Đây được coi là một trong những đại án được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, chỉ đạo sớm đưa ra xét xử. Gần 1.000 tỷ đồng của Nhà nước đã bị một số cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam (gọi tắt là ngân hàng Agribank) cấu kết với các doanh nghiệp khác để chiếm đoạt một cách trót lọt.
Liên minh “ma quỷ” chiếm đoạt gần 1.000 tỷ đồng như thế nào?
Trong vụ đại án này có 11 bị cáo hầu tòa, bị truy tố về 3 tội danh gồm: “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Vụ án này được dư luận khá quan tâm, bởi lẽ số tiền chiếm đoạt của Nhà nước cực lớn, có tính chất phức tạp...
Theo cáo trạng Viện kiểm sát TP.HCM, năm 2006 Công ty Dệt kim Đông Phương do bị cáo Lê Thành Công làm Tổng Giám đốc thuộc tập đoàn dệt may được Bộ Tài chính đồng ý cho chuyển đổi mục đích sử dụng một lô đất rộng 17.000m2 ở quận Tân Phú, TP.HCM để xây khu trung tâm thương mại và chung cư. Sau đó Công ty Đông Phương ký kết hợp đồng với Công ty Bất dộng sản Phương Nam, nhằm thành lập ra liên doanh Đông Phương Phát nhằm thực hiện dự án nói trên, trong đó Công ty Đông Phương góp vốn 10%, 90% còn lại là vốn của Phương Nam.
Cũng từ liên doanh này, Công ty Phương Nam của Lê Thành Công đã mang 80% vốn dự án bán cho Công ty Bình Phát để cùng thực hiện dự án. Được biết các công ty như Bình Phát, Tấn Phát, Thanh Phát, Cửu Long Phát, Châu Hoàng Ngân... đều là do Lê Thanh Cường lập ra do bị cáo này làm Tổng Giám đốc và thuê người khác làm Giám đốc. Từ cơ sở này, Thanh Cường liên minh “ma quỷ” với Hồ Đăng Trung, lúc bấy giờ là Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh 6, TP.HCM để bắt đầu hàng loạt phi vụ, chiếm đoạt số tiền khủng của Nhà nước.
Cụ thể tháng 9/2007, Thanh Cường chỉ đạo cho thuộc cấp làm hồ sơ vay vốn và sau đó điều động Thái Cường - là người mà Thanh Cường thuê làm Giám đốc Công ty Tấn Phát ký hồ sơ gửi cho Ngân hàng Agribank chi nhánh 6 nhằm vay 170 tỉ đồng, với tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất tạm thời tại số 10 đường Âu Cơ, quận Tân Phú và 44 đường An Dương Vương, quận 8 ở TP.HCM. Cáo trạng quy kết, do có sự bắt tay từ trước nên Hồ Đăng Trung - Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh 6 chỉ đạo nhân viên dưới quyền là Hồ Văn Long - Trưởng phòng tín dụng và Nguyễn Hoàng Quốc Thụy - cán bộ tín dụng giúp đỡ tích cực Thái Cường trong hồ sơ vay vốn nói trên.
Mặc dù thừa biết dự án xây trung tâm thương mại và chung cư ở quận Tân Phú chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp vay vốn là giấy chứng nhận tạm thời nhưng Trung và thuộc cấp tại Ngân hàng Agribank vẫn thẩm định cho vay. Đáng nói là sau khi ngân hàng giải ngân, Thanh Cường chỉ đạo Thái Cường đến Ngân hàng Agribank chi nhánh 6 mượn lại các giấy chứng nhận bất động sản đã thế chấp với lý do là để hoàn tất thủ tục chuyển nhượng. Thế nhưng sau khi mượn lại được giấy tờ lại, Thanh Cường đã mang đến Ngân hàng TMCP Phương Nam thế chấp, vay một khoản tiền khác.
Chưa dừng lại ở phi vụ nói trên, Thanh Cường còn tiếp tục thành lập một dự án “ma“, có tên gọi rất kêu là khu biệt thự nhà vườn Thành Phát ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Từ dự án không có thật này, Thanh Cường lại “bắt tay” ma quỷ với Hồ Đăng Trung - Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh 6. Sau đó Thanh Cường chỉ đạo Lê Văn Tuấn - là người được thuê làm Giám đốc Công ty Thanh Phát, làm hồ sơ, tiếp tục vay tiền của Ngân hàng Agribank với tài sản thế chấp là 3 bất động sản cùng với 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng của nhiều lô đất tại TP.HCM.
Dù các khoản vay cực lớn này không thuộc quyền phê duyệt nhưng Hồ Đăng Trung vẫn chỉ đạo cấp dưới xem xét và ký duyệt cho vay. Cũng với chiêu trò cũ, vừa giải ngân xong, Thanh Cường lại chỉ đạo nhân viên đến Ngân hàng Agribank chi nhánh 6 để mượn lại 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng với lý do là hoàn tất thủ tục sang nhượng nhưng một lần nữa Thanh Cường mang số bất động sản này đến thế chấp vay tiền từ Ngân hàng Phương Nam.
Theo đó, tại thời điểm cơ quan Công an khởi tố vụ án hình sự thì các bị cáo đã làm thất thoát của Nhà nước tổng số tiền hơn 966 tỷ đồng, trong đó bao gồm phần gốc vay và lãi suất của các khoản vay nói trên. Đáng nói bị cáo Thanh Cường còn vướng vào một vụ án khác, khi lừa đảo chiếm đoạt của Ngân hàng Agribank chi nhánh Bình Chánh, TP.HCM số tiền 19 tỷ đồng. Giữa tháng 6-2015 vừa qua, Thanh Cường đã bị TAND tuyên phạt mức án chung thân về tội danh lừa đảo.
Cấp trên đổ cho cấp dưới, cấp dưới bảo tại cấp trên... ưu tiên
Dù chỉ mới là giai đoạn mở đầu quá trình xét xử vụ đại án này, tuy nhiên qua bước đầu xét hỏi của HĐXX đối với các bị cáo chủ chốt đã phần nào hé lộ về những điểm yếu trong công tác quản lý của ngân hàng, mà cụ thể ở đây là Ngân hàng Agribank chi nhánh 6. Đáng chú ý là khi trả lời câu hỏi của HĐXX, các lãnh đạo hay nhân viên Ngân hàng Agribank chi nhánh 6 đã đổ thừa cho nhau để né tránh trách nhiệm.
Thẩm phán Vũ Phi Long xét hỏi bị cáo Hồ Đăng Trung (nguyên Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh 6) về việc ký duyệt vay 170 tỷ đồng là vượt quá thẩm quyền? Việc thế chấp các quyền sử dụng đất lúc đó chỉ mang tính chất tạm thời, hồ sơ dự án chưa được cơ quan chức năng quản lý Nhà nước phê duyệt? Hay sau khi giải ngân cho phía vay vốn mượn lại các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi thế chấp vay mượn ở ngân hàng khác để dẫn đến việc không đòi lại được? Taị phiên tòa, bị cáo Trung đã đổ trách nhiệm cho thuộc cấp của mình.
Bị cáo này nói rõ trước phiên xử, “bị cáo cũng là nạn nhân, bị cáo tin tưởng cấp dưới nên mới ký quyết định cho vay”. Về việc cho Thanh Cường mượn lại các giấy chứng nhận sử dụng đất đã thế chấp bị cáo Trung lý giải: “bị cáo nhiều lần gặp Dương Thanh Cường đòi, nhưng bị cáo Thanh Cường nhiều lần hứa vì lý do chưa làm xong thủ tục, nên chưa trả lại cho Agribank chi nhánh 6”. Vị chủ tọa tiếp tục truy hỏi bị cáo Trung vì sao khi không đòi được mà lại không khởi kiện ra tòa, đòi đến 11 lần nhưng không được thì im lặng, chờ đợi hay việc Thanh Cường mang các giấy tờ đó đi thế chấp ở ngân hàng khác mà không biết, không có động thái kiểm tra khi chỉ cần một cuộc điện thoại xác minh thì bị cáo Trung im lặng.
Bị cáo Hồ Văn Long (nguyên Trưởng phòng tín dụng tại Ngân hàng Agribank chi nhánh 6) khi đối diện với các câu hỏi của HĐXX cũng vòng vo biện minh do được cấp trên giao phải làm và cũng là do quá tin tưởng vào cấp dưới chuyển hồ sơ lên. Long cũng lý giải trong việc làm hồ sơ cho Thanh Cường vay vốn, Long nhận chỉ đạo của giám đốc chi nhánh, tức bị cáo Trung phải... ưu ái. Nhiều câu hỏi của thẩm phán phiên xử như: việc phê duyệt hàng trăm tỷ là vượt thẩm quyền, động thái không kiểm tra thực tế các bất động sản và tài sản thế chấp để vay vốn hay việc Long là người ký vào đề xuất cho đối tác vay mượn lại các tài sản thế chấp thì bị cáo Long lúng túng, không giải thích được.
Riêng bị cáo Nguyễn Hoàng Quốc Thụy (là cán bộ tín dụng của Ngân hàng Agribank chi nhánh 6) khi đối mặt với phần xét hỏi thì có vẻ thành thật nhất. Khi chủ tọa hỏi về việc bị cáo này có làm đúng chức trách mình hay chưa? Có thẩm định hồ sơ theo đúng quý trình không? Thụy thừa nhận thẳng thắn, nếu đúng quy trình vay vốn như thông thường thì hồ sơ phải từ cán bộ tín dụng đi lên nhưng đằng này các hồ sơ vay vốn trong vụ đại án này, lại đi từ trên xuống.
Theo đó, Thụy cũng lý giải, nhận hồ sơ vay vốn, Thụy cũng không thẩm định về giá trị tài sản thế chấp vì tin tưởng vào cấp trên của mình và cũng tin tưởng vào báo cáo của công ty xin vay vốn. Thẩm phán Long hỏi: “Nếu bị cáo làm hết sức mình, làm hết trách nhiệm thì có cho vay được không?”. Thụy lại đổ cho cấp trên: “Dạ… do lúc đó khi bị cáo nhận hồ sơ từ anh Long thì anh này nói là... lãnh đạo ưu tiên cho vay”.
Dự kiến phiên tòa xét xử vụ đại án làm thất thoát gần 1.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Agribank chi nhánh 6 sẽ diễn ra trong một tuần. Đầu tuần tới, phiên xử sẽ tiếp tục xét hỏi đối với các bị cáo liên quan để làm rõ các tình tiết, sai phạm trong các hồ sơ vay vốn “khủng” nhằm chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Theo An ninh Thủ đô
Ý kiến bạn đọc