(VnMedia) -
Các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có tiềm năng thủy điện khá lớn và việc phát triển thủy điện đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế - xã hội của cả nước. Đồng thời, giúp người dân tái định cư ngày càng ổn định cuộc sống, tăng thu nhập (theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, năm 2016 bình quân đạt 14 triệu đồng/hộ/năm).
Sáng nay (5/10), Báo Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Quy hoạch thủ điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo: An toàn – Hiệu quả - Bền vững”.
Tiềm năng thủy điện ở Việt Nam là rất lớn
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, lượng mưa khá cao, số giờ nắng trong năm từ 1.400 - 3.000 giờ với nhiệt độ bình quân năm trên 21oC và 3/4 lãnh thổ là địa hình đồi núi, phân cắt mạnh đã hình thành hơn 3.450 sông, suối.
Các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có tiềm năng thủy điện khá lớn (về lý thuyết khoảng 35.000 MW với điện lượng khoảng 300 tỷ kWh/năm) và có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo (NLTT) khác như gió, mặt trời, sinh khối,... Đây là những tài nguyên quý giá, nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần được khai thác một cách hợp lý.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, các nhà máy thủy điện hiện có đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia (năm 2016, đã đóng góp khoảng 44% công suất và gần 40% điện lượng; trong 8 tháng đầu năm 2017, đã đóng góp trên 40% công suất và điện lượng cho hệ thống điện), điều tiết hợp lý giá điện ở nước ta; tạo ra nhiều công việc và thu nhập cho lực lượng lao động trên cả nước; đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước,...
Tại một số tỉnh (như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lắk, Lâm Đồng...), các nhà máy thủy điện đóng góp phần lớn trong nguồn thu ngân sách. Cùng với phát triển thủy điện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện, đường, trường, trạm,...) và điều kiện sinh hoạt, sản xuất của người dân ở các địa phương có dự án được cải thiện, hoàn chỉnh.
Nhìn chung, việc phát triển thủy điện đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Người dân tái định cư ngày càng ổn định cuộc sống, tăng thu nhập (theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2016 bình quân đạt 14 triệu đồng/hộ/năm).
Theo ông Đỗ Đức Quân – Phó cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo cũng cho biết, tiềm năng thủy điện của nước ta về cơ bản đã được quy hoạch (đạt đến 95,3% tổng công suất tiềm năng kinh tế). Các dự án hoàn thành và đang thi công xây dựng cũng đạt 86,1% công suất quy hoạch. Hiện nay, cả nước còn 316 dự án đã quy hoạch, trong đó chủ yếu là thủy điện nhỏ.
Ông Quân cũng nhận định, nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây đang dần đi vào ổn định, đặc biệt là ngành tài chính và ngân hàng, đây là điều kiện hết sức thuận lợi, để các nhà đầu tư có thể huy động vốn để có thể triển khai dự án khi đã được sự chấp thuận đầu tư của cấp có thẩm quyền.
Cần nâng cao đánh giá quy hoạch thủy điện
Mặc dù thủy điện tại Việt Nam khá tiềm năng, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, công tác quản lý nhà nước dù đã được tăng cường nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, có nguyên nhân là các cơ quan liên quan ở địa phương còn hạn chế về nhân lực chuyên môn và thiếu quan tâm.
Cùng với đó, một số Chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu cũng chưa nghiêm túc thực hiện, thậm chí còn vi phạm quy định pháp luật trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc vận hành khai thác; năng lực quản lý dự án, thiết kế và thi công của nhiều đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, chất lượng của quy hoạch và công trình xây dựng tại một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, còn vi phạm quy định vận hành gây bức xúc trong dư luận.
Theo đại diện Sở Công Thương Bình Thuận, nhìn chung trong lĩnh vực điện gió tại Bình Thuận đến nay, mặc dù đã tổ chức triển khai một số dự án và có 3 nhà máy điện gió đã hoạt động sản xuất điện hòa lưới điện quốc gia, song đối với cả nước đây là lĩnh vực mới nên còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Đại diện Sở Công Thương chia sẻ, quan điểm phát triển điện gió và điện mặt trời của tỉnh phải gắn liền với chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hài hòa với sự phát triển các ngành kinh tế khác của tỉnh, phải gắn với hiệu quả kinh tế - xã hội, đối với điện mặt trời chỉ xem xét phát triển tại các khu vực sản xuất nông nghiệp hoặc phát triển các ngành nghề khác không thuận lợi, hiệu quả kinh tế thấp. Đồng thời phải đảm bảo tốt các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhất là việc đấu nối lưới điện, truyền tải công suất điện đến các vùng phụ tải trong cả nước, bảo đảm môi trường sinh thái, giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Trong khi đó, ông Đỗ Đức Quân cho rằng, để các dự án thủy điện phát huy hiệu quả cần nâng cao hiệu quả công tác rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện các công trình thủy điện đang vận hành khai thác. Cùng với đó, tăng cường hơn nữa nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật.
“Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác”, ông Quân nêu.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc