Nhà đầu tư Trung Quốc không muốn phát triển điện mặt trời tại Việt Nam?

07:05, 22/08/2017
|
(VnMedia) -  Theo ông Đỗ Đức Tưởng - Cố vấn năng lượng sạch - Phòng Môi trường và Phát triển Xã hội - Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ, việc nhà đầu tư Trung Quốc và Đài Loan đầu tư vào điện mặt trời không nhằm mục đích phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, mà chỉ lấy mác ‘made in Việt Nam’ để xuất khẩu sang nước thứ 3.
 
Ngày 21/8, Hội thảo “Phát triển điện mặt trời tại Việt Nam: Những xu hướng gần đây và các vấn đề mới nổi”, đã diễn ra tại Hà Nội.
 
Việt Nam có tiềm năng rất lớn về điện mặt trời
 
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Viện Chiến lược và Chính sách về Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời khi bức xạ trực tiếp từ tia nắng chiếu thẳng 4-5kWh/m2/ngày. Cùng với đó, mỗi năm Việt Nam cũng có tới 1600 - 2700 giờ có nắng.
 
Với những tiềm năng sẵn có này, để thúc đẩy quá trình này, gần đây Chính phủ đã thông qua các chính sách hỗ trợ mới.
 
Theo đó, biểu giá điện hỗ trợ 2.086 đồng (0,091 USD/kwh), với thời hạn 20 năm cho các hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện mặt trời có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 – 30/6/2019, và cơ chế thanh toán bù trừ vừa được thông qua.
 
Theo ông Đỗ Đức Tưởng - Cố vấn năng lượng sạch - Phòng Môi trường và Phát triển Xã hội - Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ, những cơ chế khuyến khích của Chính phủ dự kiến sẽ hỗ trợ sự phát triển điện mặt trời trên toàn quốc. Kết quả là một số dự án điện mặt trời quy mô lớn đã được công bố ở Việt Nam trong những tháng vừa qua.
 
Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời. Ảnh minh họa
Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời. Ảnh minh họa
 
Chia sẻ về vấn đề này, ông Rainer Brohm - Chuyên viên tư vấn năng lượng tái tạo Berlin nói, điện mặt trời cho hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ đã được chú ý tại Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển nguồn điện này, các nhà đầu tư và các công ty năng lượng mặt trời cần tập trung vào nhu cầu điện năng (nhu cầu hàng tháng / năm và tải trọng) và các nhu cầu đặc biệt của người tiêu dùng (ví dụ như đảm bảo nguồn cấp điện, lưu trữ...) khi tính toán kích cỡ hệ thống và các thành phần hệ thống.
 
“Cần có thêm nhiều nghiên cứu thị trường. Cùng với đó, các nhà hoạch định chính sách có thể giúp phát triển thị trường với các chiến dịch nâng cao nhận thức, thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng cho các thành phần, lắp đặt và nâng cao năng lực cho tất cả các bên liên quan trên thị trường”, vị chuyên gia này chia sẻ.
 
Việt Nam có thể tiếp nhận được rất nhiều điện năng lượng tái tạo
 
Trả lời câu hỏi PV về những khó khăn của Việt Nam trong việc phát triển điện mặt trời, ông Đỗ Đức Tưởng cho rằng, mặc dù điện mặt trời Việt Nam đã được Chính phủ có hỗ trợ về cơ chế giá, nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều yếu tố khác cản trở.
 
Dẫn chứng về vấn đề này, ông Tưởng cho biết, hiện đang có những khu vực thu hút được rất nhiều dự án đăng ký, nhưng máy biến áp tại địa điểm có dự án lại không đủ công suất để hấp thụ nguồn điện từ các dự án điện mặt trời.
 
“Việt Nam mặc dù đã có chính sách hỗ trợ, nhưng việc triển khai ra sao thì vẫn còn rất nhiều vấn đề như việc xin bổ sung quy hoạch vào địa phương, giấy phép… , tất cả đều cần thời gian, tài chính, chi phí, cũng như rủi ro mà nhà đầu tư phải chịu trong quá trình thực hiện dự án đó”, ông Tưởng nói.
 
Cũng theo vị chuyên gia này, nếu như trước đây trên thế giới, điện than và điện khí là nguồn điện chạy ổn định nhất và điện gió hay năng lượng mặt trời chỉ là nguồn điện phụ, thì đến thời điểm hiện tại xu hướng lại hoàn toàn đảo ngược. Theo đó, xu hướng trên thế giới đã ưu tiền hoàn toàn điện gió và điện mặt trời, thiếu bao nhiêu sẽ bù bằng điện than, hay khí.
 
Tại Việt Nam, ông Tưởng cho biết, hiện có khoảng 20.000 mkw điện từ thủy điện. Đây là lý do Việt Nam được nhận định có thể tiếp nhận được rất nhiều điện năng lượng tái tạo hơn nữa.
 
Liên quan đến câu hỏi hiện khá nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất điện mặt trời tại Việt Nam, ông Tưởng cũng phân tích, hiện những nhà đầu tư từ Trung Quốc và Đài Loan đến Việt Nam đầu tư chỉ đơn thuần là sản xuất ra tâm pin mặt trời. Mục đích chính của các nhà đầu tư này là sản xuất tại Việt Nam, để dán mác “made in Việt Nam” rồi xuất khẩu nước thứ 3, chứ không nhằm giúp Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo.
 
“Những nhà đầu tư như Singapore, Mỹ, Đức, châu Âu… đang đầu tư vào Việt Nam khá nghiêm túc. Bởi họ đã thực hiện các dự án thành công ở nhiều nước và giờ chỉ đem kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm, cũng như nguồn lực sẵn có đến Việt Nam để xây dựng dự án. Đây là tín hiệu đáng mừng, nên chúng ta cần cung cấp những chỉ dẫn cụ thể hơn nữa, để các nhà nhà đầu tư này có thể dễ dàng trong việc tiếp cận các dự án tại Việt Nam”, cố vấn năng lượng sạch chia sẻ.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc