Cắt giảm hàng loạt điều kiện kinh doanh: Giá điện sẽ cạnh tranh hơn?

06:50, 23/11/2017
|
(VnMedia) -  Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, hướng tới việc cho nhiều thành phần kinh tế khác tham gia tham thị trường điện, Bộ Công Thương sẽ bãi bỏ bớt các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này. Hy vọng điều này sẽ tạo thị trường cạnh tranh trong cả 3 phân khúc là sản xuất điện, truyền tải điện và phân phối điện. 
 
Thị trường điện hướng tới nhiều thành phần kinh tế tham gia
 
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, trong suốt thời gian vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là cơ quan độc quyền của Nhà nước trong lĩnh điện. Tuy nhiên, gần đây đã có bước chuyển mình khi đã có các thành phần kinh tế khác tham gia vào.
 
"Với việc bãi bỏ bớt điều kiện kinh doanh ở lĩnh vực điện được xây dựng, theo tinh thần làm sao thị trường này có thể thu hút được nhiều hơn các thành phần kinh tế tham gia. Tất nhiên các lĩnh vực quan trọng như truyền tải điện… vẫn phải thực hiện theo lộ trình", Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay.
 
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, hướng tới việc cho nhiều thành phần kinh tế khác tham gia tham thị trường điện, Bộ Công Thương sẽ bãi bỏ bớt các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này. Hy vọng điều này sẽ tạo thị trường cạnh tranh trong cả 3 phân khúc là sản xuất điện, truyền tải điện và phân phối điện. 
 
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để xây dựng thị trường điện cạnh tranh còn rất nhiều việc phải làm. Hiện trong phân khúc thị trường điện có sản xuất, truyền tải (độc quyền nhà nước), phân phối điện (bán buôn - bán lẻ). "Ở đây, khâu bán buôn chưa giảm, nhưng bán lẻ có thể giảm và cho nhiều nhà đầu tư gia nhập. Có như vậy mới giảm tải cho nhu cầu đầu tư EVN, tạo cơ hội đầu tư cho tư nhân. Đây là những bước tiến hành cho xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, cũng như phát triển nền năng lượng tái tạo", ông Cung chia sẻ.
 
Thị trường điện sẽ thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia khi bãi bỏ các điều kiện kinh doanh. Ảnh minh họa
Thị trường điện sẽ thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia khi bãi bỏ các điều kiện kinh doanh. Ảnh minh họa
 
Liên quan đến việc bãi bỏ quy định trong xăng dầu, ông Cung chia sẻ, thị trường xăng dầu là thị trường tương đối đặc biệt. Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho đất nước, mấy chục năm qua, chúng ta đã duy trì nhập khẩu, phân phối xăng dầu trong nước dưới sự chỉ đạo hết sức chặt chẽ của Chính phủ, cũng như Bộ Thương mại trước đây, bây giờ là Bộ Công Thương. Tuy nhiên, hiện nay xã hội đã rất phát triển, nếu có thể đưa thêm các doanh nghiệp vào thị trường xăng dầu làm tăng tính cạnh tranh của thị trường thì giá thành và việc cung ứng xăng dầu và giá cả sẽ được cải thiện hơn so với thời gian trước đây.
 
Với tầm quan trọng đó, ông Cung cho rằng, cần phải cân nhắc trên cả hai phương diện, một là vẫn bảo đảm quản lý nhà nước, bảo đảm cung ứng mặt hàng rất quan trọng này, bên cạnh đó làm thế nào để thị trường xăng dầu có tính cạnh tranh hơn.
 
Cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh là vừa sức cho các địa phương 
 
Ngày 20/9/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2018.
 
Theo Quyết định này, dự kiến có khoảng 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm. Đây là con số được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành công thương được các đơn vị thuộc Bộ đề nghị cắt giảm, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh.
 
Trước việc bãi bỏ mạnh mẽ các điều kiện kinh doanh của ngành Công Thương, một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm mà vẫn tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp? Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, bản thân tư duy chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đã là tư duy vì doanh nghiệp. Bởi vì doanh nghiệp có thể bước chân vào cơ quan mà không cần chứng minh với bất kì cơ quan nhà nước nào là mình đủ năng lực, và họ phải tự chịu trách nhiệm mọi thứ đối với doanh nghiệp của mình nếu không muốn bị rút giấy phép kinh doanh.
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, khi chuyển tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm thì có một vấn đề cần phải được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách rõ ràng hơn, chính là vai trò của các địa phương sẽ trở nên rất lớn. Bởi, nếu đã chuyển sang hậu kiểm thì không thể có chuyện cán bộ của Bộ Công Thương đi khắp 63 tỉnh, thành phố để kiểm tra đột xuất doanh nghiệp này, doanh nghiệp khác.
 
“Bộ Công Thương sẽ định ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn còn địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở và kinh doanh phải là nơi kiểm soát xem doanh nghiệp có đáp ứng được tiêu chuẩn và quy chuẩn ấy hay không. Chính vì vậy, trong quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh chúng ta phải chú ý đến năng lực thực thi của chính quyền các cấp. Việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh vừa qua, theo chúng tôi đánh giá là vừa sức cho các địa phương”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
 
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, việc cắt giảm và xóa bỏ điều kiện kinh doanh là có hiệu lực trên toàn quốc, không một chính quyền địa phương nào có thể đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện kinh doanh đã bị xóa bỏ đó. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra sẽ dựa trên các tiêu chuẩn và quy chuẩn do cơ quan quản lý nhà nước ban hành. Khi đưa ra các tiêu chuẩn và quy chuẩn là những điều kiện đã được lượng hóa và công khai, minh bạch nên người dân cũng có thể kiểm tra được mình có đáp ứng hay không.
 
Yến Nhi

 


Ý kiến bạn đọc