(VnMedia) - Trước sức ép từ phía Lãnh đạo Tỉnh Lâm Đồng, Cơ quan điều tra và dư luận, ngày 31/7/2015, tòa án nhân dân Thành Phố Bảo Lộc đã đưa ra xét xử lại vụ án mua bán hóa đơn khống, chiếm đoạt hơn 33 tỷ đồng tiền thuế của nhà nước tại 2 công ty Diễm Như và Long Khang (Bảo Lộc, Lâm Đồng).
>> Mua bán trái phép 500 hóa đơn GTGT, chiếm đoạt 33 tỷ đồng tiền thuế
Vụ án này từng được Tòa án nhân dân Thành phố Bảo Lộc “âm thầm” đưa ra xét xử khi Cục thuế Lâm Đồng là đại diện cơ quan nhà nước - người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không được mời dự. Tại bản án, chủ tọa Hoàng Trình và Trần Văn Châu đã tuyên các bị cáo được hưởng án treo và số tiền chiếm đoạt 33 tỷ đồng không được tòa tuyên thu về cho ngân sách nhà nước.
Sau khi bản án có hiệu lực, Nguyễn Thị Thanh Xuân giám đốc công ty Long Khang đã cầm bản án đến Cục thuế Lâm Đồng để đòi lại số tiền 1,4 tỷ đồng đã nộp cho cơ quan thuế trước đó. Đến lúc này, Cục thuế Lâm Đồng mới biết vụ án đã được xét xử.
Lo ngại ngân sách Nhà nước bị thất thoát, Cục thuế Lâm Đồng đã gửi đơn kháng nghị lên UBND tỉnh Lâm Đồng, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu phải xét xử lại vụ án.
Ngày 31/7/2015, Tòa án nhân dân TP. Bảo Lộc đã mở lại phiên tòa, tuyên các bị cáo Lê Thùy Diễm (giám đốc công ty Diễm Như) và Nguyễn Thị Thanh Xuân (giám đốc công ty Long Khang) buộc phải nộp lại số tiền thuế VAT đã chiếm đoạt của Nhà nước là 15,4 tỷ đồng và 17 tỷ đồng.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực, nếu các bị cáo không chịu nộp khoản tiền thuếđã chiếm đoạt thì sẽ phải chịu phạt bằng lãi suất cơ bản của các ngân hàng.
|
Hồ sơ các đối tượng tham gia vào vụ án mua bán hóa đơn tại Lâm Đồng |
Bị cáo nhận tội trốn thuế nhưng chủ tọa không xử
Có mặt tham dự phiên tòa, PV ghi nhận 1 phiên tòa xét xử mang tính hình thức, chóng vánh. Trong phần xét hỏi, nhiều chi tiết quan trọng, bổ sung tội trạng của các bị cáo đã bị chủ tọa bỏ qua. Thậm chí, ngay cả khi bị cáo nhận thêm tội, tòa cũng không xem xét.
Trong phần kết luận điều tra của cơ quan CSĐT công an Tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị các cơ quan tố tụng xét xử các bị cáo 2 tội danh Trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ.
Tháng 1/2014, Cơ quan CSĐT công an tỉnh Lâm Đồng cũng ra quyết định khởi tố 2 bị cáo Diễm và Xuân tội trốn thuế và mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ. Xong không hiểu vì lý do gì, Viện kiểm sát, tòa án TP Bảo Lộc lại bỏ qua không xét xử tội danh trốn thuế.
Tại phiên xét xử ngày 31/7, bị cáo Lê Thùy Diễm đã khai nhận “trong quá trình khai báo tại công an Tỉnh, bị cáo đã tự nhận thấy hành vi trốn thuế của mình. Bị cáo đã khai báo thành khẩn với Cơ quan CSĐT ”. Tuy nhiên, vị chủ tọa phiên tòa đã bỏ qua lời thú tội của bị cáo. Nhất nhất, quan điểm của Tòa là chỉ xét xử lại phần dân sự của bán án đã tuyên trước đó là yêu cầu các bị cáo phải nộp số tiền đã chiếm đoạt 33 tỷ đồng. Mọi tội danh khác không xem xét mặc dù phía Cục thuế Lâm Đồng có đề nghị tòa trả lại hồ sơ để điều tra lại, bổ sung tội trốn thuế của các bị cáo.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thùy Diễm nêu quan điểm, việc tòa tuyên bị cáo phải nộp lại số tiền 15 tỷ đồng đã chiếm đoạt là không đúng vì số tiền này không phải là tang chứng trực tiếp của tội danh mua bán hóa đơn. Do đó, Luật sư đề nghị Viện kiểm sát và Tòa án xem xét kỹ lại quy định của pháp luật.
Giải thích lý do vì sao không truy tố các bị cáo tội danh trốn thuế, đại diện phía viện kiểm sát ch biết căn cứ nghị định 209/NĐ-CP, xét thấy hành vi mua bán hóa đơn các bị cáo không gây nguy hại cho xã hội nên không xem xét tội danh này.
Phản bác quan điểm của Tòa án, ông Dương Văn Hòa - Vụ phó Vụ pháp chế (Tổng Cục thuế) cho rằng, căn cứ vào kết luật điều tra, cáo trạng của Viên kiểm sát, trong số 15 tỷ đồng Lê Thùy Diễm đã chiếm đoạt, có tách khoản tiền 1,6 tỷ đồng Diễm đã trục lợi từ hành vi trốn thuế. Do đó, không thể áp dụng Nghị định 209 vào vụ án này. Để đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật, ông Hòa đề nghị Tòa xem xét truy tố các bị cáo Tội danh trốn thuế. "Chỉ khi truy tố tội danh trốn thuế thì việc thu hồi số tiền các bị cáo đã chiếm đoạt mới đúng Luật" - ông Hòa khẳng định.
Lo khó thu hồi được tiền
Sau khi vụ án được xét xử, chia sẻ với PV VnMedia, bà Phan Thị Vịnh – Phó cục trưởng Cục thuế Lâm Đồng cho biết, việc tòa tuyên bản án này cho các bị cáo là chưa thỏa đáng. Luật thuế đã có quy định, doanh nghiệp chỉ cần khai báo thuế sai đã phải chịu phạt tiền. Không có lý gì, các doanh nghiệp này mua bán trái phép gần 500 hóa đơn giá trị gia tăng, gian lận trốn thuế lại chỉ phải chịu hình phạt hưởng án treo, thu hồi lại tiền.
Điều mà bà Vịnh lo ngại nhất hiện nay đó là khả năng cơ quan thi hành án khó thu hồi tài sản do các đối tượng đã tính toán, tẩu tán hết tài sản. Vì vậy, ngân sách Nhà nước sẽ tiếp tục bị thất thu.
Theo xác minh tại cơ quan CSĐT, bị cáo Lê Thùy Diễm và Nguyễn Thị Thanh Xuân đều không đứng tên sở hữu tài sản mặc dù 2 bị cáo này được xếp vào hàng đại gia có tiếng tăm tại Bảo Lộc. Các tài sản của bị cáo đều đứng tên anh chị em, bố mẹ trong gia đình.
Sau khi tòa tuyên án, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Xuân cho biết, năm 2012 bị cáo làm ăn thua lỗ hết, tài sản không có. Do vậy, bị cáo cũng chưa biết lấy đâu ra số tiền 17 tỷ đồng để nộp lại cho Nhà Nước.
Đại diện Chi cục thuế TP Bảo Lộc cho biết, năm 2014, bị cáo Diễm có xin chuyển nhượng 1 lô đất nông nghiệp diện tích 206m2, giá trị ghi trong hợp đồng là 100 triệu đồng (giá thực tế mua bán lô đất này khoảng 700-800 triệu đồng) xong Chi cục thuế đã có văn bản gửi phòng tài nguyên để ngăn chặn việc chuyển nhượng này. Nhằm mục đích không cho đối tượng tẩu tán tài sản.
Như vậy, nhiều ý kiến lo ngại việc không thu hồi các tài sản của bị cáo sẽ khiến Ngân sách Nhà nước tiếp tục bị thất thu, còn các bị cáo vẫn nhơn nhơ ngoài vòng pháp luật. Do vậy, cần có chế tài đủ mạnh để buộc các bị cáo phải nộp đủ số tiền đã chiếm đoạt. Đại diện Cục thuế Lâm Đồng cho biết, sau khi bản án có hiệu lực, Cục thuế tiếp tục kháng cáo tiếp tục đề nghị truy tố các bị cáo tội trốn thuế.
Ý kiến bạn đọc