(VnMedia) –
Mặc dù quảng cáo tiếp thị trực tuyến đang trở thành kênh quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp, nhưng hiện lòng tin của người tiêu dùng đối với hoạt động này vẫn hạn chế. Đây được xem là rào cản lớn, khiến hoạt động mua bán trực tuyến khó phát triển.
Xu hướng quảng cáo tiếp thị trực tuyến ngày càng thống trị
Trả lời câu hỏi của PV bên lề Diễn đàn Diễn đàn tiếp thị trực tuyến 2017 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức, ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, trong những năm gần đây kinh doanh trực tuyến của Việt Nam phát trriển rất là mạnh.
Theo dự báo của VECOM và nhiều hãng uy tín trên thế giới, trong giai đoạn từ năm 2016 – 2025 thương mại điện tử và kinh doanh trực tuyến sẽ phát triển mạnh mẽ. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng của thị trường tiếp thị trực tuyến thậm chí còn nhanh hơn tốc độ phát triển của thương mại điện tử. Bởi vì, muốn kinh doanh trên thị trường mạng thì việc hiện diện, quảng bá thương hiệu của mình đến người tiêu dùng là rất cần thiết. Trên bối cảnh đó, chắc chắn rằng xu hướng tiếp thị trực tuyến sẽ phát triển trong nhiều năm tới.
Ông Trần Trọng Tuyến – Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ DKT cho biết, thương mại điện tử trên thị trường Việt Nam rất tiềm năng là điều mà nhiều chuyên gia thừa nhận, nhưng nói phát triển và đạt đỉnh cao thì cần thêm thời gian.
Theo ông Tuyến, khi môi trường Internet phát triển, tiếp thị trực tuyến sẽ phát triển theo. Hiện tiếp thị trực tuyến đang rất phát triển và đa dạng với khá nhiều lựa chọn.
“Nói về tiếp thị trực tuyến thì có nhiều cách tiếp cận và tùy vào ngành nghề chúng ta thực hiện. Tuy nhiên, hiện có hai xu hướng nổi lên, một là mô hình bán hàng đa kênh dẫn đến tiếp thị đa kênh cũng phát triển theo, tức là khách hàng xuất hiện ở đâu thì doanh nghiệp tiếp thị ở đấy. Xu thế thứ 2 là video, đây là hướng tiếp thị rất nổi bật và có thể trở thành một kênh chủ lực trong thời gian sắp tới”, ông Tuyến phân tích.
Cần lấy được lòng tin người tiêu dùng trong mua bán trực tuyến
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của quảng cáo, tiếp thị trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ngày nay. Tuy nhiên, trong bước phát triển mạnh mẽ theo xu hướng, thị trường tiếp thị trực tuyến tại Việt Nam vẫn cần được định hướng và đi theo một tiêu chuẩn nhất định.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã làm cho hành vi của người tiêu dùng thay đổi, điều này khiến những nhà làm tiếp thị phải bắt kịp với xu hướng đó.
Bằng chứng, hiện nay xu hướng tiếp thị nổi bật tại Việt Nam là tiếp thị trên nền tảng di động. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp sử dụng tiếp thị trực tuyến trên nền tảng di động chiếm tới trên 70 – 80% trong tổng số hoạt động tiếp thị của mình.
Một xu hướng nữa cũng được Chủ tịch VECOM đưa ra là tiếp thị trên mạng xã hội, tiếp thị trực tuyến trên các công cụ tìm kiếm, tiếp thị liên kết...
“Mạng xã hội đang phát triển rất nhanh chóng ở Việt Nam trong giai đoạn 5 năm gần đây, xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển trong vài năm tới. Nguyên nhân là lượng dùng và người quan tâm của Việt Nam trên mạng xã hội khá cao, nên kinh mạng xã hội nhanh chóng trở thành kênh tiếp thị trực tuyến hữu ích và hiệu quả”, Chủ tịch VECOM nhấn mạnh.
Mặc dù tiếp thị trực tuyến khá tiềm năng và đa dạng, nhưng kênh tiếp thị này vẫn hạn chế khiến chưa thể phát triển mạnh.
Theo ông Trần Trọng Tuyến, Việt Nam đang được hỗ trợ hạ tầng Internet khá tốt và không thua kém so với khu vực Đông Nam Á. Cùng với đó, hành lang pháp lý và cơ chế vận hành khá đầy đủ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại chưa lấy được lòng tin của người tiêu dùng trên thị trường thương mại điện tử - đây là hạn chế và khó khăn đang hiện hữu khi phát triển thương mại điện tử.
Dẫn chứng vấn đề này, ông Tuyến phân tích, các đơn vị có thể tung ra các sản phẩm tốt, nhưng người tiêu dùng vẫn còn dè dặt trong việc mua hàng online, rõ ràng điều này đang cản trở khiến bán hàng online không tăng doanh số. Vì vậy, chúng ta phải làm thế nào phải giải quyết nhanh chóng lòng tin của người tiêu dùng.
Để làm được điều đó, ông Tuyến cho rằng, các doanh nghiệp bán hàng online phải tạo được lòng tin người tiêu dùng thông qua việc bán sản phẩm tốt, cho trải nghiệm những mặt hàng được bán online. Có vậy, khi khách hàng cảm nhận và trải nghiệm được các sản phẩm thực sự tốt và có lòng tin, thì chắc chắn bán hàng online sẽ phát triển.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - đại diện Nielsen Việt Nam cũng đưa ra một số lưu ý đến mặt trái của việc tăng trưởng thị trường tiếp thị trực tuyến.
Bà Thủy cho rằng, việc quảng cáo tiếp thị trực tuyến tràn lan, không theo một quy chuẩn nào, giống như việc con người khi tham gia giao thông trên đường không có biển báo và cảnh sát giao thông, sẽ rất dễ dẫn đến những tác hại khó lường.
Theo bà Thủy, hiện có khá nhiều người làm truyền thông cho quảng cáo, tiếp thị trực tuyến đang không biết việc mình làm có hiệu quả hay không, bởi hình thức này đang không theo quy chuẩn nào dành cho quảng cáo. Điều này đã dẫn đến tình trạng, nhiều đơn vị lúng túng trong việc lựa chọn hoạt động tiếp thị trực tuyến.
Bằng chứng, có tới 17% doanh nghiệp tại Việt Nam khi tham gia khảo sát cho biết chưa triển khai bất kỳ hoạt động tiếp thị trực tuyến nào.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc