Cập nhật những điểm vui Tết Trung thu tại Hà Nội

09:38, 28/09/2017
|
(VnMedia)-  Trung thu đang đến thật gần và bạn hãy cập nhật những địa điểm vui chơi để thỏa sức trải nghiệm nhé!
 
Loạt trải nghiệm đừng bỏ lỡ cho Lễ hội Trung thu phố cổ Hà Nội 2017
 
Từ ngày 30/9 đến 04/10/2017 các hoạt động vui chơi Trung thu hấp dẫn sẽ diễn ra tại phố cổ Hà Nội. Sẽ có rất nhiều hoạt động hấp dẫn chờ đón bạn.
 
Nội dung gồm sắp đặt không gian, trưng bày giới thiệu về các đồ chơi trung thu truyền thống như: Con giống bột, các loại đèn trung thu, trống – Đọi Tam; Nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong dịp Tết Trung thu 2017, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với nhà nghiên cứu Trịnh Bách, nghệ nhân làng nghề Xuân La, Phượng Dực, huyện Phú Xuyên giới thiệu cách làm các con giống bột sẽ diễn ra tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ.  
@Ban Quản lý Phố cổ
@Ban Quản lý Phố cổ
Hoạt động giới thiệu không gian Tết Trung thu truyền thống sẽ diễn ra tại đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào, phường Hàng Đào; Đền Quan Đế, 28 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm; Đình Kim Ngân, 42 - 44 Hàng Bạc, phường Hàng Bạc. Tại đây, các nghệ nhân sẽ trình diễn và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống: Đèn ông sao, ông Tiến sĩ, Ông đánh gậy, Tàu Thủy (Từ ngày 29/9 đến hết ngày 01/10).
 
Hoạt động sắp đặt không gian Tết trung thu truyền thống của một gia đình người Hà Nội xưa; Trưng bày giới thiệu các bức ảnh về Tết Trung thu Hà Nội đầu thế kỷ XX của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam sẽ diễn ra tại Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây. 
 
Bên cạnh đó còn có một số hoạt động điểm biểu diễn trong Khu Phố cổ Hà Nội: Chương trình biểu diễn ca nhạc phục vụ thiếu nhi tại một số điểm trong tuyến phố đi bộ mở rộng diễn ra vào 20h00 phút các ngày Thứ Sáu (29/9/2017), Chủ Nhật (01/10/2017): biểu diễn ca nhạc thiếu nhi của CLB MoonMin trước cửa Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ; 20h00 phút các ngày Thứ Sáu (29/9/2017), Thứ Bảy (30/9/2017) và Chủ Nhật (01/10/2017): biểu diễn ca nhạc của CLB 8 Bớp tại 61 Lương Ngọc Quyến; 20h00 phút ngày Thứ Bảy (30/9/2017): biểu diễn ca nhạc của Ban nhạc Đam Mê tại trước cửa Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây. 
 
Theo thông tin từ Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội, khi du khách đến tham dự hoạt động văn hóa Tết Trung thu Truyền thống năm 2017 gửi xe máy tại Gầm cầu Chương Dương phố Trần Nhật Duật và ô tô trên tuyến phố Nguyễn Hữu Huân.
 
Vui Tết Trung thu tại Hoàng thành Thăng Long
 
Hôm nay, ngày 28/9, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ tổ chức một chương trình Trung thu đậm dấu ấn truyền thống dành cho thiếu nhi tại Hoàng thành Thăng Long (số 19 phố Hoàng Diệu, Hà Nội). 
Hoàng thành Thăng Long. @ Hoàng thành Thăng Long
Hoàng thành Thăng Long. @ Hoàng thành Thăng Long
 
Không chỉ hướng đến việc vui Tết Trung thu, Ban Tổ chức còn mong muốn qua các hoạt động của chương trình, các em có thể hiểu thêm về văn hóa truyền thống Việt Nam. Bởi vậy, phần không gian trưng bày, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tái hiện không gian trưng bày đồ chơi Trung thu đầu thế kỷ XX được phục dựng qua hình vẽ của Henri Oger và những bức ảnh tư liệu quý của Bảo tàng Albert Kahn - Pháp. Trong đó, Henri Oger là nhà nghiên cứu nổi tiếng với bộ tranh mộc bản "Kỹ thuật của người An nam"; Albert Kahn là nhà triệu phú đã tổ chức xây dựng một kho ảnh khổng lồ, trong đó có nhiều ảnh quý hiếm về Hà Nội đầu thế kỷ 20. Qua phần trưng bày này, các em có thể hiểu thêm được nhiều điều về cuộc sống của trẻ em xưa trong dịp Tết Trung thu, trong đó, có nhiều món đồ chơi nay đã vắng bóng.
 
Đối với phần hoạt động trình diễn và tương tác, các em nhỏ sẽ được gặp gỡ, tìm hiểu và học cách làm đồ chơi Trung thu cùng các nghệ nhân nổi tiếng như: ông Hoàng Bá Nhất, nghệ nhân mặt nạ giấy bồi (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh); nghệ nhân đèn kéo quân Vũ Văn Sinh (huyện Thanh Oai, Hà Nội); nghệ nhân đèn con thỏ, đèn ông sư Đỗ Văn Kỳ (huyện Thường Tín, Hà Nội); nghệ nhân tò he Đặng Văn Tiên... Ngoài ra, còn có các hoạt động nghệ thuật khác như: múa sư tử, múa rối nước, múa rối cạn... Các em nhỏ cũng sẽ được trực tiếp tham gia nhiều trò chơi: đi cầu tre gánh lúa, bập bênh, ném vòng, ngựa gỗ, bao bố, kéo co, chơi chuyền, pháo đất, ô ăn quan, bịt mắt đánh trống...
 
Chương trình sẽ kết thúc vào tối 4/10. Đây cũng là đêm "phá cỗ", với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn.
 
Đến Vincom đón “siêu trăng” kỷ lục
 
Chào đón trung thu 2017, hệ thống trung tâm thương mại (TTTM) Vincom sẽ diễn ra chuỗi lễ hội đặc sắc “Đến Vincom – Đón quà đoàn viên” trên toàn quốc. Đặc biệt, nối tiếp các “kỷ lục mùa trăng” từ các năm trước, ngày 21/9/2017, Vincom tiếp tục gây bất ngờ với kỷ lục mới - “siêu trăng” khổng lồ lớn nhất Việt Nam. 
Tọa lạc tại quảng trường Vincom Mega Mall Royal City - “Đèn mặt trăng lớn nhất Việt Nam” có đường kính lên đến 8m, in 3D mô phỏng bề mặt thật của mặt trăng do các kỹ sư thi công liên tục trong hơn ba tuần. Công trình được chiếu sáng bởi đèn pha công suất lớn, tỏa ánh sáng nhiệm màu dát bạc lên quảng trường Hoàng Gia. Vây quanh “siêu trăng” là hơn 500 chiếc đèn thỏ xinh xắn, được đổi màu hòa nhịp theo giai điệu, mang đến vẻ đẹp huyền ảo mà vô cùng sinh động, trở thành điểm nhấn đặc biệt của mùa trăng Vincom 2017. 
 
“Đèn mặt trăng lớn nhất Việt Nam” sẽ chính thức ra mắt và được trao chứng nhận Kỷ lục Guinness Việt Nam vào đêm 21/9 – đêm mở màn cho chuỗi lễ hội chào đón Trung Thu trên toàn hệ thống Vincom. Tại lễ hội “Vạn thỏ ngắm siêu trăng – Đoàn viên đón may mắn”, ‘đại sứ’ Thỏ Vincom và các vũ công nhí sẽ có một màn đồng diễn vô cùng vui nhộn và ấn tượng. Từ Royal City, 41 chú Thỏ Ngọc - tượng trưng cho 41 TTTM Vincom sẽ tỏa đi khắp các TTTM trên toàn quốc để thực hiện sứ mệnh tặng quà may mắn cho các bé thiếu nhi. Các em nhỏ tới Vincom vào các ngày cuối tuần sẽ có cơ hội nhận ‘bóng mặt trăng’ miễn phí từ thỏ Vincom.
 
Tiếp nối ý tưởng về sự sum họp, trong mùa trung thu 2017, hệ thống Vincom Center được trang trí theo chủ đề “Phố đèn lồng đoàn viên” lung linh và độc đáo. Vào các cuối tuần trước trung thu, các TTTM Vincom Plaza trên toàn quốc, Vincom Mega Mall Times City (Hà Nội), Vincom Mega Mall Thảo Điền (Tp. HCM) triển khai “Sân chơi cung trăng” dành cho các bé vui chơi và thưởng thức các màn hoạt náo thú vị. Tại đây, các em nhỏ sẽ được tự tay làm các món đồ truyền thống như đèn lồng, tò he, mặt nạ thỏ, cá chép bơi, bánh trung thu… Các gia đình ghé thăm ‘siêu trăng’ tại Royal City (Hà Nội) có thể lưu lại khoảnh khắc đẹp tại ‘Tiệm ảnh đoàn viên’ - khu chụp ảnh lưu niệm có phông nền đẹp, được in ảnh trực tiếp ngay tại chỗ và hoàn toàn miễn phí. 
 
Đúng ngày 4/10 (tức Rằm tháng 8 Âm lịch) - “Đêm hội trăng rằm” sẽ được đồng loạt tổ chức tại 41 TTTM Vincom với tâm điểm là lễ rước đèn, múa lân, trống hội và nhiều hoạt động hoạt náo sôi động, hấp dẫn.
 
Hội chợ triển lãm thương mại nghề truyền thống tại Mỹ Đình

Từ ngày 01-10/10/2017, tại Quảng trường Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) sẽ diễn ra Liên hoan du lịch - Hội chợ triển lãm thương mại nghề truyền thống quận Nam Từ Liêm - Hà Nội năm 2017. Hội chợ thu hút 250 gian hàng tham gia, chia thành 4 khu: Khu gian hàng triển lãm làng nghề và doanh nghiệp thuộc quận Nam Từ Liêm; Khu gian hàng đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ; Khu gian hàng thương mại tổng hợp; Khu gian hàng dịch vụ ẩm thực.

Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Những mặt hàng được bày bán chủ yếu là hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, mỹ thuật, nghệ thuật; sành sứ, hàng thủy tinh; trang trí nội ngoại thất; tin học, đồ điện tử, điện lạnh; kim khí; đồ lưu niệm; hàng công nghệp; nông nghiệp; chế biến lương thực, thực phẩm; dệt may, thời trang; đồ gia dụng và một số mặt hàng khác trong nước.

Các hoạt động nổi bật trong suốt quá trình tổ chức của Hội chợ gồm: Hoạt cảnh làm cốm, làm bún; Hội thi Kéo lửa thổi cơm thi; Nghi lễ rước Cốm, Bún; Hoạt động trưng bày, triển lãm, giới thiệu nghề truyền thống; Liên hoan văn hóa dân gian: trình diễn ca trù, chầu văn, chèo, cải lương và một số điệu múa dân gian; Trải nghiệm một số công đoạn làm sản phẩm thủ công truyền thống; Tổ chức các trò chơi dân gian: kéo co, đập niêu đất, nhảy bao bố, bịt mắt bắt dê… Tối ngày 4/10 (15/8 âm lịch): Tổ chức chương trình văn nghệ “Đêm hội trăng rằm”.

Nhật Lâm


Ý kiến bạn đọc