cả ngàn tỷ qua ngân hàng, không ai không biết mặt, các anh/chị thấy tôi làm sổ tiết kiệm 1 triệu đồng mà không thấy vô lý sao?”
Sau khi nghe các câu hỏi của bà Hồng, bà Loan – vốn là trực tiếp người ký tên vào cả 4 cuốn sổ tiết kiệm trị giá 1 triệu đồng của bà Hồng - chỉ nói rằng mọi việc sẽ được cơ quan điều tra làm rõ. Trước câu hỏi: Làm sổ tiết kiệm 1 triệu đồng thì có vô lý không?, vị phó giám đốc cho biết, hiện tại, Ngân hàng có rất nhiều khách như vậy, thậm chí có người làm sổ tiết kiệm chỉ 500 ngàn đồng.
Bà Hồng (trái) đang chất vấn bà Loan về những cuốn sổ tiết kiệm trị giá 1 triệu đồng. Ảnh: L.N |
Bên cạnh đó, bà Loan cũng nói, khi kí sổ, bà chỉ quam tâm xem các số liệu có khớp nhau không, ít khi để ý tên khách hàng. Thêm nữa, với việc có rất nhiều khách hàng trùng tên, nếu không gặp trực tiếp, bà sẽ khó thể biết được 4 cuốn sổ kia có phải là bà Hồng khách V.I.P hay không...
Tâm sự với PV báo Lao Động sau buổi làm việc, bà Hồng bức xúc: "Lào Cai rất nhỏ, loanh quanh biết nhau cả. Tôi chơi với Huệ đã lâu và thực tế thấy Huệ có quan hệ rất tốt với lãnh đạo Agribank Lào Cai, đặc biệt là 2 chi nhánh Cam Đường và Kim Tân.
Tôi chỉ đưa tiền trực tiếp cho Huệ mà không đến ngân hàng làm sổ tiết kiệm, vậy mà tôi vẫn có 4 cuốn sổ. Như vậy, rõ ràng là Agribank Lào Cai đã vi phạm Quy chế về tiền gửi tiết kiệm Chính từ cái phôi đó mà Huệ thực hiện tẩy xóa để lừa đảo. Tôi cho rằng Ngân hàng sẽ không thể thoái thác được trách nhiệm của mình...".
Được biết, tại buổi thông tin tới báo chí, ông Phạm Tiến Trình - Giám đốc Agribank Lào Cai khẳng định chắc chắn không có sự cấu kết giữa cán bộ ngân hàng với khách hàng đến giao dịch gửi tiền để chiếm đoạt tài sản.
Cũng trong quá trình tìm hiểu thông tin về vụ việc này, PV đã tiếp cận được nhiều nguồn tài liệu giá trị cho thấy sự lỏng lẻo trong công tác quản lý của Agribank Lào Cai.
Theo Lao động
Ý kiến bạn đọc