Thực hiện tuần tự các thao tác kéo phanh tay trước khi về số P trong quá trình dừng, đỗ ô tô sẽ góp phần giảm thiểu sự mài mòn cũng như hư hại cho các chi tiết trong hộp số.
Đó là lời khuyên của anh Trần Nhật Quang - kỹ sư ô tô, trước vấn đề “Ô tô số tự động, thực hiện các bước đỗ xe như thế nào cho đúng?”.
Thói quen về số P trước khi kéo phanh tay sẽ làm ảnh hưởng đến các chi tiết hộp số |
Hiện nay, không ít người sử dụng ô tô số tự động tại Việt Nam thường có thói quen về số P trước, rồi mới kéo phanh tay khi dừng, đỗ xe. Theo suy nghĩ của nhiều người, việc về P hay kéo phanh trước thường không quan trọng khi đã đảm bảo thực hiện hết các thao tác để đỗ xe an toàn. Tuy nhiên, khi đỗ xe, đặc biệt tại các vị trí không bằng phẳng, việc tài xế về số P trước khi kéo phanh tay lại gây ảnh hưởng xấu cho các chi tiết trong cơ cấu hộp số.
Xét về chức năng, cả phanh tay ô tô và số P đều có tác dụng giữ cho xe đứng yên khi người lái dừng, đỗ xe. Tuy nhiên, cơ chế để giữ xe đứng yên của phanh tay và số P hoàn toàn khác nhau. Trong khi, phanh tay tác dụng lực ép guốc phanh vào tang trống hoặc thắng đĩa giúp xe đứng yên, thì số P trong hộp số ô tô đa phần đều dùng cơ cấu khóa chốt đỗ hay còn gọi là bánh răng cóc (parking pawl) vào các ngàm giữ trên trục ra của hộp số, để giữ cho xe không di chuyển.
Cơ cấu P trong hộp số đa phần đều dùng cơ cấu khóa chốt đỗ vào các ngàm giữ |
Khi thao tác dừng xe, nếu tài xế đạp chân phanh rồi chuyển từ số D về số P. Lúc này, chốt đỗ sập xuống. Nếu phần mấu của chốt đỗ chưa ăn khớp với ngàm giữ trên trục ra của hộp số, sẽ khiến cho trục số quay để mấu chốt đỗ được gài cứng trong ngàm giữ. Vì vậy, trong trường hợp này, nếu buông chân phanh rồi sau đó mới kéo phanh tay, người ngồi trên xe sẽ có cảm giác chiếc xe hơi “nhớm” lên. Tuy nhiên, việc kéo phanh tay lúc này chỉ có tác dụng hỗ trợ thêm, bởi xe được giữ đứng yên chủ yếu do chốt đỗ được hãm vào các ngàm giữ. Vì vậy, chốt đỗ phải chịu áp lực rất lớn từ trọng lượng xe, nhất là khi đỗ xe tại những vị trí có độ dốc lớn.
“Việc chốt đỗ chịu lực lớn khiến chi tiết này có thể bị gãy hoặc chí ít cũng làm kẹt nhẹ cơ cấu này khiến việc ra khỏi số P khó khăn và nặng nề hơn. Bên cạnh đó, áp lực này về lâu dài có thể ảnh hưởng đến các chi tiết trong hộp số”, kỹ sư ô tô Trần Nhật Quang chia sẻ.
Với xe số tự động, người lái nên lưu ý thao tác khi đỗ xe để giảm thiểu hư hại cho các chi tiết trong hộp số |
Ngược lại khi dừng đỗ xe, nếu lái xe kéo phanh tay trước, lực ép guốc phanh vào tang trống hoặc thắng đĩa ở bánh sau giúp xe đứng yên. Việc về số P lúc này sẽ giúp chốt đỗ chịu áp lực ít hơn, đỡ bị mài mòn hơn. Trong trường hợp phanh tay gặp sự cố chốt đỗ lúc này đã được hãm vào ngàm giữ trên trục ra của hộp số sẽ vẫn giữ cho xe đứng yên một cách an toàn.
Vì vậy, theo lời khuyên của các chuyên gia, khi đỗ xe, các lái xe nên thực hiện theo các bước: Đạp phanh chân cho xe dừng hẳn, chuyển cần số từ D về P trong khi vẫn giữ phanh chân, sau đó kéo phanh tay rồi mới thả phanh chân. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu sự mài mòn cũng như hư hại cho các chi tiết trong hộp số.
Theo Thế giới xe
Ý kiến bạn đọc