Năm 2017: Thị trường M&A kỳ vọng bùng nổ nhiều thương vụ lớn

15:46, 20/07/2017
|

(VnMedia) - Đúng như dự báo, từ năm 2014 đến nay, thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) đã xuất hiện nhiều đợt “sóng” lớn. Trong thời gian tới, M&A được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự bùng nổ với hàng loạt thương vụ có giá trị lớn.

Sáng nay (20/7), Ban Tổ chức Diễn đàn mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (M&A Vietnam Forum 2017) dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo cung cấp các thông tin chính thức về Diễn đàn M&A Việt Nam 2017.

Phát biểu tại Họp báo trước thềm Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập doanh nghiệp (M&A Vietnam Forum 2017), ông Lê Trọng Minh, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A 2017 cho biết, trong những năm gần đây, hoạt động M&A nổi lên như một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần làm đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Theo ông Minh, hoạt động M&A cũng đã góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Hoạt động M&A nổi lên như một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần làm đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam
Hoạt động M&A nổi lên như một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần làm đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam

Đặc biệt, trong giai đoạn 2014 - 2018, thị trường M&A Việt Nam bắt đầu bước vào một làn sóng mới, được ghi nhận là làn sóng thứ hai với tổng giá trị M&A được dự báo lên đến 20 tỷ USD. Những cam kết cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước lớn; sự trỗi dậy của các công ty khối tư nhân, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam và sự quan tâm của các dòng vốn ngoại đối với các cơ hội đầu tư và M&A là động lực quan trọng của làn sóng thứ hai này.

Cũng theo ông Minh, sau khi đạt đỉnh năm 2015, mốc kỷ lục trong 10 năm qua với giá trị M&A ước đạt 5,2 tỷ USD, năm 2016 theo thống kê của IMAA, giá trị các thương vụ M&A đạt 5,8 tỷ USD. Mặc dù vậy, hoạt động M&A cũng đang gặp phải không ít khó khăn và nếu không có gì đột phá, giá trị M&A năm 2017 sẽ không dễ vượt qua con số 5 tỷ USD. Điều này đòi hỏi một cú hích lớn từ các doanh nghiệp và của chính phủ để thúc đẩy hoạt động M&A phát triển mạnh mẽ hơn cả về số lượng giá trị và chất lượng các thương vụ.

Theo thông tin tại cuộc họp báo, trong năm 2016, giá trị các thương vụ M&A trên toàn thế giới đạt 3.500 tỷ USD, giảm 27% so với năm 2015, dù đây vẫn là mức cao và duy trì được trong một thời gian dài. Dự báo M&A thế giới 2017 sẽ là một năm khó dự đoán do những bất ổn từ Brexit đến ảnh hưởng của những chính sách mới của Donald Trump, Tổng thống Mỹ.

Đặc biệt, có một số nhận định cho thấy sẽ tiếp tục là sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vai trò là người đi mua. Còn các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu sẽ thận trọng hơn và sẽ có sự dịch chuyển trong vốn đầu tư tại các thị trường quốc tế.

Tại Việt Nam, thị trường M&A trong năm 2017 được dự báo sẽ tiếp tục sôi động, sau khi đạt 5,8 tỷ USD trong năm 2016, mốc kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, thị trường đang cần một cú hích mới, một sự thúc đẩy mới từ vốn nước ngoài để tiêu thụ hết lượng cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước đang chào bán, các thương vụ chuyển nhượng trong nước, đồng thời thúc đẩy vượt ngưỡng 6 tỷ USD. Nhất là dự báo về “Làn sóng thứ hai” tại Việt Nam, dự kiến diễn ra trong 5 năm (2014-2018) với tổng giá trị thương vụ lên đến 20 tỷ USD, đang bước vào giai đoạn nước rút.

Trong thời gian tới, thị trường M&A Việt Nam được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự bùng nổ với hàng loạt thương vụ có giá trị lớn. Nhưng, để bùng nổ thật sự, thị trường đang cần bước đột phá lớn.

Bên cạnh đó, hiện dòng vốn ngoại đang tìm kiếm cơ hội để thực hiện các thương vụ M&A tại Việt Nam rất nhiều. Nhưng làm thế nào để các công ty trở thành mục tiêu hấp dẫn, nhiều tiềm năng và đạt chuẩn để hoàn thành các thương vụ mới là vấn đề trọng yếu hiện nay. Do đó, quan trọng nhất là phải tìm ra yếu tố đột phá để giải quyết các vấn đề trọng yếu này.

Yến Nhi


Ý kiến bạn đọc