(VnMedia)- Đi du lịch là sở thích của nhiều người, là đến một địa điểm yêu thích để ăn, chơi, trải nghiệm tận hưởng cuộc sống. Tuy nhiên, ngay cả đi du lịch bạn cũng cần lưu ý về những quy tắc ứng xử. Tại sao lại thế?
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Đây là lần đầu tiên có một bộ quy tắc ứng xử được áp dụng rộng rãi trên toàn quốc. Và không phải ngẫu nhiên mà Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch này được xây dựng.
Căn cứ, cơ sở pháp lý xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch
Trong những năm qua, ngành du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh, người Việt Nam đi du lịch trong nước và nước ngoài cũng không ngừng gia tăng. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước, các hoạt động đầu tư, kinh doanh du lịch cũng phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh những mặt tiến bộ, tích cực, ngành du lịch vẫn tồn tại một số điểm hạn chế cần phải nhanh chóng khắc phục, trong đó vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng điểm đến văn minh, an toàn, thân thiện, chuyên nghiệp cần được quan tâm hàng đầu.
Thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã quan tâm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm phát triển du lịch, trong đó tập trung giải quyết vấn đề xây dựng môi trường du lịch văn minh du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ như: Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới;
Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 4/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch; Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 02/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước, khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch.
Tại Thông báo số 263/TB-VPCP ngày 30/8/2016 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch và Thông báo số 11/TB-VPCP ngày 10/1/ 2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch tại cuộc họp Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch
Quá trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch) đã nghiên cứu một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến điều chỉnh một số hành vi ứng xử nơi công cộng; văn bản quản lý hoạt động kinh doanh du lịch và thực tiễn triển khai một số Bộ Quy tắc ứng xử văn minh của một số địa phương (Quảng Ninh, Đà Nẵng, Lào Cai, Ninh Bình, Tp Hồ Chí Minh …), Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch do Dự án Du lịch có trách nhiệm với môi trường (Dự án EU), Hiệp hội Du lịch Việt Nam và một số doanh nghiệp lữ hành xây dựng; đồng thời tham khảo Bộ Quy tắc đạo đức du lịch của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO).
Do mục đích, phạm vi khác nhau nên các Bộ Quy tắc trên đã đưa ra các nội dung và áp dụng cho các đối tượng khác nhau, ví dụ Bộ Quy tắc ứng xử của một số doanh nghiệp lữ hành và Hiệp hội Du lịch chủ yếu tập trung vào đối tượng khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Bộ Quy tắc ứng xử của dự án EU xây dựng chủ yếu khuyến cáo phát triển du lịch bền vững… Vì vậy, nội dung trong Bộ Quy tắc ứng xử do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành mang tính tổng thể, bao quát tất cả các lĩnh vực hoạt động trong ngành du lịch. Các địa phương, tổ chức, cá nhân quản lý và kinh doanh du lịch có thể chi tiết hóa, hình ảnh hóa các quy định để áp dụng phù hợp với hoạt động quản lý kinh doanh của mình.
Trong quá trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều cuộc họp chuyên môn với sự tham dự của các đơn vị trực tiếp quản lý hoạt động du lịch ở các lĩnh vực: lữ hành, hướng dẫn, cơ sở lưu trú du lịch; vận chuyển khách du lịch; quản lý điểm đến, đồng thời tham vấn ý kiến của hiệp hội du lịch, một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Nhiều nội dung tham khảo, ý kiến góp ý đã được đưa ra thảo luận, cân nhắc để có thể xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch mang nội dung bao quát và định hướng trong tất cả các lĩnh vực, đối tượng hoạt động của ngành du lịch.
Mục tiêu, quan điểm của Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch
Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch không phải là văn bản quy phạm pháp luật, do đó những nội dungquy định mang tính chuẩn mực chung nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch, nhằm tích cực làm thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam, hướng tới sự văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp.
Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch đưa ra khung cơ bản, định hướng chung, trên cơ sở đó, các địa phương, các doanh nghiệp du lịch có thể vận dụng để xây dựng tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn, quy định về ứng xử văn minh du lịch phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, doanh nghiệp.
Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch được ban hành nhằm mục đích: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, hình thành thói quen, thái độ, cách thức ứng xử văn minh, lịch sự của du khách Việt khi đi du lịch trong và ngoài nước, góp phần xây dựng hình ảnh của du khách Việt;đồng thời, tuyên truyền, định hướng hành vi ứng xử của du khách nước ngoài khi đến Việt Nam du lịch.
Định hướng, giáo dục ý thức, thái độ trong việc đón tiếp và phục vụ khách du lịch của các tổ chức và cá nhân kinh doanh du lịch nhằm tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp,uy tín, chất lượng của dịch vụ du lịch Việt Nam; xác định ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch là yếu tố hết sức quan trọng, cần thiết để phát triển du lịch bền vững, có chất lượng, có chiều sâu, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam hiện nay.
Từng bước thay đổi nhận thức của người dân và cộng đồng địa phương tại các điểm du lịch về ứng xử văn minh với khách du lịch nhằm cải thiện môi trường du lịch, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng điểm đến du lịch.
Triển khai áp dụng Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch
Phát huy hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch cần được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thường xuyên, liên tục đến tất cả các đối tượng liên quan trong ngành Du lịch.
Được biết, trong thời gian tới, theo kế hoạch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức một số hoạt động phát động về ứng xử văn minh du lịch tại một số trọng điểm du lịch tại ba miền Bắc, Trung, Nam. Đối tượng trực tiếp tham gia hoạt động tuyên truyền là các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn, hướng dẫn viên, người dân địa phương…
Phối hợp với Hiệp hội Du lịch, doanh nghiêp lữ hành tổ chức phát động Chiến dịch nâng cao hình ảnh du khách Việt hướng tới đối tượng là người Việt Nam đi du lịch trong và ngoài nước.
Trong thông tin phát đi với báo chí, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong thời gian tới sẽ phối hợp với một số địa phương cụ thể hóa nội dung về ứng xử văn minh khi đi du lịch bằng các hình ảnh, khẩu hiệu sinh động, lôi cuốn để nâng cao hiệu ứng tuyên truyền tới từng đối tượng cụ thể. Lồng ghép nội dung tuyên truyền về ứng xử văn minh du lịch vào các tờ rơi, tập gấp, bản đồ, sách hướng dẫn du lịch của địa phương và doanh nghiệp để cung cấp cho khách tại các quầy thông tin du lịch, quầy bán vé tham quan....
Triển khai hoạt động tuyên truyền về ứng xử văn minh du lịch trên các phương tiện truyền thông nhằm tạo hiệu ứng mạnh mẽ, có sức lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng và thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam
Lồng ghép, đưa nội dung về ứng xử văn minh du lịch vào một số chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghề du lịch.
Trúc Dân
Ý kiến bạn đọc