Công nghệ "xe xanh" tại Việt Nam: Cần thiết nhưng "cửa vào còn hẹp"

06:38, 21/07/2017
|

Trong khi nhiều nước trên thế giới “bật đèn xanh” ưu đãi lớn với dòng xe hybrid để cắt giảm khí thải ra môi trường và giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hoá thạch, cánh cửa vào thị trường Việt Nam chưa thật mở và số lượng xe hybrid góp mặt trên đường còn rất hạn chế.

Trong khi nhiều nước trên thế giới “bật đèn xanh” ưu đãi lớn với dòng xe hybrid để cắt giảm khí thải ra môi trường và giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hoá thạch, cánh cửa vào thị trường Việt Nam chưa thật mở và số lượng xe hybrid góp mặt trên đường còn rất hạn chế.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Xe hybrid - lựa chọn “xanh” cho đô thị Việt Nam

Sử dụng kết hợp hai bộ truyền động, một động cơ chạy xăng và một mô tơ chạy điện, xe Hybrid hay còn gọi là xe lai ngày càng được ưa chuộng nhờ khả năng tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường, vận hành mạnh mẽ và yên tĩnh. Tùy thuộc vào hệ thống, xe Hybrid sẽ sử dụng hai nguồn năng lượng theo các cách khác nhau để tạo nên sự vận hành mạnh mẽ mà vẫn đạt hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu tối ưu.

So với ắc quy trên xe thông thường, pin Hybrid lớn, mạnh mẽ hơn nhiều và được tự động sạc trong quá trình xe vận hành, vì vậy không tốn thời gian để sạc pin như xe điện.

Khi xe ở chế độ nghỉ, động cơ điện và động cơ xăng tự động tắt để bảo toàn năng lượng. Khi xe bắt đầu chuyển động ở tốc độ thấp, năng lượng được cung cấp từ pin Hybrid đến động cơ điện. Động cơ xăng vẫn tắt, xe chuyển động êm ái và mượt mà nhờ động cơ điện. Khi tăng tốc, động cơ điện và động cơ xăng kết hợp cùng hoạt động để đạt được công suất mạnh mẽ. Khi ắc quy Hybrid không còn đủ năng lượng, động cơ xăng sẽ làm quay động cơ điện và sử dụng nguồn điện tạo ra để dẫn động bánh xe. Khi xe đi ở điều kiện bình thường, xe được dẫn động bởi động cơ xăng ở dải tốc độ mà xe hoạt động hiệu quả nhất. Tùy thuộc vào điều kiện lái xe, năng lượng được phân phối đến máy phát điện để cung cấp cho động cơ điện nhằm bổ sung cho động cơ xăng. Khi giảm tốc và phanh, động cơ điện sử dụng động năng của xe làm máy phát quay, lượng điện này sẽ được tích vào pin hybrid

Việc thay đổi liên tục để lựa chọn chế độ lái thích hợp theo từng điều kiện cho phép xe giảm phát thải, tiết kiệm nhiên liệu mà vẫn đảm bảo khả năng vận hành như ý.

Bên cạnh đó, chế độ lái hoàn toàn bằng điện còn giúp xe vận hành êm ái và tĩnh lặng tuyệt đối và đặc biệt phát huy tác dụng khi vận hành vào sáng sớm hay đêm muộn trong những khu dân cư hay dưới hầm đỗ xe. 

Với sự hỗ trợ của mô-tơ điện khi tải thấp và tốc độ ổn định, xe hybrid có thể tiết kiệm xăng hơn xe truyền thống từ 1,5 đến 2 lần. Ví dụ như dòng xe hybrid bán chạy nhất thế giới Toyota Prius chỉ tiêu thụ 3,5 lít xăng cho 100 km, bằng 1/2 mức tiêu thụ của một chiếc xe động cơ xăng thông thường loại 1.5L. 

Tại Việt Nam, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng tại các thành phố lớn, các chuyên gia nhận định xe hybrid là lựa chọn tối ưu khi giảm lượng phát thải, hạn chế sự tiêu thụ nhiên liệu hoá thạch và không đòi hỏi nhiều sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, như xây các trạm sạc điện, hay các trạm năng lượng thay thế như xe chạy điện (EV), xe hybrid sạc điện (PHEV) hay xe chạy pin nhiên liệu...

Giải pháp hay nhưng cửa vào hẹp

Đánh giá về công nghệ xe hybrid, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định xe hybrid là một trong những phương tiện sạch có khả năng giảm ách tắc, giảm ô nhiễm tại Việt Nam. Còn ông Phó Đức Sơn, Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng ô nhiễm không khí đang ngày càng trầm trọng tại các thành phố và gây tác động lớn đến kinh tế-xã hội và dù Nhà nước đã ban hành một số chính sách ưu tiên phát triển xe thân thiện với môi trường, nhưng số lượng xe hybrid sử dụng trên thực tế còn rất khiêm tốn.

Theo thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, mới có khoảng 1.229 xe hybrid và 7 xe ôtô điện tại thị trường Việt Nam.

Trên thực tế, Việt Nam đã nhận thức được về tầm quan trọng của việc phải có những chính sách ưu đãi dành cho xe thân thiện với môi trường (xe xanh) và một số quy định cũng như mức thuế tiêu thụ đặc biệt có lợi cho loại xe này đã được ban hành.

Tuy nhiên, đến nay, chưa có mẫu xe thân thiện với môi trường nào được hưởng những chính sách ưu đãi đó do có nhiều cách hiểu về khái niệm xe chạy xăng kết hợp năng lượng điện 

Các chuyên gia nhận định xe cần sạc điện ngoài hiện chưa phù hợp với hạ tầng giao thông Việt Nam, đòi hỏi sự đầu tư lớn để xây dựng hệ thống trạm sạc điện cho xe trong khi xe hybrid truyền thống có hiệu quả tương đương và không cần đầu tư lớn về hạ tầng có thể ứng dụng vào đời sống được ngay.

Phát biểu về vấn đề này, ông Phó Đức Sơn cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để khuyến khích các hãng sản xuất thêm nhiều dòng xe thân thiện môi trường, trong đó, cần cụ thể hóa quy định ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt, với xe hybrid nếu sử dụng xăng không quá 70%, được hưởng mức thuế suất bằng 70% so với xe cùng loại. 

Chia sẻ với báo giới, ông Vince Socco, Phó chủ tịch điều hành của Công ty ô tô Toyota Châu Á Thái Bình Dương nhận định Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn ô tô hóa vào khoảng năm 2020. Vì vậy, cần thiết phải có một giải pháp đồng bộ hơn, mở rộng hơn hướng tới giao thông bền vững mà những chính sách ưu đãi để phát triển xe hybrid là rất cần thiết.

Hành trình xanh của Toyota 

Năm 1997, Toyota đã đưa ra một dự án đầy tham vọng với một mục tiêu: thiết kế một chiếc xe đẹp và thân thiện với môi trường để có thể phát triển bền vững cùng với thiên nhiên. Cũng trong năm đó, chiếc xe hybrid đầu tiên trên thế giới - Prius lra mắt. Kể từ đó đến nay, đã có 34 mẫu xe hybrid khác nhau được giới thiệu ra thị trường để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tính tới hết tháng 1/2017, Toyota đạt doanh số hơn 10 triệu chiếc hybrid trên toàn thế giới, bao gồm cả các xe plug-in hybrid (xe hybrid sạc điện).

Việc sử dụng xe hybrid của Toyota, thay vì các loại xe chạy bằng xăng thông thường có kích thước và hiệu năng lái xe tương đương, đã giảm thiểu phát thải khoảng 77 triệu tấn khí CO2 và tiết kiệm được khoảng 29 tỉ lít xăng.

Trong kế hoạch đến năm 2050, Toyota đặt mục tiêu giảm 90% lượng khí thải CO2 từ các mẫu xe mới so với năm 2010, bằng cách tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của các loại xe thế hệ mới bao gồm các mẫu xe hybrid, xe hybrid sạc điện, xe điện và các mẫu xe sử dụng pin nhiên liệu hydro.

(Theo Lao động)


Ý kiến bạn đọc