(VnMedia) - Sáng nay (25/8), UBND thành phố Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ gắn biển tên cho hai đường phố mới mang tên 2 vị vua họ Mạc, đó là đường Mạc Thái Tông và đường Mạc Thái Tổ.
Hai tuyến phố mới đều nằm trên địa bàn phường Yên Hòa, Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Phố Mạc Thái Tổ (vua Mạc Đăng Dung) được đặt cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Phạm Hùng đến nút giao với phố Trung Kính, đối diện tòa nhà E1 Chelsea Park. Tuyến đường dài 900 mét, rộng 60 mét.
Phố Mạc Thái Tông (vua Mạc Đăng Doanh) được đặt cho đoạn đường từ ngã ba giao cắt với đường Phạm Hùng, đối diện cổng sau Trung tâm Hội nghị Quốc gia, đến ngã tư giao cắt với phố Trung Kính, cuối đường Vũ Phạm Hàm, dài 840 mét, rộng 17 mét.
|
Lễ gắn biển phố mang tên các vị vua họ Mạc diễn ra long trọng sáng nay (25/8) - ảnh: Xuân Hưng |
Mạc Thái Tổ (1483-1541), tên húy là Mạc Đăng Dung, cháu bảy đời của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, quê ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Ông làm quan võ dưới thời Lê sơ, lập nhiều công lao và được phong đến chức Thái sư An Hưng Vương.
Năm 1527, nhà Lê mục nát, xã hội loạn lạc, triều thần đồng thuận tôn Mạc Đăng Dung làm vua, lập ra nhà Mạc, lấy niên hiệu là Minh Đức. Mạc Đăng Dung trị vì được 3 năm (1527-1529), rồi nhượng ngôi cho con trưởng là Mạc Đăng Doanh, về Cổ Trai làm Thái Thượng Hoàng.
Mạc Thái Tông (1502-1540), tên húy là Mạc Đăng Doanh, con trưởng của Thái tổ Mạc Đăng Dung, quê ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Năm 1527, Mạc Thái Tổ lên ngôi vua đã lập ông làm Thái tử.
Ngày Đinh Hợi mồng một, tháng giêng năm Canh Dần (1530), Mạc Đăng Doanh kế vị, đổi niên hiệu là Đại Chính, trị vì từ năm 1530 - 1540. Mạc Đăng Doanh tính khoan hậu giản dị. Ông giữ pháp độ, cấm hà khắc tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khóa. Bấy giờ được mùa, nhà no, người đủ, trong nước gọi thời ấy là thái bình.
Để khẳng định công lao của Vương triều Mạc trong lịch sử dân tộc, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định quy hoạch 10,5ha đất tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng (đất phát tích và khu vực Dương Kinh xưa của triều Mạc) để xây dựng Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc. Thủ tướng Chính phủ dã khẳng định: “Lịch sử vương triều Mạc là một phần không thể thiếu của lịch sử Thăng Long- Hà Nội và quyết định đưa công trình xây dựng Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc vào danh mục các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội”.
Ý kiến bạn đọc