(VnMedia) –
Theo TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay chính là làm thế nào để hạn chế được việc phục hồi các thủ tục, điều kiện kinh doanh đã từng được cắt giảm và đơn giản hóa từ trước đó. Có như vậy mới thể hiện sự nhất quán, ổn định trong cơ chế chính sách và phương pháp điều hành. Đây là vấn đề luôn được các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân quan tâm.
Sáng nay (22/11), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Bộ Công thương: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”.
Cần phải thay đổi tư duy để việc cắt giảm thủ tục hành chính được thành công
Vừa qua, Bộ Công thương đã ban hành quyết định cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc quản lý của Bộ trong giai đoạn 2017 - 2018. Đây được xem là con số kỷ lục chưa từng có trong ngành Công Thương.
Tuy nhiên, sau khi công bố quyết định này, nhiều câu hỏi được đặt ra rằng, với 675 điều kiện kinh doanh dự kiến cắt giảm này, liệu có xảy ra tình trạng “cắt rồi lại mọc”.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, trong giai đoạn 2000 – 2003 đã được bãi bỏ khá nhiều điều kiện kinh doanh. Điển hình, ở thời điểm đó, ngành giao thông vận tải gần như bỏ gần hết. Tuy nhiên, sau đó lại phục hồi gần như toàn bộ, đồng thời theo đó còn mọc thêm.
Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các điều kiện kinh doanh không ‘mọc’ thêm, sao khi đã được bãi bỏ? Theo ông Cung, cái đầu tiên phải nó là phải thay đổi tư duy. Bởi lẽ, khi cơ quan chức năng đặt ra điều kiện tiền kiểm hàng hóa thì không bao giờ hạn chế được điều kiện kinh doanh.
“Tuyệt đối tránh việc cứ mỗi khi xã hội, nền kinh tế xuất hiện một hình thức kinh doanh mới, cơ quan quản lý lại cho ra đời hàng loạt các điều kiện kinh doanh, thủ tục rườm rà để quản lý, chi phối. Vì thế, khi các Bộ, ngành, địa phương đã xác định cắt bỏ điều kiện kinh doanh thì cần phải có phương thức quản lý, giám sát việc thực thi quy định, tránh tối đa việc tái lập thủ tục, điều kiện kinh doanh. Vì vậy, điều kiện kiên quyết là phải thay đổi được tư duy và cách thức quản lý”, ông Cung nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng cho rằng, trong việc xóa bỏ điều kiện kinh doanh thì điều cơ bản nhất là tư duy.
“Thay vì việc đưa ra một hệ thống điều kiện, sau đó có người dân và doanh nghiệp đến chứng minh đã đáp ứng điều kiện đó hay chưa rồi cấp giấy phép kinh doanh, thì hãy quản lý bằng một các tiêu chuẩn. Khi các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nào thì phải tuân thủ các tiêu chuẩn đó, và đến kiểm tra đột xuất nếu không đáp ứng được phải hoàn thiện, khắc phục và nặng hơn là buộc tạm ngừng kinh doanh”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.
Sẽ không có chuyện ‘cắt rồi lại mọc’
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh được Bộ Công thương thực hiện ngay đầu nhiệm kỳ của Chính phủ mới (tức từ tháng 7/2016). "Với lộ trình xuyên suốt như vậy, sẽ khó vấp phải tình trạng cắt đi rồi lặp lại", Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, một trong 5 nguyên tắc để cắt giảm điều kiện kinh doanh của Bộ là phải tuân thủ các tiêu chí, quy định tại Luật Đầu tư. Vì vậy, khi ban hành các điều kiện kinh doanh phải có căn cứ, liên tục rà soát, nâng cao chất lượng điều kiện kinh doanh, để khi các quy định đã được ban hành, các đơn vị trực thuộc Bộ sẽ thực hiện và khó tái mọc trở lại điều kiện kinh doanh.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, tăng cường công tác hậu kiểm đột xuất, nếu doanh nghiệp sai phạm buộc phải tự khắc phục hoặc tạm dừng hoạt động. Điều này vừa đảm bảo sự tối ưu của cơ quan quản lý nhà nước cũng như giảm chi phí tuân thủ ở mức thấp nhất.
Ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 - 2018.
Theo Quyết định này, dự kiến có khoảng 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm. Đây là con số được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành công thương được các đơn vị thuộc Bộ đề nghị cắt giảm, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, khi xây dựng hệ thống điều kiện kinh doanh, Bộ cố gắng hướng từ quy trình tiền kiểm sang hậu kiểm theo đúng các cam kết quốc tế. Trong các phương án cắt giảm, Bộ Công Thương đã phải lưu ý rất nhiều về tính khả thi cũng như nguồn lực đáp ứng, hoàn toàn không phiêu lưu, cắt giảm điều kiện kinh doanh gắn với cải cách thủ tục hành chính, không chỉ tiến hành cắt giảm để lấy sự nổi tiếng.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc