(VnMedia)- Nhu cầu đi du lịch của du khách trong và ngoài nước thời gian gần đây đã có sự thay đổi đáng kể tuy nhiên theo đánh giá trong năm 2017 xu hướng du lịch kết hợp nghỉ dưỡng sẽ vẫn rất "hot".
Ảnh minh họa từ internet. |
Thị trường rộng mở
Bộ Chính trị vừa mới đây đã công bố một nghị quyết quan trọng về định hướng phát triển du lịch đến năm 2035. Theo đó, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết nêu mục tiêu đến 2020, Việt Nam sẽ thu hút được 17 - 20 triệu khách quốc tế, 82 triệu khách nội địa, đóng góp 10% GDP, tổng doanh thu từ du lịch đạt 35 tỷ USD. Còn đến năm 2030, mục tiêu của Việt Nam là sẽ trở thành một trong những quốc gia du lịch hàng đầu của khu vực Đông Nam Á.
Thực tế, năm 2016, số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng kỷ lục, khi đạt 10,01 triệu lượt khách, tăng 26% so với năm trước. Khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001. Tổng thu ngành du lịch đạt 400.000 tỷ đồng, chiếm 6,8% GDP.
Một trong những điểm sáng của thị trường du lịch chính là sự ra đời và đi vào hoạt động của hàng loạt các tổ hợp nghỉ dưỡng của Vingroup, Sungroup, FLC... Theo đánh giá, nhu cầu đi du lịch của du khách trong và ngoài nước thời gian gần đây đã có sự thay đổi đáng kể. Du khách không thể chỉ đến một nơi nào đó tại Việt Nam chỉ để đi bơi, đi ăn và sau đó là về phòng đi ngủ. Xu hướng mới này khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản đã có cuộc chạy đua mạnh mẽ vào việc cung cấp các sản phẩm du lịch.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đầu tư phát triển du lịch thời gian qua tăng ấn tượng cả về số lượng và chất lượng với nhiều dự án hàng chục nghìn tỷ đồng từ các nhà đầu tư chiến lược, tiêu biểu gồm: Tập đoàn SunGroup đầu tư tại Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội, Vĩnh Phúc; Tập đoàn VinGroup đầu tư tại Khánh Hòa, Phú Quốc, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh; Tập đoàn FLC đầu tư tại Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bình Định; Tập đoàn Mường Thanh đưa vào khai thác 14 khách sạn mới, nâng tổng số cơ sở lưu trú của riêng tập đoàn lên 45 khách sạn tại 33 tỉnh/thành phố với trên 8.000 buồng. Bên cạnh xu hướng đầu tư vào các khu vực trọng điểm như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh…, xu hướng đầu tư mở rộng ra các khu vực gần trung tâm đã được hình thành.
Vinpearl Nha Trang. |
Các thương hiệu điểm đến du lịch nổi bật trong những năm qua như Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Đà Nẵng, Sa Pa, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được khẳng định; các thương hiệu như Phú Quốc, Tràng An, Hà Giang, đồng bằng sông Cửu Long… ngày càng được định hình rõ nét. Nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn khách du lịch đã được hình thành, tiêu biểu là tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), xe buýt Hop On – Hop Off phục vụ khách du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh; trải nghiệm quan sát Đà Nẵng từ máy bay trực thăng cao cấp; khu làng Pháp tại Khu du lịch Bà Nà Hills; đi bộ dưới đáy biển ở Cù Lao Chàm; trải nghiệm Bái Đính về đêm tại Ninh Bình, vườn thú Safari tại Phú Quốc... Trong năm 2016, InterContinental Danang Sun-Peninsula Resort tiếp tục năm thứ 3 đạt danh hiệu Khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới, Đà Nẵng được nhận danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á về sự kiện và lễ hội” cùng với nhiều giải thưởng uy tín khác.
Du lịch nghỉ dưỡng vẫn hot
Năm 2017, Du lịch Việt Nam phấn đấu đón 11,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 66 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 460 nghìn tỷ đồng; hướng đến mục tiêu đến năm 2020 đón 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP; tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ đô-la Mỹ.
Theo đánh giá cũng những chuyên gia về du lịch, năm 2017 du lịch kết hợp nghỉ dưỡng vẫn là trào lưu "hot". Với những điểm đến được đầu tư lớn ở Việt Nam thời gian qua, hứa hẹn sẽ thu hút được đông đảo du khách đến Việt Nam trong năm nay.
Ở Việt Nam cũng đã xuất hiện những điểm đến từ bình dân đến cao cấp phục vụ cho nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách.
Ý kiến bạn đọc