(VnMedia)- Ngày mai, 11/12/2016, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ tổ chức buổi trình diễn với chủ đề "Tín ngưỡng thờ mẫu trong tâm thức người Việt".
17h15 Ngày 01.12.2016 vừa qua, di sản "Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của Người Việt" được ghi danh là Di sản văn hoá Phi Vật thể Đại diện của Nhân loại. Để chào mừng hoạt động này, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với Văn phòng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của LHQ (UNESCO) tại Việt Nam, Diễn đàn Hát văn Việt Nam tổ chức buổi trình diễn với chủ đề "Tín ngưỡng thờ Mẫu trong tâm thức Người Việt".
Thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt có bề dày lịch sử lâu đời. Trong tín ngưỡng này, dân gian tin rằng Mẫu là vị thần tối cao được hóa thân thành Tứ vị Thánh Mẫu: Mẫu thiên, Mẫu địa, Mẫu thoải và Mẫu thượng ngàn để cai quản bốn vùng trời đất. Mẫu được thờ ở nhiều nơi, từ đền cao phủ lớn đến điện tư gia kết hợp với các vị thánh ở mỗi miền khác nhau.
Tín ngưỡng thờ Mẫu có từ lâu đời, nhưng phát triển mạnh sau thế kỷ XVI với sự xuất hiện của Thánh mẫu Liễu Hạnh, trở thành thần chủ của đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ.
Nghi lễ chính của thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ là Hầu đồng. Hầu đồng là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tam phủ, Tứ Phủ vào thân xác các ông Đồng, bà Đồng để phán truyền, chữa bệnh và ban phúc lộc cho các tín đồ đạo Mẫu.
Ở Việt Nam các Ông đồng, Bà đồng là những người có căn số , trong đó có người là do nối dõi dòng tộc, có người không phải do nối dõi nhưng do căn quả, bị cơ đầy phải ra trình đồng mở phủ.
Ngoài ra cũng có một số những Bà đồng, Ông đồng không có căn số, dân gian thường gọi là “đồng đua”, coi Hầu đồng là một nhu cầu giải trí, giải tỏa,…
Trong nghi lễ hầu đồng, trang phục là một yếu tố quan trọng không thể thiếu. Không chỉ để nhận biết các giá đồng ứng với từng vị Thánh, trang phục hầu đồng đẹp còn giúp người hầu đồng thêm thăng hoa. Người ta gọi trang phục trong hầu đồng là khăn chầu áo ngự, là các y phục của chư thánh giá ngự. Tuy kiểu dáng, màu sắc trang phục có những quy định chung nhưng thường không mang tính bắt buộc, mỗi nơi lại có những dị biệt khác nhau theo vùng miền.
Bên cạnh trang phục, người đứng giá hầu đồng (thanh đồng) cũng sử dụng rất nhiều loại trang sức khác nhau, được gia công tinh xảo.
Đạo Mẫu và Hầu đồng quan tâm trước hết đời sống trần gian của con người : Sức khỏe, tiền tài, may mắn, hạnh phúc (Phúc, Lộc, Thọ).
Với việc lịch sử hóa hệ thống thần linh của mình, Đạo Mẫu và Hầu đồng đã đứng về phía dân tộc, tôn thờ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
Hầu đồng là một hình thức diễn xướng nghi lễ, một hình thức sân khấu tâm linh, tổng hợp các yếu tố nghi lễ, văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, âm nhạc,…
Kho tàng văn học Đạo Mẫu : Huyền thoại, truyền thuyết, truyện thơ, văn chầu, thơ giáng bút…
Cũng như nhiều hiện tượng xã hội khác, Đạo Mẫu và Hầu đồng, bên cạnh những giá trị kể trên, tùy từng thời kỳ cũng thể hiện những khía cạnh phản giá trị.
Lợi dụng Đạo Mẫu và Hầu đồng để mưu cầu lợi ích cá nhân và làm giầu bất chính, tính phân tán tản mạn, tùy tiện trong thực hành nghi lễ đang là thực tế nhức nhối của Đạo Mẫu trong xã hội hiện nay.
Kinh tế thị trường và xã hội đô thị là môi trường hồi sinh và phát triển Đạo Mẫu và nghi lễ Hầu đồng ở Việt Nam.
Thừa nhận Đạo Mẫu và Hầu đồng, với tư cách là một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, chấn chỉnh nghi lễ, đạo pháp, phát huy những giá trị nhiều mặt của Đạo Mẫu đang là yêu cầu và nguyện vọng của xã hội và thanh đồng đạo quan (tín đồ Đạo Mẫu) hiện nay.
Xa Giang
Ý kiến bạn đọc