Làm giàu nhờ dám vay... 500 nghìn đồng

06:25, 12/12/2014
|

(VnMedia) - Chỉ với 500.000 đồng vốn vay ban đầu, giờ đây, chị Lê Thị Hiên, môt hộ nghèo thuộc dân tộc Thái ở vùng cao Thanh Hóa đã có thu nhập bền vững với trên 70 triệu đồng/năm và tổng tài sản trên 300 triệu.


Chị Lê Thị Hiên là một hộ nghèo thuộc dân tộc thiểu số (dân tộc Thái) ở vùng cao thuộc huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Khởi nghiệp chỉ với 500,000 đồng vay từ Ban Tài Chính Vi Mô – Tầm Nhìn Thế Giới (năm 2006), sau 08 năm nỗ lực phát triển kinh tế với sự hỗ trợ của MFU, chị Hiên đã xây dựng được mô hình sản xuất kinh doanh bền vững với thu nhập hàng năm khoảng 72 triệu đồng và tổng tài sản gần 300 triệu đồng.

 

Trước khi vay vốn của Ban Tài Chính Vi Mô – Tầm Nhìn Thế Giới, gia đình chị Lê Thị Hiên thuộc diện hộ nghèo trong thôn, không có tài sản gì, 2 vợ chồng chỉ trông vào tiền công đi chặt luồng/cọc thuê 200 ngàn-300 ngàn đồng/ tháng. Với khát vọng thoát nghèo, vợ chồng chị rất muốn vay vốn đề đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng không biết vay ở đâu vì trong nhà không có gì có giá trị đủ để thế chấp ngân hàng.

 

Hành trình thoát nghèo của chị Hiên thông qua việc vay vốn tài chính vi mô là cách làm tiên phong ở trong làng/thôn.

 

Phần đông người dân những khu vực nghèo, vùng cao, còn khó khăn như chị trước đây chỉ trông chờ hỗ trợ, cho vay ưu đãi từ Nhà nước. Những nguồn vốn đang có (như từ các ngân hàng ngân hàng chính sách) tuy phần nào hỗ trợ bước đầu cho người nghèo nhưng mới dừng lại ở đáp ứng các nhu cầu sống thiết yếu như trang trải chi phí sinh hoạt, chứ chưa đủ để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh để vươn lên thoát nghèo của người dân nông thôn.

 

Do đó, tài chính vi mô trở thành một kênh bổ sung quan trọng. Những hộ nghèo như chị Hiên, không có tài sản thế chấp, chưa có kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh và sử dụng nguồn vốn, sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn này vì các khoản vay nhỏ phù hợp với năng lực của họ và thủ tục rất đơn giản.

 

Khi vay từ nguồn này, chị Hiên không cần tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, chị Hiên còn được các cán bộ tín dụng tư vấn để tìm ra hướng chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất phù hợp với khả năng của gia đình chị và nhu cầu của địa phương.

 

Trước đây, chị Hiên chưa từng vay tiền từ bất từ nguồn nào vì chị không dám vay. Chị sợ vay mà không biết dùng vào việc gì, và sợ không trả được nợ, nhất là với các hình thức vay truyền thống đòi hỏi phải trả cả gốc và lãi vào cuối kỳ vay, với số tiền vay tối thiểu lên tới vài chục triệu đồng.

 

Nay, với hình thức vay vi mô cùng với hướng dẫn, tư vấn về cách sử dụng vốn hiệu quả, chị Hiên lần đầu tiên có cơ hội được thoát nghèo. Hàng tháng, chị chỉ cần tiết kiệm từng khoản nhỏ để trả dần cả gốc và lãi (ví dụ với mức vay nhỏ nhất là 500.000 đồng, chị chỉ cần trả 45.000 đồng cả gốc và lãi mỗi tháng). Nhờ vậy chị dễ quản lý hiệu quả sử dụng vốn. Ngoài ra, trong trường hợp dịch bệnh hoặc các rủi ro khác xảy đến khiến việc chăn nuôi, sản xuất bị ảnh hưởng, chị không phải chịu gánh nặng nợ như đối với các khoản vay lớn.


Ảnh minh họa

Chị Lê Thị Hiên đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ vốn vay 500.000 đồng

 

Năm 2006, chị Hiên đã đăng ký tham gia vay vốn lần đầu với mức vay chỉ 500.000 đ để chăn nuôi lợn và mua máy bào gỗ cho chồng làm mộc trang trải cuộc sống hàng ngày cho gia đình 3 người (1 con trai nhỏ).

 

Sau 1 năm, chị vừa trả được hết nợ, vừa lãi được đàn lợn nên chị rất phấn khởi và tự tin với quyết định vay vốn của mình, chị tiếp tục mạnh dạn vay các vòng tiếp theo với số vốn nhiều hơn để mở rộng chăn nuôi lợn. Thông qua việc vay vốn, chị cũng tập được cho mình thói quen tiết kiệm, ý thức trách nhiệm cộng đồng khi tham gia sinh hoạt cùng các chị em khác trong nhóm/ cụm ở thôn.

 

Năm 2009, chị nhận thấy rằng người dân trong làng thích ăn đậu phụ nhưng phải mua ở làng khác hoặc mua từ người ở thị trấn mang đậu phụ vào làng để bán (cách 3 – 10km). Do đó, chị quyết định học nghề làm đậu phụ, vừa bán phục vụ dân làng, vừa tận dụng được bã đậu chăn nuôi lợn. Sau khi học nghề xong, chị Huyên đã vay vốn của Tầm Nhìn Thế Giới mua máy nghiền đậu và bắt đầu làm. Ban đầu, kỹ thuật chưa tốt, đậu làm ra không ngon nên chị không bán được hàng, vì vậy, chị đã phát miễn phí cho dân làng ăn thử để lấy ý kiến góp ý. Sau gần 1 tháng vừa làm, vừa điều chỉnh công thức, chị đã nấu được đậu phụ ngon phù hợp với khẩu vị của người dân. Là người đầu tiên và duy nhất sản xuất đậu phụ trong làng nên hàng của chị bán rất chạy. Mỗi ngày, chị có thêm gần 200 ngàn đồng doanh thu từ bán đậu phụ. Sản phẩm của chị cũng giúp dân làng có thể mua đậu phụ bất kỳ lúc nào trong ngày, không còn phụ thuộc vào người bán rong đem từ thị trấn vào nữa.

 

Với mong muốn đa dạng hóa lĩnh vực sản xuất kinh doanh để đem lại hiệu quả bền vững trong phát triển kinh tế, năm 2012, chị Hiên đã sử dụng tiền tích lũy từ việc chăn nuôi lợn để mở cửa hàng tạp hóa tại nhà, kết hợp bán đậu phụ. Với cửa hàng tạp hóa ngay tại nhà, chủng loại hàng hóa phong phú, chị Hiên đã đem lại cho dân làng nhiều lựa chọn hơn, có thể chủ động mua hàng mọi lúc với giá rẻ hơn, không còn phụ thuộc vào người bán hàng rong từ thị trấn vào.

Ngoài ra, chị cũng tạo điều kiện thuận lợi cho dân làng có thể đem luồng cọc để đổi lấy hàng trong cửa hàng khi họ muốn mua tạp hóa nhưng không có sẵn tiền mặt để trả. Nhờ vậy, người dân không phải mua chịu cũng như được đáp ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu khi cần. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của chị Hiên không những mang lại hiệu quả kinh tế cho bản thân gia đình chị mà còn đem lại cho người dân trong làng sự thuận tiện trong giao thương vì không còn phải mang luồng/cọc sang khu khác trong làng để bán nữa (các khu trong làng cách nhau 1 – 3 km, trong khi phương tiện cơ giới để đi lại rất hạn chế) mà giá thu mua vẫn tương đương.

 

Như vậy, từ việc chỉ có thu nhập ít ỏi, không ổn định từ đi làm thuê hàng ngày của 2 vơ chồng, sau 8 vòng vay vốn của Tầm Nhìn Thế Giới với tổng số tiền là 29 triệu đồng, nay gia đình chị Hiên (4 người) đã có thu nhập ổn định từ chăn nuôi lợn – làm mộc - sản xuất đậu phụ - buôn bán tạp hóa – buôn luồng/cọc với mức trung bình là 72 triệu đồng/năm và tổng tài sản ước tính là 287 triệu đồng tính đến tháng 7/2014.

 

Sự có mặt của Chương trình Tài Chính Vi Mô - Tầm Nhìn Thế Giới đã đem lại một kênh vay vốn bổ sung, mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh đa dạng và tăng vị thế kinh tế cho người nghèo, người có thu nhập thấp trên địa bàn thông qua các khoản vay nhỏ không cần thế chấp và dịch vụ kịp thời đến tận hộ gia đình.

 

Từ thành công của chị Hiên, nhiều hộ dân khác trong thôn đã chủ động tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và tham gia vay vốn của chương trình Tài Chính Vi Mô để phát triển kinh tế hộ gia đình.

 

Chia sẻ với cán bộ chương trình, chị Hiên mong muốn trong nhiều người dân trong các thôn/ bản như chị biết đến các nguồn vốn tài chính vi mô như chương trình của Tầm Nhìn Thế Giới và cũng mạnh dạn đổi mới tư duy để sớm thoát nghèo như chị.

 

Mô hình sản xuất kinh doanh của chị Hiên được Hội đồng giám khảo Giải thưởng Cá nhân và Tổ chức Tài chính Vi mô tiêu biểu – CMA 2014 đánh giá cao vì đã mạnh dạn đổi mới tư duy (trước đây sợ không dám vay vốn vì sợ không trả được nợ. Chị cũng đã có những cách làm sáng tạo khi triển khai ý định sản xuất kinh doanh của mình như học làm ngành nghề mới, nhạy bén với thị trường: cung cấp dịch vụ tại địa bàn, phương thức trao đổi linh hoạt và chủ động tiết kiệm, đa dạng hóa hoạt động để duy trì sự phát triển kinh tế bền vững.


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc