Cà phê cầu Long Biên: Lãng mạn, khó khả thi?

08:31, 11/12/2014
|

(VnMedia) - Theo ông Tô Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, ý tưởng về việc bảo tồn cầu Long Biên thành một bảo tàng là một ý tưởng hay, lãng mạn nhưng rất khó thực hiện…

>>
Mở nhà hàng, quán cà phê trên cầu Long Biên?
>> Xây cầu vượt sông mới cách cầu Long Biên 75m    
 
Như VnMedia đã đưa tin, sáng 10/12, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam và Công ty Tư vấn Đầu tư và Phát triển cầu Long Biên đã tổ chức Hội thảo “Cầu Long Biên giải pháp nào để bảo tồn và phát triển?”.
 
Tại hội thảo, KTS. Nguyễn Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn đầu tư và phát triển cầu Long Biên đã đề nghị bảo tồn cầu cạn của cầu Long Biên trở thành vườn treo và gầm cầu thành vườn nghệ thuật, làng nghề truyền thống.

Riêng 9 nhịp cầu nguyên thủy sẽ được duy trì bảo tồn nguyên trạng và cải tạo theo phương pháp cũ đinh tán rỉ - vê để làm bảo tàng triển lãm 2 đầu tàu hơi nước, biến những toa xe cũ thành quán café và nhà hàng, được đặt trên một nền kính trong suốt để thấy được tất cả mố trụ cầu cũ, đường ray xe lửa cũ cũng như sông Hồng chảy bên dưới.
 
Xung quanh đề xuất này, ông Tô Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, đề án có nhiều ý tưởng hay nếu thực hiện được là đáng quý sẽ đóng góp thêm một công trình văn hóa, nghệ thuật khá độc đáo cho Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng cần phải thực tiễn hơn. Ông cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi: Nếu thực hiện ý tưởng này thì có ảnh hưởng gì tới những mặt khác? Có hay không giá trị đánh đổi? Đánh đổi lợi ích tới mức nào? Hại tới mức nào? Bởi đến thời điểm này và trong những quy hoạch vẫn đang đặt ra thì cầu Long Biên vẫn là một công trình giao thông có giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử. Vì vậy, nếu thực hiện được như dự án thì chức năng giao thông khó có thể thực hiện được.

Theo ông nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, nếu triển khai như đề án thì rất khó thực hiện. Ý tưởng thì rất hay nhưng phải xem xét lại để làm sao giữa cái được và mất phải phù hợp, hài hòa.

Ảnh minh họa

Cầu Long Biên là ký ức của người Hà Nội, là nỗi nhớ của người đi xa -
ảnh: Vũ Ngọc

Trước ý tưởng biến đoạn cầu dẫn phía đường Phùng Hưng thành không gian triển lãm các làng nghề, ông Tuấn cho biết, đoạn đường này không chỉ phục vụ cho cầu Long Biên mà còn dùng cho cầu đường sắt đô thị.

Theo quy hoạch, trong tương lai đoạn dẫn này vẫn dùng để cho đường sắt đô thị khi xây dựng cầu Long Biên mới phục vụ tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi). Vì vậy, không thể biến thành vườn treo.

Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, giả sử bên trên là đường sắt, bên dưới là những ý tưởng cho không gian văn hóa thì có dung hòa được không? Nếu vài trăm chuyến tàu chạy qua mỗi ngày thì du khách có đến hay không?

“Ý tưởng bảo tàng trên cầu Long Biên cũng cần cân nhắc khi tồn tại lâu dài, làm sao để lúc nào nó cũng hấp dẫn. Hà Nội cũng có những bảo tàng xây dựng quy mô nhưng giá trị phục vụ cộng đồng, tác động của nó với xã hội còn hạn chế”, ông nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nói.

Không tán thành xây bảo tàng trên cầu Long Biên

Đồng quan điểm, GS Phạm Đình Việt, Đại học Xây dựng cho rằng, cầu Long Biên phải giữ vì nó phải là một di sản. Giá trị bảo tồn của công trình là phải bảo tồn giá trị nguyên gốc của cây cầu.

Từ xưa đến nay, cầu Long Biên là cầu kết hợp đường bộ, đường sắt đầu tiên ở Đông Dương, hình ảnh cầu Long Biên in dấu trong tâm trí người Hà Nội. Do đó, phải bảo tồn làm sao được nguyên gốc của nó cho mai sau. Giá trị nguyên gốc của cây cầu là giao thông, nên chuyển thành cầu nối giữa hai cây cầu là cần thiết.

Theo ông, với số lượng cầu nối giữa hai bờ sông Hồng như hiện nay là chưa thể đủ và cần nhiều cầu nữa. Tuy nhiên, đối với cầu Long Biên, ông Việt cho rằng không nên cho xe lớn lên nữa vì kết cấu của cầu đã xuống cấp mà nên chuyển thành xe thô sơ, đi bộ.

"Tôi không đồng ý xây dựng bảo tàng trên cầu. Phần cầu đường sắt nên chuyển thành đường sắt đô thị phục vụ du lịch. Nên kêu gọi nhà đầu tư xây dựng tuyến đường sắt phục vụ xe điện đi từ phố cổ sang Gia Lâm. Nên chuyển hướng làm bảo tàng đường sắt ở bên nhà máy xe lửa Gia Lâm. Hà Nội đang thiếu điểm cao, việc làm một điểm cao bên Gia Lâm là ý tưởng tốt", ông Việt nêu ý kiến.

Với phần bãi giữa sông Hồng, ông Việt cho biết, đã có nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư cải tạo để khai thác nhưng nên hạn chế việc quy hoạch này vì Hà Nội đang thiếu nhiều điểm xanh, cần quy hoạch làm sao giữ lại càng nhiều điểm xanh thì càng tốt.
 
"Về hình dáng cây cầu nên giữ nguyên hình dáng ban đầu của nó. Trong chiến tranh nhiều nhịp đã bị phá hỏng, vì vậy làm mất vẻ đẹp của cây cầu cho nên phải khôi phục lại. Tuy nhiên, việc nên giữ nguyên hay nâng cầu lên thì phải suy nghĩ. Nếu nâng cầu lên thì sẽ cực kỳ tốn kém", ông Việt nói về cách bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc