Nhà đầu tư thận trọng, nhiều cổ phiếu đang giảm sâu

11:09, 21/08/2017
|
(VnMedia) – Trước những lo lắng của nhà đầu tư, thị trường chứng khoán tuần vừa qua (từ 14- 18/8) đã liên tục chứng kiến những phiên giảm điểm. Nhiều cổ phiếu theo đó giảm sâu đến gần 40% giá trị chỉ trong 5 phiên làm việc.
 
Thị trường chứng khoán liên tục trồi sụt
 
Tiếp nối những phiên giao dịch thận trọng trước đó, thị trường chứng khoán tuần vừa qua đã diễn ra với tâm lý khá e dè. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục có diễn biến phân hóa mạnh, thay phiên nhau tăng giảm điểm qua từng phiên, giúp chỉ số chung không quá biến động.
 
Trong khi đó, khối lượng giao dịch trong tuần ngoại trừ phiên thứ 5 đột biến do cổ phiếu VPBank mới lên sàn, còn lại duy trì ở mức thấp.
 
Cụ thể, khởi động phiên đầu tuần, thị trường đã khởi động khá chậm chạp, các cổ phiếu liên tục trồi sụt. Tuy nhiên, nhờ lực đỡ của những cổ phiếu lớn khi đồng loạt tăng giá đã giúp chỉ số giữ được đà tăng nhẹ.
 
Ở những phiên tiếp theo của tuần giao dịch vừa qua, các chỉ số đã liên tục chứng kiến những phiên tăng giảm đan xen. Hoạt động mua bán diễn ra khá trầm lắng, việc chỉ số tăng giảm chủ yếu phụ thuộc vào nhóm cổ phiếu bluechips (nhóm cổ phiếu lớn) và ngân hàng chi phối.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
Với các phiên tăng giảm đan xen đều nhau, tính chung cả tuần, chỉ số thị trường bên sàn Hà Nội và TP.HCM đồng loạt giảm điểm. Trong đó, chỉ số Vn-Index đã để mất 0,40% khi đứng tại mốc 768,97 điểm. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,03% và chốt tuần ở mức 100,83 điểm.
 
Cùng với đó, thanh khoản trên cả hai sàn cũng sụt giảm mạnh. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn TP.HCM đạt 168,9 triệu đơn vị/phiên, giảm 19,69% so với tuần giao dịch trước. Trong khi trên sàn Hà Nội đạt 48,5 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 34,51%.
 
Theo đà giảm của các chỉ số, trong tuần qua, thị trường chứng khoán cũng chứng kiến khá nhiều cổ phiếu giảm mạnh. Trong đó, có những mã giảm đến gần 40% giá trị.
 
Cụ thể, tại sàn TP.HCM, dẫn đầu trong nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất là TSC của CTCP Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ. Với 4 phiên liên tiếp giảm sàn và hồi phục nhẹ trong phiên cuối tuần, TSC đã để mất gần 24% giá trị, từ mức 6.950 đồng/cổ phiếu hôm 11/8 xuống còn 5.300 đồng/cổ phiếu hôm 18/8.  
 
Giữ ở vị trí thứ 2 trong Top giảm mạnh nhất tuần là HAI của Công ty cổ phần nông dược H.A.I, với mức giảm cả tuần là gần 20% giá trị, từ mức 18.150 đồng/cổ phiếu hôm cuối tuần trước 11/8 xuống còn 14.600 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên ngày 18/8.
 
Cổ phiếu PTC của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện giữ ở vị trí thứ 3 trong Top giảm mạnh nhất tuần, với mức hạ gần 12%, từ mức 5.900 đồng/cổ phiếu xuống còn 5.210 đồng/cổ phiếu.
 
Trong khi đó, bên sàn Hà Nội, cổ phiếu đứng đầu danh sách giảm mạnh nhất tuần là HLC của Công ty cổ phần Than Hà Lầm. Với 5 phiên giảm sàn liên tiếp, giá cổ phiếu HLC đã giảm từ 16.400 đồng/CP xuống còn 9.900 đồng/CP, tương ứng giảm gần 40%%.
 
Đứng ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng là CVN của Công ty cổ phần Vinam, với mức giảm gần 34%, từ 8.000 đồng/cổ phiếu hôm 11/8 xuống còn 5.300 đồng/cổ phiếu hôm 18/8.
 
Cổ phiếu CET của Công ty cổ phần Tech-Vina giữ vị trí thứ 3 trong nhóm giảm mạnh nhất tuần, với mức hạ hơn 30% giá trị, từ mức 10.600 đồng/cổ phiếu xuống còn 7.400 đồng/cổ phiếu.
 
Nhà đầu tư nên chờ đợi tín hiệu phục hồi đáng tin cậy
 
Trải qua một tuần giao dịch mờ nhạt, thị trường chứng khoán tuần này được các công ty chứng khoán khuyến nghị chưa vội thực hiện hoạt động giải ngân mới, chờ thị trường xuất hiện tín hiệu hồi phục đáng tin cậy.
 
Theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt – BVSC, rủi ro tiếp tục điều chỉnh của thị trường trong ngắn hạn vẫn chưa hoàn toàn được loại bỏ. Sau khi bán giảm tỷ trọng đối với danh mục ngắn hạn trong các phiên trước, nhà đầu tư được khuyến nghị chưa vội thực hiện hoạt động giải ngân mới, chờ thị trường xuất hiện tín hiệu hồi phục đáng tin cậy.
 
Trong khi đó, Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BSC cũng nhận định, trong thứ 2 đầu tuần, thị trường sẽ có thể sẽ quay lại mức 770 điểm và dao động xung quanh ngưỡng 770-775 điểm, tuy nhiên rủi ro thị trường chung vẫn hiện hữu khi yếu tố thanh khoản chưa thực sự lành mạnh.
 
Còn theo nhận định Công ty cổ phần chứng khoán FPT – FPTS, dự báo phiên đầu tuần, chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra cung – cầu trong khu vực 760 -770 điểm. Các nhóm ngành dẫn dắt như ngân hàng, thép… bắt đầu ghi nhận dấu hiệu quan tâm trở lại của dòng tiền giao dịch. 
 
Theo khuyến nghị của Công ty cổ phần chứng khoán FPT – FPTS, trong tuần này, các nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị tạm ngừng giải ngân, bám sát biến động chỉ số - đặc biệt là cung - cầu tại khu vực 760 điểm để có thể ra quyết định phù hợp. Tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu cho giai đoạn thị trường hiện tại vẫn được khuyến nghị ở mức dưới 50%/ tổng tài sản.
 
Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt – VCSC cũng dự báo, trong phiên giao dịch tới, chỉ số chứng khoán hai sàn có thể tiếp tục đà phục hồi, ít nhất là trong phiên giao dịch buổi sáng. Tuy vậy, rất có khả năng thị trường sẽ giảm điểm trở lại sau đó.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc