Đang xử vụ 6 quan chức ngành đường sắt nhận hối lộ

09:21, 26/10/2015
|

(VnMedia)- Đúng theo dự kiến, 8h sáng nay, ngày 26/10, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến 6 cựu quan chức đường sắt nhận hối lộ 11 tỷ đồng.

Đây là một trong những vụ án trọng điểm, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. 11 tỷ đồng chỉ dùng làm “quà vặt” được xác định là khoản tiền được nhóm quan chức vòi vĩnh nhà thầu Nhật Bản, trong quá trình thi công dự án đường sắt.

Như các vụ đại án khác, an ninh được thắt chặt trong quá trình xét xử. Các phóng viên đến toà thông tin phiên xử được cấp một tấm thẻ ra vào, sau khi đệ trình giấy giới thiệu cùng thẻ nhà báo. Từ 7h, các bị cáo đã được lực lượng chức năng áp giải tới phiên xử để đảm bảo đúng kế hoạch.

Các bị cáo trước vành móng ngựa.
Các bị cáo trước vành móng ngựa.

Cầm đầu vụ việc được xác định là Phạm Hải Bằng (SN 1969, ở phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội, cựu Phó giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU), thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam. Ngoài ra, các đồng phạm là Nguyễn Nam Thái (SN 1977, ở phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cựu Trưởng phòng thực hiện dự án 3, thuộc RPMU); Trần Văn Lục (SN 1958, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội, cựu Giám đốc RPMU); Trần Quốc Đông (SN 1964, ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam); Nguyễn Văn Hiếu (SN 1962, ở phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, cựu Giám đốc RPMU) và Phạm Quang Duy (SN 1975, ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, cựu Phó giám đốc RPMU). 6 bị cáo cùng bị xét xử với tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 281 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, vào tháng 10/2008, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 và giao cho RPMU làm đại diện chủ đầu tư quản lý dự án này. Đến ngày 9/9/2009, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đại diện là ông Phạm Hải Bằng (chủ nhiệm dự án) đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án với JTC và một số công ty khác.

Từ tháng 9/2009 đến tháng 2/2014, JTC đã chuyển 11 tỷ đồng cho Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái và Phạm Quang Duy. Mặc dù nhận được khoản tiền "lót tay" rất lớn từ phía JTC nhưng các bị cáo trong vụ án không đưa vào sổ sách, chứng từ theo dõi mà sử dụng khoản tiền này cho các chi phí tiếp khách, in ấn tài liệu, hội họp, đi lại, làm ngoài giờ, nghỉ mát, chia nhau hưởng riêng.

Cáo trạng cũng chỉ rõ hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn thỏa thuận nhà thầu JTC chi tiền ngoài hợp đồng cho Phạm Hải Bằng và Nguyễn Nam Thái sử dụng nêu trên gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới uy tín Việt Nam, ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc vay, sử dụng vốn ODA. Các bị cáo Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu và Phạm Quang Duy biết việc nhận tiền từ nhà thầu JTC của Phạm Hải Bằng và Nguyễn Nam Thái nhưng đồng tình để sự việc diễn ra trong thời gian dài.

Trong quá trình điều tra, các bị cáo đã tự nguyện nộp tiền vào tài khoản của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để khắc phục hậu quả. Trong đó, Bằng nộp 970 triệu đồng và 7.000 USD, Duy nộp 65 triệu đồng, Thái nộp 600 triệu đồng, Lục nộp 100 triệu đồng; Đông nộp 30 triệu đồng.

Theo cáo trạng, 6 bị cáo bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 3, Điều 281 Bộ luật Hình sự. Mức hình phạt cao nhất cho tội danh này là 15 năm tù giam.

Tổng hợp


Ý kiến bạn đọc