(VnMedia) - “Ôi giời ơi, đã có gì đâu mà khách đến. Từ năm 2010 đến nay, Bảo tàng mới chỉ trưng bày tạm thời, chưa trưng bày chính thức thì chưa thể hấp dẫn được.” – Phó giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hà Nội Trương Minh Tiến nói về Bảo tàng Hà Nội - một công trình tiêu tốn hơn 1.600 tỷ và đã đi vào hoạt động được 5 năm...
|
Bảo tàng Hà Nội đã tiêu tốn hơn 1600 tỷ nhưng vẫn chỉ đang trưng bày tạm thời - ảnh: Zing |
Chiều 25/8, đại diện các đơn vị liên quan đến Bảo tàng Hà Nội gây xôn xao dư luận vừa qua đã có buổi gặp mặt thông tin cho báo chí những vấn đề xoay quanh việc xây dựng và trưng bày hiện vật tại bảo tàng này.
Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, công trình khánh thành đi vào hoạt động từ 6/10/2010, chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đến nay, Liên danh tư vấn cùng các Chuyên gia Nhật Bản đã cơ bản hoàn thành hồ sơ thiết kế chi tiết toàn bộ các không gian trưng bày. Tuy nhiên, công tác sưu tầm, phục chế các tài liệu hiện vật phục vụ trưng bày đòi hỏi tính chuyên môn cao, dày công nghiên cứu và tốn nhiều thời gian để thực hiện.
Hiện nay, công tác sưu tầm 614 hiện vật theo chủ đề Tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên Hà Nội đã được sưu tầm theo đúng kịch bản, đồng thời hoàn thành công tác sưu tầm, phục chế hiện vật phục vụ khu trưng bày ngoài trời. Bảo tàng cũng đã tiếp nhận hơn 3000 tài liệu, hiện vật do các tổ chức, cá nhân hiến tặng. Đối với việc sưu tầm hiện vật theo chủ đề Hà Nội thời tiền sử - sơ sử, bảo tàng cũng đã thu được gần 600 hiện vật.
Điều đáng chú ý là theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, phần xây lắp và lắp đặt thiết bị được kiểm toán nhà nước quyết toán là 1697 tỷ. Hiện nay đã quyết toán 1500 tỷ, còn lại 169 tỷ sẽ quyết toán nốt vào tháng 9/2015, trong đó số tiền mua hiện vật trưng bày ước tính 129 tỷ và dự kiến sẽ mua bổ sung khoảng 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là qua 5 năm đi vào hoạt động, đến nay việc trưng bày hiện vật cũng vẫn chỉ là tạm thời chứ chưa đi vào chính thức.
Lý do, theo Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Tiến Đà, là bởi hiện vật bảo tàng còn hạn chế về chất lượng, chưa thể đáp ứng 100% theo kịch bản trưng bày. Kèm theo đó là việc thiếu vật độc đáo, có giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử văn hóa cao để Bảo tàng xứng tầm với các bảo tàng trong khu vực. Ngoài ra, kế hoạch tổng thể cho công tác trưng bày do Bảo tàng lập và được chủ đầu tư phê duyệt từ năm 2009, đến khi đi vào thực hiện thiết kế chi tiết thì có một số nội dung không còn phù hợp với đề xuất của Hội đồng tư vấn khoa học và chuyên gia nước ngoài đưa ra.
Không bằng lòng về một số bài báo đưa thông tin việc có quá ít du khách đến Bảo tàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Trương Minh Tiến thốt lên: “Ôi giời ơi, đã có gì đâu mà khách đến. Từ năm 2010 đến nay, Bảo tàng mới chỉ trưng bày tạm thời, chưa trưng bày chính thức thì chưa thể hấp dẫn được.”
Ông Tiến chia sẻ: Việc có một Bảo tàng “hoành tráng”, xứng tầm với các công trình khác ở Thủ đô là mong muốn của lãnh đạo Thành phố. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhiều hiện vật trước kia định mua thì đến nay họ đã bán rồi. Mặt khác việc thỏa thuận giá cũng gặp nhiều khó khăn, trong khi việc chi tiêu ngân sách lại vô cùng chặt chẽ. Bên cạnh đó, các hiện vật mua trưng bày phải là hàng nguyên bản chứ không phải sao chép...
Liên quan đến hình dáng Bảo tàng, theo ông Đồng Ngọc Huyền, Ban quản lý dự án Bảo tàng Hà Nội, Sở Xây dựng cho biết, đơn vị tư vấn thiết kế đến từ Cộng hòa Liên bang Đức. Việc xây dựng theo mô hình tháp ngược là thể hiện sự phát triển của Hà Nội. Càng tiệm cận giai đoạn hiện đại càng phải nở ra.
Theo thống kê, năm đầu tiên là năm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nên số lượng khách thăm quan đạt nhiều nhất là 313.570 lượt, đến năm 2011 chỉ còn 117.512 lượt và hai năm kế tiếp mỗi năm chỉ đón được chưa đến 90.000 lượt khách.
Đến năm 2014 lượng khách thống kê tăng nhẹ trở lại, đạt gần 112.00 lượt. Con số này chưa xác định là lượng khách chủ động đến thăm quan Bảo tàng hay là do tính cả khách tham gia các sự kiện được tổ chức tại bảo tàng.
Ý kiến bạn đọc