(VnMedia) - Theo ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức, tác động tiêu cực như sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh, dư thừa lao động có kỹ năng gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế xã hội đất nước, mất an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao…nếu không bắt kịp Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.
Thông tin trên được chia sẻ tại hội thảo: "Doanh nghiệp số - đường tới cách mạng công nghiệp 4.0", được Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, Công ty Siemens và Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam đồng tổ chức ngày 20/7.
Việt Nam sẽ tụt hậu nếu không bắt kịp Công nghiệp 4.0
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương cho biết, thời gian gần đây, trên thế giới và tại Việt Nam, cụm từ “Công nghiệp 4.0” hay “Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4” ngày càng trở nên phổ biến. Với nền tảng là sự phát triển mạnh mẽ và tích hợp ở trình độ cao các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại trong lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được dự báo sẽ làm thay đổi mạnh mẽ nền sản xuất của thế giới và của Việt Nam trong một tương lại không xa. Tâm điểm của cuộc cách mạng này chính là các ‘nhà máy thông minh’.
Cũng theo ông Cường, mô hình này sẽ giúp các doanh nghiệp tăng năng suất, tính linh hoạt và hiệu quả, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Cùng với đó, người tiêu dùng sẽ có được lợi ích từ việc tiêu dùng các sản phẩm chất lượng cao hơn, giá cả cạnh tranh hơn và đặc biệt là được cá nhân hóa theo ý muốn.
"Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được dự đoán sẽ tạo ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm, tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số, Internet. Đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến", lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Martin Hoppe – Tham tán thứ nhất, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho rằng, nền công nghiệp 4.0 đem lại nhiều cơ hội lớn. Các thiết bị hiệu suất cao có thể đảm nhiệm các công việc lặp lại và những nhiệm vụ gây nguy hại đến sức khỏe. "Chúng ta có thể sản xuất tốt hơn bao giờ hết và tạo ra các sản phẩm phức tạp với chi phí thấp hơn. Các nhu cầu và đòi hỏi của người tiêu dùng cá nhân có thể đáp ứng bằng quy trình sản xuất được tự động hóa. Mặt khác, nhu cầu về lao động trình độ thấp, chỉ thực hiện những công việc thông thường sẽ giảm đi. Việc sử dụng nhiều lao động cũng sẽ thuyên giảm. Đó là một thách thức lớn cho các quốc gia dựa trên nền công nghiệp đòi hỏi nhiều lao động cho mô hình tăng trưởng của mình như Việt Nam", ông Martin Hoppe nói.
Nhiều thách thức trong Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4
Bên cạnh những lợi ích của Công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Phú Cường cũng cho rằng, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức, tác động tiêu cực như sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh, dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế xã hội đất nước, mất an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao…
Không những thế , lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhận định, nếu Việt Nam không bắt kịp Công nghiệp 4.0 còn có khả năng xuất hiện làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và chậm phát triển. Đây là những nhận định hết sức rõ ràng và thực tế về những cơ hội và nguy cơ mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong bối cạnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Với những thách thức trên, ông Cường cho rằng, để có thể tiếp cận và khai thác thành công những cơ hội mà Công nghệ 4.0 mang lại. Về phía doanh nghiệp, trước hết cần phải hiểu đúng, đầy đủ về cuộc cách mạng 4.0, những yêu cầu mà doanh nghiệp cần phải đáp ứng nếu như không muốn tụt lại phía sau. Từ đó, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một Chiến lược phát triển lâu dài và những bước đi cụ thể, vững chắc để bước vào cuộc cách mạng này.
Trong khi đó, ông Martin Hoppe cho rằng, nền Công nghiệp 4.0 không chỉ đòi hỏi và mang lại nhiều mối quan hệ hợp tác hơn, mà còn thúc đẩy sự sản xuất mang tính bền vững hơn. Kết nối sản xuất với công nghệ thông tin và truyền thông sẽ giúp nền công nghiệp giảm lãng phí, tránh sản xuất dư thừa, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn và ít gây ô nhiễm hơn.
Theo ông Martin Hoppe, khái niệm cách mạng công nghiệp không thực sự bao hàm yếu tố ‘xanh’. Trái lại, nền công nghiệp 4.0 có tiềm năng để góp phần vào cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường thông qua các quy trình sản xuất tiên tiến. Đối với Việt Nam, đây có lẽ là một cơ hội để đi tắt đón đầu các kỹ thuật sản xuất sạch và hiệu quả hơn. Các nhà máy thông minh dễ bị ảnh hưởng hơn bởi các cuộc tấn công mạng, cả phía nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng đều rất quan tâm đến vấn đề an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu.
Vì vậy, ông Martin Hoppe cho rằng, việc tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa an ninh mạng, khả năng ngăn chặn và theo dấu tội phạm, đồng thời bảo vệ sự riêng tư là nhiệm vụ vô cùng phức tạp gắn liền với công nghiệp 4.0 và thậm chí ngay cả ở những quốc gia tiên tiến nhất, điều này vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.
"Mạng Internet được sử dung trên toàn cầu và các nền kinh tế ngày càng được gắn kết với nhau, điều này thực sự đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ mang tầm quốc tế và sự tham gia rộng rãi của tất cả các bên liên quan, các Chính phủ, doanh nghiệp, nhà cung cấp mạng Internet và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là người tiêu dùng", ông Martin Hoppe nhấn mạnh.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc