(VnMedia) - Đối với bất kì đô thị nào, càng hiện đại và đông đúc tới đâu, hạ tầng và phương tiện giao thông được ví như huyết mạch, có quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng gì, đặc biệt trong bối cảnh tốc độ phát triển kinh tế, mật độ tập trung dân cư ở nhiều khu vực ngày một tăng nhanh chóng mặt. Trong khi đó, nhu cầu di chuyển của con người ngày càng đa dạng, với nhiều loại hình phương tiện mới ra đời.
Nói như thế, cũng có nghĩa là để đảm bảo huyết mạch giao thông đô thị được thông tỏa, các cơ quan chính quyền không chỉ đáp ứng một hay hai nhiệm vụ cụ thể, mà phải cùng lúc phối hợp hài hòa được nhiều hình thức tuyên truyền, cơ chế quản lý, chế tài xử phạt cũng như các mô hình quản lý phương tiện tối ưu nhất. Với từng đặc thù về dân số, mô hình phát triển, mỗi quốc gia hay vùng lãnh thổ lại có những cách riêng rất độc đáo. Lâu nay, nếu xét riêng khu vực Châu Á, Đài Loan (Trung Quốc) luôn được nhắc tới như một hình mẫu lý tưởng trong việc tiếp cận mục tiêu trên. Vậy họ đã làm điều đó như thế nào?
Phát triển phương tiện giao thông đa dạng, nhưng hài hòa
Nếu chỉ quan sát trên đường phố ở các đô thị của vùng lãnh thổ có tỉ lệ xe máy trên đầu người lớn nhát thế giới này, mô hình tổng quan phương tiện cũng có đủ thành phần hỗn hợp, với xe buýt, ôtô cá nhân, xe tải, xe máy, xe đạp. Người dân ở đây vẫn thích sử dụng xe máy vì rẻ và cơ động. Vì thế, mật độ xe máy tại những thành phố như Đài Bắc lên tới 676 xe/1.000 dân, tức cao hơn Việt Nam vốn đang ở mức 460 xe/1.000 dân. Xe máy tại Đài Loan chủ yếu là xe tay cỡ nhỏ, động cơ dung tích 50 đến 110cc chiếm tới 90%.
Tuy mật độ xe máy lớn, số lượng phương tiện nhóm này chạy trên đường tại Đài Bắc lại ít hơn nhiều so với Việt Nam, bởi lẽ phương tiện công cộng luôn được chú trọng phát triển song song, nhưng tập trung đáp ứng một cách tốt nhất đối với nhu cầu đi lại của người dân, cũng như đảm bảo tính hài hòa đối với thực trạng phương tiện cá nhân từng thời điểm. Người dân ở đây thường nói vui rằng, phương tiện di chuyển chính của họ là “BMW”, tức là Bus (xe buýt), Metro (tàu điện) và Walk (đi bộ). Để tới văn phòng, nếu trừ khoảng thời gian "cơ giới hóa", mỗi cá nhân thường chỉ đi bộ vài cây số.
Khác với nhiều quốc gia phát triển phương Tây, Đài Loan mới chỉ phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng từ 2010. Đây cũng được xem là nỗ lực của chính quyền vùng lãnh thổ này nhằm hạn chế phương tiện cá nhân.
Từ thủ phủ Đài Bắc, người dân có thể mua vé đi bất cứ đâu trong lãnh thổ Đài Loan bằng cách tới ga tàu trung tâm (Taipei Main Station). Ở đây cung cấp vé cho tất cả các loại dịch vụ công cộng và cho phép thanh toán tiện lợi qua nhiều hình thức.
Bên cạnh tiền mặt, người dân có thể sử dụng thẻ từ nếu thường xuyên sử dụng loại hình phương tiện này. Loại thẻ từ tàu điện (MRT Card hay YoyoCard) được sử dụng rộng rãi tại Đài Loan, và cũng có thể thanh toán cho nhiều phương tiện và các dịch vụ dân sinh khác. Theo trao đổi của phóng viên với một số người dân bản xứ, chính sự tiện lợi trong thanh toán và sử dụng loại thẻ này đã góp phần lớn vào sức hút của phương tiện công cộng. Hơn thế nữa, cũng để khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, một số đô thị như thành phố Đài Trung còn đề ra chính sách cho phép người dân di chuyển dưới 10 km không phải trả phí.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại khoảng ngắn, đồng thời kiến tạo thành phố xanh, chính quyền Đài Bắc cũng "phủ sóng" mạng lưới cho thuê xe đạp rộng khắp. Di chuyển dọc theo các tuyến phố, cứ 500 mét người ta lại bắt gặp một bãi thuê xe đạp thông minh, được quản lý qua một hệ thống máy tính tập trung. Cơ quan công quyền sẽ cho doanh nghiệp đấu thầu kinh doanh có thời hạn. Người thuê xe đạp cũng thanh toán qua thẻ điện tử nói trên, với chi phí tương đương khoảng 8.000 đồng cho một giờ.
Không gian dừng đỗ không cản trở lòng đường, vỉa hè
Bên cạnh hạ tầng dừng đỗ dành cho ô tô đủ tốt, nét độc đáo trong quản lý phương tiện tại Đài Loan lại thể hiện rõ nét đối với các phương tiện hai bánh. Để quản lý xe máy với số lượng lớn, Đài Loan quy định chỗ đỗ rất khoa học và dày trên các tuyến phố. Trên vỉa hè (đủ rộng), cơ quan chức năng sẽ kẻ sẵn vạch cho xe máy đỗ, nếu chủ phương tiện đỗ ra ngoài vạch sẽ bị phạt tiền. Một điểm đáng chú ý là xe máy luôn được bố trí đỗ sát lòng đường đường, nhường khoảng vỉa hè phía trong cho người đi bộ.
Vỉa hè, gầm cầu vượt, các tòa đỗ xe trên cao... là những địa điểm thường được chính quyền thành phố bố trí đỗ xe thường xuyên. Với những bãi đỗ trên cao hoặc trong hầm, người dân cũng dễ dàng tìm đường vào thông qua bảng điện tử chỉ dẫn địa điểm và hiển thị số chỗ còn trống, được bố trí rất trực quan trên đường di chuyển.
Phương thức thu tiền cũng khá tiện lợi cho người dân, kể cả với xe máy đỗ trên vỉa hè. Dù có vẻ tự do, thực chất mỗi tuyến phố đều có cán bộ quản lý. Người này sẽ đi từng xe, ghi vé dựa trên thời gian đỗ để quy ra tiền. Người dân không cần phiền toái lấy hay trả vé, cũng không nộp tiền trực tiếp cho kiểm soát viên này, . Thay vào đó, họ có thể gom các vé này và thanh toán chung một lần qua nhiều điểm giao dịch (thậm chí là các cửa hàng tạp hóa có cung cấp dịch vụ này).
Hạn chế giao cắt luồng phương tiện tại các nút giao thông
Điểm đáng học hỏi thứ ba trong mô hình giao thông đô thị Đài Loan cũng nằm ở việc hạn chế tối đa sự giao cắt của các luồng phương tiện tại các nút giao thông. Tại các vị trí dừng chờ đèn, mặt đường luôn có kẻ ô riêng dành cho xe máy đỗ đầu, sau đó mới tới những phương tiện khác.
Tuy nhiên, độc đáo hơn cả có lẽ là việc chính quyền Đài Loan cho rằng hiệu quả nhất để tránh xung đột ô tô và xe máy, cũng như các luồng giao thông di chuyển tại ngã tư là việc bố trí cho phương tiện hai bánh rẽ trái hai giai đoạn. Nói một cách dễ hiểu, nếu muốn rẽ trái, xe máy trước hết phải tiến thẳng sang ô kẻ sẵn ở phía đường đối diện, xoay hướng trái, rồi đứng đợi tới khi đèn chuyển xanh thì đi cùng dòng phương tiện thẳng (xem hình minh họa).
“Thông minh hóa” hệ thống điều hành giao thông
Đài Loan hiện nay vẫn chú trọng xây dựng hệ thống giao thông thông minh dựa trên các giải pháp công nghệ cao. Toàn bộ các giải pháp,
Tại đây cũng là nơi đặt trung tâm điều khiển giao thông toàn thành phố, với hàng trăm máy quay (riêng tại Đài Bắc) truyền dữ liệu trực tiếp 24/7.
Tài xế khi tải ứng dụng về smartphone có thể quan sát tình trạng giao thông từ hệ thống camera này để biết chỗ nào tắc, chỗ nào thoáng. Ngoài ra còn có thể thanh toán dịch vụ, biết số lượng chỗ đỗ xe còn lại trong các bãi đỗ thông qua ứng dụng này.
Tương tự như Nhật Bản hay Singapore, cảnh sát giao thông rất hiếm khi phải ra đường tại Đài Loan, bởi hầu hết các vi phạm đều sẽ xử lý qua hình thức phạt nguội. Việc quản lý đồng bộ thông tin người điều khiển và sở hữu phương tiện cũng rút ngắn thời gian xử lý trực tiếp. Trong tình huống này, tài xế không cần cung cấp giấy tờ xe, hay trình bày dài dòng như ở Việt Nam, mà chỉ cần đọc mã số cá nhân. Cảnh sát sẽ truy xuất rất nhanh và ra vé phạt. Tương tự như với vé phạt dừng đỗ, người bị phạt sau đó có thể nộp ở nhiều nơi.
Ý thức tham gia giao thông cao
Trước đây, khi lần đầu tiên đến Đài Bắc, một hướng dẫn viên từng nói với người viết bài này rằng: có ba thứ kinh doanh rất ế ẩm tại Đài Loan nói chung, và trước tiên đó chính là còi. Và thực tế, rất hiếm khi ai đó bấm còi khi tham gia giao thông tại vùng lãnh thổ này.
Thực tế, "không còi" chỉ là một trong những biểu hiện của ý thức tham gia giao thông cao của người dân tại Đài loan. Hầu như mọi người khi lưu thông trên đường đều thuộc nằm lòng những quy tắc tối thiểu, thậm chí là những luật bất thành văn. Họ tránh nhau, xếp hàng chờ đèn, xử lý các tình huống phức tạp nhanh chóng, thuần thục và đôi khi chuẩn mực như những cỗ máy được lập trình sẵn. Và cũng chính nhờ điều này, những tình huống bất chợt, thứ mà ở nhiều quốc gia khác có thể dẫn tới những pha tắc đường nghiêm trọng, tại đây lại chỉ là “chuyện nhỏ”.
Có thể khẳng định rằng, tính hợp lý và đồng bộ trong nỗ lực phát triển hạ tầng và phương thức quản lý giao thông đóng vao trò chủ đạo đối với việc đảm bảo di chuyển thông suốt, và tiện lợi nhất có thể cho người dân. Tuy nhiên, ở Đài Bắc trong bài viết này, cũng như với bất kì đô thị phát triển nào khác, dù hạ tầng có được đầu tư tốt tới mấy nhưng thiếu đi ý thức từ phía người điều khiển phương tiện, mỗi con đường sẽ vẫn chật cứng, và mỗi người dân khi tham gia giao thông sẽ luôn phải đối mặt với căng thẳng, bất tiện và rủi ro.
Hoàng Linh
Ý kiến bạn đọc