(VnMedia) - Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 22,5 tỷ USD, tăng 51,2%, trong khi nhập khẩu Trung Quốc chỉ tăng 16,8% và đạt 27,1 tỷ USD.
Báo cáo kinh tế quý II của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, Việt Nam đã nhập siêu nhiều nhất từ Hàn Quốc, thay vì Trung Quốc như trước.
Nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng mạnh
Theo Báo cáo kinh tế quý II của VEPR, quý 2 vừa qua chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng hơn 5 năm qua. Đặc biệt, xuất khẩu tăng tốc từ mức tăng trưởng 12,8% của quý trước lên 24,5% trong quý 2, góp phần cải thiện đáng kể thâm hụt thương mại.
Tính chung nửa đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 97,8 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước (năm 2015 là 9,3%; 2016 là 5,9%). Đồng thời, tăng trưởng xuất khẩu không chỉ phục hồi về giá trị mà cả về lượng. Nếu loại trừ yếu tố giá, tăng trưởng xuất khẩu đạt 12,9%, cao hơn so với quý 1 (6,7%) và cùng kỳ năm trước (10,1%).
Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa trong quý 2 tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, đạt 26,8%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 54,8 tỷ USD trong quý 2 và 100,5 tỷ USD trong hai quý đầu năm. Do đó, dù giảm nhẹ xuống còn 0,7 tỷ USD trong quý 2, thâm hụt thương mại của Việt Nam vẫn ở mức 2,7 tỷ USD trong nửa đầu năm 2017.
Xét theo nhóm hàng, VEPR cũng cho biết, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu nhóm điện thoại và linh kiện đạt 20,1 tỷ USD (tăng 18,3%); điện tử, máy tính và linh kiện đạt 11,3 tỷ USD (tăng 42,3%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 6,1 tỷ USD (tăng 36,3%).
Đáng chú ý, xuất khẩu dầu thô nửa đầu năm 2017 đạt 1,6 tỷ USD, tăng 39,2% về giá trị và 10,1% về lượng. Điều này cho thấy rõ xu hướng đẩy mạnh khai thác dầu thô, nhằm cải thiện tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
Trong khi đó, nhập khẩu tăng mạnh ở các nhóm hàng tư liệu sản xuất phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Trong đó, nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 18,4 tỷ USD (tăng 37,8%); điện tử, máy tính và linh kiện đạt 16,2 tỷ USD (tăng 28,2%); điện thoại và linh kiện đạt 6,2 tỷ USD (tăng 29,5%).
Cũng theo VEPR, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục xu hướng dịch chuyển sang các nước trong khu vực. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Asean lần lượt đạt 13 tỷ USD; 6,6 tỷ USD và 10,4 tỷ USD, tăng tương ứng là 42,5%; 29,1% và 26,7%.
Trong khi đó, nhập khẩu tăng mạnh khiến thâm hụt thương mại với Hàn Quốc đạt vượt qua thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 22,5 tỷ USD, tăng 51,2%, trong khi nhập khẩu Trung Quốc chỉ tăng 16,8% và đạt 27,1 tỷ USD.
“Thâm hụt thương mại Việt Nam – Hàn Quốc ở mức 15,9 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức thâm hụt 14,1 tỷ USD từ Trung Quốc. Điều này cùng với cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu chính phản ánh xu hướng phụ thuộc về thương mại vào một số doanh nghiệp lớn đến từ Hàn Quốc, đặt biệt là Samsung”, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR đánh giá.
Vốn đầu tư nước ngoài cải thiện đáng kể
Cũng theo Báo cáo của VEPR, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang có dấu hiệu phục hồi. Lượng vốn giải ngân đã có dấu hiệu phục hồi trong quý 2, đạt 4,1 tỷ USD và tăng 9,3%. Mức tăng này cao hơn nhiều so với quý trước (3,4%), dù vẫn thấp hơn so với mức trung bình 10,1%/quý trong năm 2016.
Trong khi đó, lượng vốn đăng ký mới ghi nhận mức tăng vọt trong quý 2, với 690 dự án đăng ký mới và tổng vốn đăng ký đạt 8,92 tỷ USD. Đây là mức vốn đăng ký cao nhất trong 1 quý kể từ năm 2015, gấp lần lượt 3,1 lần và 1,9 lần so với quý 1/2017 và quý 2/2016.
VEPR cho biết, lượng vốn tăng lên đến từ hai dự án nhiệt điện BOT Nghi Sơn (2,79 tỷ USD) và BOT Nam Định 2 (2,07 tỷ USD), khiến lượng vốn đăng ký mới trong lĩnh vực sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí lên tới 5,26 tỷ USD, chiếm 45,6% tổng vốn đăng ký.
Xét trong các nhóm ngành còn lại, công nghiệp chế biế chế tạo vẫn là lĩnh vực có vốn đăng ký đầu tư lớn nhất. Chỉ riêng trong quý 2, đã có 234 dự án đăng ký mới và 204 dự án đăng ký bổ sung, với lượng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD. Một dự án đáng chú ý khác là dự án đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn tại Kiên Giang, đưa lượng vốn đăng ký vào ngành khai khoáng lên 1,28 tỷ USD, chiếm 6,7% tổng vốn đăng ký trong quý 1.
Nếu xét theo đối tác, với hai dự án lớn BOT Nghi Sơn và ống dẫn khí Ô Môn, Nhật Bản đã vượt Hàn Quốc để trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, với 5,09 tỷ USD vốn đăng ký.
Theo sát là Hàn Quốc với 4,96 tỷ USD đăng ký trong nửa đầu năm, chiếm 25,8% tổng vốn đăng ký và dẫn đầu về số dự án cấp mới và số dự án tăng vốn (379 và 180 dự án). Singapore đứng thứ 3 về tổng lượng vốn đăng ký (3,48 tỷ USD) và đứng thứ hai chỉ sau Nhật Bản về lượng vốn đăng ký mới (2,73 tỷ USD).
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc