Sáng 22/10, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tham nhũng gây thiệt hại hơn 966 tỷ đồng tại Công ty Dệt kim Đông Phương và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh 6 tại Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Agribank Chi nhánh 6).
Đây là một trong 8 vụ án trọng điểm mà Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng yêu cầu đưa ra xét xử trước thời điểm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, 11 bị can bị truy tố về 3 tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị cáo trước vành móng ngựa (Ảnh: Tiền phong) |
Cụ thể, các bị can Lê Thành Công (nguyên Tổng giám đốc Công ty Dệt kim Đông Phương), Đỗ Trọng Nhân (nguyên Giám đốc Công ty Siêu mẫu Việt) bị buộc các tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bị can Dương Thanh Cường, Thái Cường (nguyên Tổng Giám đốc và Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng Tấn Phát) cùng các đồng phạm Lê Sơn Hùng, Phạm Hoàng Thọ (đều nguyên Phó Giám đốc Công ty Thanh Phát) bị buộc tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Về phía Agribank Chi nhánh 6, các bị can Hồ Đăng Trung (nguyên Giám đốc Chi nhánh), Hồ Văn Long (nguyên Trưởng phòng tín dụng) và 3 nhân viên tín dụng là Trương Quốc Bảo, Trương Nhật Quang, Nguyễn Hoàng Quốc Thụy bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Theo cáo trạng, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc di dời những nhà máy, xí nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố về các khu công nghiệp, Công ty Dệt kim Đông Phương đã ký hợp đồng với Công ty Phương Nam để hợp tác xây dựng Trung tâm thương mại tại số 10 Âu Cơ.
Sau đó, Công ty Phương Nam thông báo cho Công ty Dệt kim Đông Phương biết đã chuyển 80% cổ phần thực hiện dự án cho Công ty Bình Phát.
Lợi dụng việc thực hiện dự án, từ tháng 10/2010, nhóm các doanh nghiệp và cán bộ ngân hàng Agribank Chi nhánh 6 đã có hàng loạt việc làm vi phạm pháp luật, gây thất thoát cho Nhà nước tổng số tiền lên tới hơn 966 tỉ đồng (tính đến thời điểm khởi tố vụ án vào 9/2012).
Cụ thể, bị can Dương Thanh Cường, dù không có khả năng về tài chính nhưng đã thành lập nhiều công ty rồi thuê người làm giám đốc (Công ty Bình Phát, Công ty Tấn Phát, Công ty Thanh Phát), sau đó chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ để vay tiền tại Agribank Chi nhánh 6.
Bị cáo Đỗ Trọng Nhân, nguyên Giám đốc Cty Siêu mẫu Việt tại ngoại, đến tòa trên chiếc xe lăn |
Các nhân viên, cán bộ của Agribank Chi nhánh 6 dù biết rõ công ty của Cường mới thành lập và không có khả năng tài chính, giấy tờ thế chấp liên quan đến dự án số 10 Âu Cơ là không được thế chấp nhưng vẫn lập hồ sơ cho vay.
Trong vụ án này, bị can Hồ Đăng Trung, nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh 6 đã có hành vi quyết định cho Công ty Tấn Phát vay 170 tỷ đồng khi dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tự ý cho vay vượt quyền phán quyết; ký hợp đồng thế chấp tài sản và tài sản không được phép thế chấp; không công chứng và không đăng ký giao dịch bảo đảm; giải ngân không đúng hợp đồng cho vay; cho mượn tài sản thế chấp không có biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Đối với việc cho Công ty Thanh Phát vay 628 tỷ đồng, bị cáo Trung cũng có hành vi vi phạm tương tự.
Cùng thông đồng với Trung thực hiện những hành vi trên còn có Hồ Văn Long (nguyên Trưởng phòng tín dụng Agribank Chi nhánh 6), Trương Quốc Bảo, Trương Nhật Quang, Nguyễn Hoàng Quốc Thụy (cùng nguyên cán bộ tín dụng Agribank Chi nhánh 6).
Dự kiến phiên tòa diễn ra đến ngày 30/10.
(Theo TTXVN)
Ý kiến bạn đọc