(VnMedia) -Thống đốc NHNN chỉ đạo các TCTD tập trung xây dựng và hoàn thiện ngay Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 với các nội dung tối thiểu sau: Đánh giá thực trạng tài chính, hoạt động quản trị điều hành, cổ đông và sở hữu vốn điều lệ của TCTD...
Đó là nội dung được Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 21/7/2017.
Với việc Quốc hội ra Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, đây là văn bản pháp lý rất quan trọng khi mà lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội. Nếu được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của tổ chức tín dụng, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, song từ đầu năm 2017 đến nay, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) một cách chủ động, linh hoạt, không chỉ duy trì ổn định trên thị trường tiền tệ mà còn góp phần quan trọng vào ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Đồng thời, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội và Quyết định số 1058 của Thủ tướng Chính phủ, NHNN tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết và Đề án, chỉ đạo một cách kịp thời, cụ thể, hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp sẽ triển khai trong thời gian tới để tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả trong thực tiễn.
Ảnh minh họa. |
Để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, Thống đốc NHNN yêu cầu: Đối với các đơn vị thuộc NHNN: Theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, tập trung thực hiện các nội dung công việc được phân công để hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: Phải tổ chức quán triệt nội dung và tổ chức thực hiện Nghị quyết trong toàn hệ thống; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch xử lý nợ xấu hàng năm và định kỳ báo cáo tình hình xử lý nợ xấu; Thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực quản trị nội bộ đặc biệt là quản trị rủi ro; các biện pháp ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu, ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh, trong đó đặc biệt là tập trung nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng, nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác thẩm định, xử lý nợ...
Để triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, Thống đốc NHNN chỉ đạo các TCTD tập trung xây dựng và hoàn thiện ngay Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 với các nội dung tối thiểu như: Đánh giá thực trạng tài chính, hoạt động quản trị điều hành, cổ đông và sở hữu vốn điều lệ của TCTD; Xác định rõ mục tiêu, định hướng cơ cấu lại và xử lý nợ xấu theo từng năm trong thời gian từ nay đến năm 2020; Đề xuất các giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và lộ trình thực hiện trên các mặt quản trị điều hành, cổ đông sở hữu cổ phần, thực trạng tài chính, mạng lưới hoạt động, khả năng cạnh tranh… đảm bảo phù hợp với các giải pháp cơ cấu lại nêu tại Đề án, các quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu khắc phục, xử lý các tồn tại, sai phạm, yếu kém của TCTD nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Đồng thời với việc xây dựng Phương án, mỗi TCTD cần thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại để triển khai. Trong quá trình tổ chức thực hiện cơ cấu lại nếu phát sinh những vấn đề vượt thẩm quyền, khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo NHNN để được xem xét, quyết định.
Thống đốc NHNN cho rằng, việc triển khai thành công quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD và hiệu quả của việc xử lý nợ xấu, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của ngành Ngân hàng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, sự phối hợp của cấp chính quyền địa phương và các bộ, ngành, cơ quan liên quan cũng đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng được thuận lợi hơn.
"Do vậy, thông qua Hội nghị trực tuyến ngày 21/7 này, NHNN mong sẽ nhận được sự chia sẻ, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành và các địa phương trong quá trình triển khai, không chỉ đối với Nghị quyết số 42 và Đề án 1058 nói riêng mà cả hoạt động ngân hàng nói chung. Với sự nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống, mục tiêu giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn, bền vững của hệ thống ngân hàng, đưa nợ xấu về dưới mức 3% một cách bền vững sẽ được đảm bảo, qua đó đẩy mạnh nguồn vốn ngân hàng hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước", Thống đốc nêu.
Tiến Vinh
Ý kiến bạn đọc