Tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan về công tác chuẩn bị các hoạt động phụ trợ cũng như kế hoạch khai thác, quảng bá du lịch Đà Nẵng nhân Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á lần thứ 5 (ABG5), Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng khẳng định, sự kiện thể thao này chính là cơ hội để ngành văn hóa, du lịch đưa hình ảnh của thành phố đến với các nước trong châu lục.
Tăng cường hoạt động truyền thông, phụ trợ
Trong khuôn khổ ABG5 diễn ra vào cuối tháng 9 tới, Sở Du lịch thành phố sẽ tổ chức 6 hoạt động truyền thông quảng bá và 13 hoạt động phụ trợ. Song song với việc cung cấp ấn phẩm, quà tặng tại các phiên Hội nghị của ABG5 thì những "bảo bối" của du lịch thành phố cũng sẽ được quảng bá trên trang web chính thức của đại hội, Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng và các tài khoản mạng xã hội như facebook, instagram. Bên cạnh đó, tại các địa điểm thi đấu chính là như Công viên biển Đông, bãi tắm biển Mỹ Khê, khu dự án Phương Trang, khu bãi tắm Sơn Thủy sẽ được bố trí các quầy thông tin ấn phẩm du lịch, tờ rơi ABG5, tập gấp du lịch Đà Nẵng, Bản đồ du lịch, một số tour du lịch Đà Nẵng.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, các hoạt động phụ trợ sẽ tập trung giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của đất nước, của miền Trung cũng như của vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng. Với sự "đổ bộ" của lượng lớn vận động viên, huấn luyện viên và lực lượng đi kèm của các đoàn thể thao đến từ nhiều đất nước, nhiều nền văn hóa thì các hoạt động như ngày hội miền biển, ngoáy thúng, biểu diễn bài chòi, tuồng xuống phố... sẽ mang lại sự thích thú cho người xem. Cạnh đó, chương trình Âm nhạc đường phố số đặc biệt, Vũ hội đường phố tại khu vực đường Võ Nguyên Giáp chắc chắn cũng được nhiều người tham gia trải nghiệm.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho rằng, dù chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là ABG5 sẽ chính thức diễn ra nhưng đến hiện tại, các đơn vị gần như vẫn chưa khẳng định được quyết tâm mạnh mẽ là tranh thủ cơ hội lớn mang tầm quốc tế này để quảng bá cho ngành Du lịch của thành phố. Cho đến nay, công tác tuyên truyền, quảng bá vẫn còn trầm lắng, đến nỗi nhiều người dân địa phương vẫn chưa biết được sắp tới Đà Nẵng có sự kiện thể thao lớn diễn ra. Chính vì vậy, ông Dũng yêu cầu Sở Du lịch nhanh chóng hoàn chỉnh kế hoạch, cung cấp các thông tin chính thức, toàn diện cho ban tổ chức để làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá. Bên cạnh đó, các hoạt động phụ trợ phải đầu tư có chiều sâu và lấy người dân, du khách làm chủ thể, mọi người đều có thể tham gia thì mới tạo được sự gần gũi, thân thiện chứ không tổ chức cho có, dẫn đến sự nhàm chán, đơn điệu.
Sau thành công với việc đăng cai chặng đến Clipper Race, Đà Nẵng sẽ tận dụng ABG5 quảng bá hình ảnh của mình đến với bạn bè trong châu lục. Trong ảnh: Học sinh Đà Nẵng chào đón thủy thủ Clipper Race. |
Phải kéo vận động viên ra khỏi khách sạn
Ông Đặng Việt Dũng cho rằng, việc được chọn để đăng cai ABG5 chứng tỏ Đà Nẵng rất được tin tưởng. Sau thành công với việc đăng cai điểm đến của Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới, tiếp đó là Hội chợ du lịch quốc tế, Đà Nẵng sẽ phải làm tốt hơn đối với sự kiện quan trọng như ABG5. Muốn vậy, các cơ quan, đơn vị phải có sự phối hợp nhịp nhàng, kết nối sự kiện một cách chủ động để thu hút sự chú ý, phải làm cho vận động viên họ muốn tham gia và hòa mình vào không khí lễ hội, các sự kiện du lịch.
Khi đã giới thiệu được với khách những điểm hay, điểm thú vị của Đà Nẵng thì phải đưa được những vị khách này ra khỏi khách sạn để đi thăm thú, khám phá các tour, tuyến du lịch. Mỗi tình nguyện viên phải trở thành một đại sứ du lịch, không chỉ giới thiệu cho họ danh lam, thắng cảnh, điểm đến mà còn phải giới thiệu được những nét độc đáo trong văn hóa, ẩm thực, những món ăn truyền thống của Đà Nẵng. Làm sao để đưa các cửa hàng ăn uống với các món ăn đặc trưng trở thành một điểm văn hóa, khách đến Đà Nẵng không thể không đến thưởng thức những món ăn này. Một vấn đề hết sức quan trọng chính là những sản phẩm lưu niệm đặc trưng của thành phố phải có trong hành lý của vận động viên các đoàn thể thao khi họ rời Đà Nẵng.
"Phải tận dụng sự kiện thể thao này và biến nó đồng thời trở thành một sự kiện văn hóa, du lịch để các vận động viên cũng như truyền thông quốc tế biết đến Đà Nẵng nhiều hơn. Không những vậy, phải làm sao để sau thời gian thi đấu, họ muốn khám phá, trải nghiệm và khi về nước họ nhớ và muốn quay trở lại. Mục tiêu của vận động viên là tham gia thi đấu, đạt thành tích cao còn mục tiêu chúng ta là vừa làm tốt công tác tổ chức vừa làm thế nào để họ biết đến Đà Nẵng càng nhiều càng tốt", ông Dũng nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc