Lãnh đạo có nên đến dự khai giảng không?

06:37, 08/09/2015
|

(VnMedia) - Lãnh đạo đến thì tất nhiên phải đón tiếp, phải phát biểu..., vậy thì lãnh đạo có nên đến dự khai giảng không? Và nếu đến thì nên tổ chức đón tiếp như thế nào để không khiến học sinh phải "chịu đựng"?

Trước khi Lễ khai giảng năm nay diễn ra, liên tục có các chỉ đạo về việc phải tổ chức gọn nhẹ, phải để học sinh thực sự là trung tâm của buổi lễ; để ngày khai giảng phải trở thành ngày hội đến trường… Tuy nhiên, sau lễ khai giảng, vẫn còn nhiều lời phàn nàn, nhất là đối với các trường được/phải tiếp đón các vị lãnh đạo đến tham dự.

Với nhiều giáo viên hay lãnh đạo trường, chuyện có một vị lãnh đạo cấp trên đến tham dự ngày khai giảng có lẽ là một niềm vinh dự, nhưng với học sinh và phụ huynh thì lại là chuyện khác. Không ít lời phàn nàn rằng các bé đã phải tập luyện từ nhiều ngày trước, kể cả mưa, kể cả nắng. Rồi đến ngày khai giảng thì phải dậy từ 5 giờ sáng, phải đến sớm chuẩn bị đội ngũ, phải ngồi im giữa trời nắng để nghe giới thiệu, nghe báo cáo thành tích, nghe phát biểu chỉ đạo của các vị lãnh đạo đến tham dự… Trong khi đó, chỉ đạo của Bộ, của Sở là không được kéo dài thời gian khai giảng, thế nên, phần Hội của các con đã bị cắt xén, nhường thời gian cho phần Lễ.

Vậy thì câu hỏi được đặt ra là: các nhà lãnh đạo có nên đến dự khai giảng không?


  Ảnh minh họa

Lãnh đạo chỉ nên đến dự đột xuất

Trao đổi với VnMedia về vấn đề trên sau ngày khai giảng năm nay, Phó Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, các vị lãnh đạo không nên đi dự lễ khai giảng.

“Các nhà lãnh đạo đi đến lễ khai giảng là một điều cần thiết, nếu là để hiểu biết thêm về thực tế ở dưới và để biết trường đó tổ chức như thế nào. Nhưng theo tôi, việc thăm thú tốt nhất không nên vào ngày khai giảng” - Phó Giáo sư Văn Như Cương nêu quan điểm và kể lại câu chuyện về việc đi thăm nhà trường của Bác Hồ.

“Bác Hồ ngày xưa cũng đi thăm nhiều trường. Trường Đại học sư phạm của tôi, Bác cũng đến nhưng bất chợt, không có sự chuẩn bị trước, không lễ lạt. Lần đó, Bác cũng đi thẳng vào nhà ăn trước, mọi người khi đó mới biết và cuống lên tập hợp học sinh.” - Phó Giáo sư kể và tiếp tục khẳng định: “Chỉ nên đến vào dịp khác”, bởi “đến thì phải tiếp, phải mời phát biểu. Mà người nào nói ít còn đỡ, gặp người nói dài cũng phải chịu”.

Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh cũng băn khoăn về nơi mà các vị lãnh đạo chọn đến, bởi đó đều là những trường tốt, trường mới xây chứ “trường nhếch nhác kém cỏi thì không thấy ai đến". “Không giống như Bác Hồ, đến thăm cái bếp, thậm chí là thăm nhà vệ sinh" -  Phó Giáo sư Văn Như Cương nói.

Trả lời câu hỏi của VnMedia về việc “nếu lãnh đạo không chia nhau đến dự lễ khai giảng tại các trường thì liệu đó có phải là biểu hiện không quan tâm đến ngày hội đến trường của trẻ, không quan tâm đến ngành Giáo dục hay không?”, Phó Giáo sư Văn Như Cương khẳng định “nên đến vào lúc khác”.

Ông nói: “Như vừa rồi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có đến thăm một bệnh viện, nhưng không phải là đến vào lúc bệnh viện đó nhận huân chương mà đến vào ngày bình thường, như người ta hay gọi là “vi hành”, như vậy thì người dân sẽ phục hơn. Các nhà lãnh đạo không nên đến vào ngày khai giảng, nhưng hôm trời mưa trời gió có thể đến xem học sinh đi học có đông không, xem chúng đi xe máy xe đạp đến như thế nào... thì dân phục".

Đồng tình với quan điểm tổ chức lễ khai giảng gọn nhẹ, lấy học sinh làm trọng tâm, Phó Giáo sư Văn Như Cương cho rằng, muốn tổ chức buổi khai giảng có ý nghĩa, để lại ấn tượng trong đời học sinh thì không nên bắt các em phải ngồi xếp hàng căng thẳng nghe đọc diễn văn...

“Tôi muốn lễ khai giảng làm sao cho thân mật. Ví dụ, ở một số nước, họ không làm khai giảng toàn trường mà chỉ dành cho học sinh lớp 1. Trong ngày khai giảng, tất cả phụ huynh đều đến để đưa các con vào phòng học. Khi đó, cô giáo sẽ tận tay đón từng học sinh, còn bố mẹ tặng một món quà nhỏ cho các con nhân ngày đầu đi học, có thể chỉ là một quyển sách, một đôi giày, một cái bút... những hành động thân thương, ấn tượng ấy sẽ để trẻ ghi nhớ suốt đời. Một đứa trẻ vào lớp 1 lần đầu đi học sẽ bỡ ngỡ lắm, nếu mẹ nó không dắt đi thì nó khóc, nó không muốn đi học. Nếu bắt nó xếp hàng ngồi đó nghe diễn văn thì chẳng có ý nghĩa gì. Nó phải ôm mẹ nó, mẹ nó phải dắt con vào lớp và giới thiệu: Đây, lớp của con đây, chỗ ngồi của con đây, cô giáo chủ nhiệm của con đây... Tất cả cái đó mới là thực chất. Làm cái gì cũng phải thực chất...” - Phó Giáo sư nói trong một lần khác khi trao đổi với VnMedia về việc tổ chức lễ khai giảng.

Theo vị Hiệu trưởng này, ở trường Lương Thế Vinh, ngoài việc đón học sinh đầu cấp thì điều thứ hai quan trọng không kém là khi ra trường có một lễ tri ân, lễ cám ơn thầy cô giáo, cám ơn bố mẹ, một buổi chia tay bạn bè xúc động... “Điều đó mới để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Nhưng buổi chia tay đó cũng không phải là một nghi lễ" - Phó Giáo sư Văn Như Cương nói.


Tuấn Nghĩa

Ý kiến bạn đọc