(VnMedia) – Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm Hàn Quốc đã lần đầu tiên vượt qua 3 thị trường Hoa Kỳ, EU, ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ đứng sau thị trường Trung Quốc.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất nhập khẩu của 10 thị trường lớn nhất Việt Nam đạt kim ngạch 176,09 tỷ USD, chiếm 88,8% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Trong đó, lớn nhất vẫn là thị trường Trung Quốc; Hàn Quốc đã vượt qua 3 thị trường là Hoa Kỳ, EU, và ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam; Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ 3; sau đó là thị trường ASEAN…
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu hàng hóa đạt kim 100,5 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 21 nhóm hàng đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 81,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Đóng góp không nhỏ vào mức tăng đó là các nhóm hàng: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện.
Đáng chú ý, trong 3 nhóm hàng trên, Hàn Quốc đã vượt Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.
Điển hình, nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tại thị trường Hàn Quốc tăng gấp gần 5 lần so với Trung Quốc. Trong đó, Hàn Quốc đạt 6,18 tỷ USD, tăng 128,5%, còn Trung Quốc đạt 5,33 tỷ USD, tăng 26,1% so với cùng kỳ.
Đưa ra lý do nhập khẩu các nhóm hàng máy móc, thiết bị… tăng cao trong 6 tháng đầu năm tại họp báo Bộ Công Thương vừa diễn ra, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, theo thông lệ hàng năm, xuất khẩu từ tháng 6 trở đi bắt đầu vào chu kỳ tăng trưởng, đặc biệt là các mặt hàng có kim ngạch lớn như đồ gỗ, dệt may, giày dép.. nên các doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu để sản xuất các đơn hàng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng và sắt thép, kim loại tăng cao là để phục vụ các dự án đầu tư tăng.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2017, ước tính tổng vốn FDI thực hiện đạt khoảng 7,72 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực chế biến, chế tạo. Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Điện lực Vĩnh Tân 1, Nhiệt điện Thăng Long cũng tăng cường nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ một số dự án về năng lượng.
Ngoài ra, tính chung các nhóm hàng có thống kê về lượng nhập khẩu thì sự tăng giảm của yếu tố giá đã làm kim ngạch nhập khẩu tăng thêm khoảng 4,64 tỷ USD.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc