(VnMedia) – Đưa ra ý kiến về chính sách kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm, ông Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, về dài hạn, cần cắt giảm từng bước lãi suất cho vay trong giai đoạn mặt bằng bằng lãi suất đang hạ nhiệt, nhằm tạo cú huýnh cho doanh nghiệp ở những quý tiếp theo, củng cố tăng trưởng.
Sáng nay (16/6), Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức Hội thảo “Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2017”. Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017 với tiêu đề: “Đẩy mạnh cải cách vì một nhà nước kiến tạo” được thực hiện trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế có xu hướng chững lại, năng suất nền kinh tế chậm cải thiện.
Chỉ số thuận lợi kinh doanh Việt Nam tăng đáng kể
Theo thông tin tại Hội thảo, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017 của VEPR đã cung cấp tổng quan kinh tế thế giới 2016 cũng như tổng quan kinh tế Việt Nam, từ đó phân tích những yếu tố nhằm cải cách thể chế để xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam.
Đưa ra một số đánh giá về kinh tế vĩ mô trong năm 2016, ông Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, tăng trưởng kinh tế đã không được kỳ vọng (chỉ đạt 6,21%), đặc biệt ngành nông nghiệp (chỉ tăng 1,36%) và công nghiệp khai khoáng (suy giảm 4%). Trong khi đó, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng chính (11,9%), dịch vụ tăng trưởng ổn định (6,98%).
Ông Thành cũng cho biết, trong năm 2016, lạm phát đã tăng trở lại (bình quân 2,66%), do áp lực từ cả yếu tố bên trong (giá các dịch vụ công điều chỉnh tăng) và bên ngoài (giá hàng hóa thế giới phục hồi).
Liên quan đến vấn đề năng lực cạnh tranh quốc gia, Viện trưởng VEPR cũng đánh giá, chỉ số thuận lợi kinh doanh Việt Nam đã tăng đáng kể điểm số và thứ hạng, đặc biệt cải thiện các thành phần Tiếp cận điện năng và Bảo về quyền lợi nhà đầu tư. Chỉ số tự do kinh tế có cải thiện, tuy nhiên vẫn thấp nhất trong khu vực và thuộc nhóm kém tự do.
“Xu hướng chung cho thấy, Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy vậy, Việt Nam vẫn được đánh giá là nước có năng lực cạnh tranh thấp”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho hay.
Về các cân đối vĩ mô, thông tin VEPR cũng cho hay, bội chi ngân sách đạt 5,64% GDP, giảm nhẹ so với năm 2015 nhưng vẫn vượt xa kế hoạch khiến nợ công tiếp tục tăng. Thương mại dần hồi phục cả về giá trị và lượng (thặng dư trong ba quý đầu năm), tuy nhiên không bền vững do nhập khẩu đang phục hồi mạnh hơn trong khi xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố giá.
Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt một số công ty lớn như Samsung.
Trong khi đó, trên thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng tăng trưởng cao, đặc biệt trong các tháng cuối năm (2016 là 18,25%; 2015 là 17,26%). Hoạt động huy động được đẩy mạnh và cao hơn tăng trưởng tín dụng làm giảm áp lực tăng lãi suất.
Chính sách tiền tệ linh hoạt và chặt chẽ, theo sát mục tiêu ổn định lạm phát. Tuy nhiên, càng về cuối năm các nhân tố làm tăng lạm phát xuất hiện càng nhiều hơn. Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Cung tiền tăng 18,7% cao hơn nhiều so với 2015 (14,9%). Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 28,8 nghìn tỷ đồng qua kênh thị trường mở và hút ròng 252 nghìn tỷ đồng qua kênh tín phiếu.
Thận trọng với tâm lý đạt mục tiêu tăng trưởng cao
Đưa ra một số lưu ý về chính sách kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm, ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, cần thận trọng với tâm lý đạt mục tiêu tăng trưởng cao bằng mọi giá, dẫn tới nới lỏng ổn định vĩ mô và trì hoãn với cải cách.
Theo ông Thành, cần đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân, thông qua việc thực thi Nghị quyết 15 và 35 của Chính phủ. Cùng với đó, kiểm soát chi ngân sách thông qua tinh giản biên chế nghiêm khắc, cắt giảm chi thường xuyên, đồng thời cắt giảm những khoản hỗ trợ dành cho hoạt động nhờ vào Ngân sách Nhà nước của khu vực hội, đoàn thế…
Về dài hạn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cũng cho rằng, cần giải quyết dứt điểm bài toán giữa những khoản thu ngắn hạn và lợi ích dài hạn. Đặc biệt, thoái vốn một cách quyết đoán khỏi các doanh nghiệp Nhà nước lớn, tạo nguồn chi đầu tư phát triển.
“Cắt giảm từng bước lãi suất cho vay trong giai đoạn mặt bằng bằng lãi suất đang hạ nhiệt, nhằm tạo cú huýnh cho doanh nghiệp trong những quý tiếp theo, củng cố tăng trưởng. Kiên định con đường tách vàng và ngoại tệ ra khỏi lưu thông và đưa vào vận hành theo các nguyên tắc của thị trường tài sản”, ông Thành nêu quan điểm về các chính sách kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc