Quan điểm của Chính phủ về “lớp trưởng - chủ tịch”

10:05, 01/08/2015
|

(VnMedia) - “Quan điểm của Chính phủ là Bộ Giáo dục phải lắng nghe, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phù hợp của các tổ chức, cá nhân, đồng thời làm tốt công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận cao” - Người phát ngôn Chính phủ cho biết.

Thời gian gần đây, một số nội dung trong dự thảo Điều lệ Trường tiểu học do Bộ GD&ĐT công bố (quy định lớp trưởng được gọi là Chủ tịch hội đồng tự quản, quy định cụ thể số sổ sách mà giáo viên yêu cầu phải có, số tiết dạy của hiệu trưởng, hiệu phó…) đang gây băn khoăn cho giáo viên và phụ huynh học sinh.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Văn phòng Chính phủ cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, theo đó việc đổi mới được triển khai thực hiện trong từng cấp học, bậc học một cách toàn diện, trong đó có giáo dục tiểu học.

Theo Văn phòng Chính phủ, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến ban hành Điều lệ Trường Tiểu học mới là theo kế hoạch công tác và thuộc thẩm quyền của Bộ. Theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Dự thảo đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, kế thừa kinh nghiệm và bài học của Việt Nam qua các giai đoạn, tham khảo thành tựu khoa học giáo dục của các nước phát triển, phù hợp với điều kiện Việt Nam và kết quả thực hiện thành công ở gần 2.000 trường tiểu học thí điểm trên cả nước từ năm 2011.

“Dự thảo Điều lệ đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi của xã hội để hoàn thiện trước khi ban hành. Quan điểm của Chính phủ là, Bộ phải lắng nghe, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phù hợp của các tổ chức, cá nhân, đồng thời làm tốt công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện.” -  Văn phòng Chính phủ cho biết.

Ảnh minh họa

Đường ống dẫn nước sông Đà lần thứ 12 đã gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của hơn 70.000 người dân - ảnh: SGGP


Tháng 9/2016 hoàn thành dự án nước sạch

Liên quan đến một vấn đề dân sinh khác, đó là việc vỡ đường ống dẫn nước sông Đà lần thứ 12 đã gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của hơn 70.000 người dân, một câu hỏi được báo chí đặt ra đối với Người phát ngôn Chính phủ, đó là: Chính phủ đã có yêu cầu thanh, kiểm tra dự án đường ống nước sông Đà, Tổng công ty Vinaconex đã triển khai dự án xây dựng tuyến ống số 2 nhưng tiến độ triển khai dự án chậm so với kế hoạch, vậy Chính phủ sẽ tiếp tục có chỉ đạo như thế nào để chấn chỉnh tình trạng này, đảm bảo cuộc sống cho người dân?

Trả lời câu hỏi này, Người phát ngôn Chính phủ cho biết, sự cố vỡ đường ống dẫn nước sông Đà tính đến ngày 24/7/2015 đã xảy ra 12 lần, gây ảnh hưởng đến đời sống một bộ phận người dân Thủ đô. Liên quan đến vụ việc này, cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam một số cá nhân liên quan, để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

“Trước mắt, để khắc phục tình trạng vỡ đường ống, Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (VIWASUPCO) đã thành lập Tổ sẵn sàng khắc phục nhanh khi có sự cố. Đồng thời, để góp phần cấp nước ổn định cho người dân Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ đã giao Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (VINACONEX) chủ động triển khai tuyến ống cấp nước giai đoạn 2 bảo đảm chất lượng và hiệu quả (CV số 315/TTg-KTN ngày 21/2/2006, CV số 7056/VPCP-KTN ngày 12/9/2014). Hiện nay, các thủ tục để bảo đảm đúng quy trình theo quy định của pháp luật về xây dựng đang được khẩn trương hoàn thiện. Dự kiến tháng 10/2015 sẽ khởi công và hoàn thành vào tháng 9/2016.” – Người phát ngôn Chính phủ cho biết.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc