(VnMedia) - Theo Bộ Giao thông, trong thời gian qua, mặc dù giá xăng dầu giảm mạnh nhưng các doanh nghiệp vận tải chưa kịp thời điều chỉnh giảm giá cước đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.
>>8 lần giảm giá xăng, cước taxi vẫn đứng im
>> 15 lần giảm giá dầu, cước taxi vẫn “bất động”
>> Chưa giảm giá cước vận tải vì vướng thủ tục
>> Cước taxi tại Hà Nội đang rẻ nhất
Thời gian qua, chịu tác động trực tiếp từ đà giảm của thế giới, giá xăng dầu trong nước đã liên tục được điều chỉnh giảm mạnh. Theo đó, đợt giảm gần đây nhất là 6/12, giá xăng RON 92 đã tiếp tục điều chỉnh giảm thêm 320 đồng/lít, xuống còn 19.930 đồng/lít.
Cụ thể, giá xăng RON 92 và xăng sinh học E5 RON92 cùng giảm 320 đồng/lít từ mức 20.250 đồng/lít xuống còn 19.930 đồng/lít; dầu diezen 0,05 S giảm 240 đồng/lít, xuống còn 18.410 đồng/lít; dầu diezen 0,25S cũng giảm 240 đồng/lít, xuống còn 18.360 đồng/lít và 280 đồng/lít xuống còn 18.970 đồng/lít.
Như vậy, đây là lần giảm giá xăng thứ 11 từ đầu năm tới nay, với tổng mức giảm là 5.710 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diezen giảm khoảng 17 lần với tổng mức 4.410 đồng/lít. Mặc dù giá xăng, dầu đã được điều chỉnh giảm khá mạnh trong thời gian vừa qua, nhưng giá cước taxi vẫn không điều chỉnh giảm theo, điều này đã khiến khá nhiều người tiêu dùng bức xúc.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải vừa cho biết, hiện nay, giá cước vận tải bằng ô tô thực hiện theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Do vậy, trong thời gian qua, mặc dù giá xăng dầu giảm mạnh nhưng các doanh nghiệp vận tải chưa kịp thời điều chỉnh giảm giá cước vận tải gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo Bộ Giao thông vận tải, việc các doanh nghiệp vận tải chậm giảm giá cước sau khi giá xăng dầu liên tục giảm trong thời gian vừa qua đã gây bức xúc dư luận. Ảnh: Vạn Xuân |
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại các tỉnh, thành phố cho thấy, hầu hết các địa phương đều chưa thực hiện quản lý giá cước vận tải hàng hoá, hợp đồng, du lịch trong khi giá cước hàng hoá có ảnh hưởng lớn đến giá thành hàng hoá.
Mặt khác, theo quy định của Luật Giá thì Nhà nước điều hành giá thông qua việc bình ổn giá hoặc định giá một số loại hàng hoá, dịch vụ theo danh mục do Chính phủ quy định, các loại giá khác sẽ do cơ chế thị trường quyết định.
Thêm vào đó, tại Điều 3 về danh mục hàng hoá, dịch vụ phải bình ổn giá và Điều 8 danh mục hàng hoá, dịch vụ Nhà nước định giá trong Nghị định 177/2013 thì giá cước vận tải bằng xe ô tô không nằm trong các danh mục này, do đó không thể ép doanh nghiệp phải giảm giá ngay được.
Sẽ bắt buộc các doanh nghiệp vận tải phải kê khai giá cước
Theo Bộ Giao thông vận tải, trong thực tế, giá cước vận tải luôn là yếu tố cấu thành quan trọng trong giá thành sản phẩm, dịch vụ, do đó người dân luôn quan tâm, theo sát mỗi diễn biến, biến động của giá cước vận tải.
Do vậy, để tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô, ngày 1/12/2014, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị định số 177/2013 với 2 nội dung.
Thứ nhất, sửa đổi bổ sung Điều 3 quy định về hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá trong nghị định, đề nghị bổ sung giá cước vận tải theo tuyến cố định, xe buýt, taxi và vận tải hàng hoá vào danh mục bình ổn giá để các cơ quan quản lý giá có thể quản lý chặt chẽ và bình ổn giá cước vận tải khi cần.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung điểm 1 khoản 2 Điều 15 hiện nay đang chỉ quy định giá cước vận tải hành khách theo tuyến cố định và taxi là danh mục bắt buộc phải kê khai, đề nghị sửa lại thành tất cả các loại giá cước vận tải bằng xe ô tô đều bắt buộc kê khai.
"Trước mắt, trong thời gian chưa sửa nghị định đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo các địa phương bổ sung giá cước vận tải hàng hoá vào danh mục phải kê khai giá cước để triển khai thực hiện kê khai và quản lý giá cước theo quy định tại thông tư của liên Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ", Bộ Giao thông vận tải cho biết.
Ý kiến bạn đọc