Đang có nguồn vốn khổng lồ "chảy" vào giao thông

12:38, 12/12/2014
|

(VnMedia) - Theo ông Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT), thời gian qua, ngành GTVT đã huy động được một nguồn vốn khổng lồ từ xã hội hóa chảy vào các dự án đầu tư hạ tầng giao thông..

  >>
3 năm qua, không có công trình giao thông chậm tiến độ!           
>>
Chậm tiến độ, dự án gây nhiều phiền hà cho dân                
>>
Lại xin lùi tiến độ đường sắt Cát Linh-Hà Đông                
>>
Chậm tiến độ gói thầu, Bộ Giao thông lo bị đòi bồi thường                

Sáng ngày 12/12, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông”. Đây là hội thảo lần đầu tiên được tổ chức nhằm hoàn thiện chính sách, tạo môi trường bình đẳng và hấp dẫn nguồn vốn tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông.
 
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, trong những năm gần đây, ngành GTVT đã có sự đột phá lớn trong việc kêu gọi vốn xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng giao thông. Tính đến nay đã huy động khoảng 160 nghìn tỷ đồng để triển khai 65 dự án, công trình từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Dự kiến năm 2014, ngành GTVT sẽ đạt mức giải ngân kỷ lục lên đến 100 nghìn tỷ đồng. Số vốn này chủ yếu được huy động trong khoảng ba năm trở lại đây.

Dự kiến, giai đoạn từ năm 2016 - 2020 sẽ có một nguồn vốn lớn, lên đến khoảng 235 nghìn tỷ đồng vốn ngoài ngân sách đầu tư vào giao thông. Không chỉ tập trung vào đường bộ, ngành GTVT sẽ tập trung kêu gọi vốn xã hội hóa ở nhiều lĩnh vực khác như tuyến đường sắt Bắc Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án cảng biển, dự án đường thủy nội địa...

Theo Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT) ông Nguyễn Danh Huy, thời gian qua, ngành GTVT đã huy động được một nguồn vốn khổng lồ từ xã hội hóa, tuy nhiên, việc huy động vốn đầu tư vào ngành giao thông vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ nhất, vốn xã hội hóa tham gia đầu tư chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đường bộ, các lĩnh vực khác chưa có hoặc hạn chế trừ việc doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa.

Thứ hai, các nhà đầu tư tham gia các dự án giao thông chủ yếu là các nhà đầu tư trong nước có năng lực tài chính chưa mạnh, vay vốn chủ yếu trong nước nên có chỉ số tín nhiệm thấp. Bên cạnh đó, họ cũng ít có kinh nghiệm đầu tư, quản lý, khai thác và chưa am hiểu về đầu tư PPP, chưa đánh giá được rủi ro nên triển khai còn vướng mắc.

Ảnh minh họa

Bộ Giao thông vận tải cho biết, thời gian tới đây sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ ở Việt Nam. Ảnh: Internet

Một hạn chế nữa là hành lang pháp lý của chúng ta hiện chưa theo kịp thông lệ quốc tế. Nhiều đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước chưa phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, địa phương trong quá trình thực hiện dự án.

Theo ông Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư, thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung đầu tư kêu gọi  xây dựng tuyến đường sắt mới khổ 1,35m, thủy nội địa, các cảng hàng không, cảng hàng hải đầu mối.

“Bộ GTVT sẽ có danh mục các dự án đầu tư rõ ràng, minh bạch để các nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu, đồng thời đẩy mạnh chính sách nhượng quyền để tạo ra nguồn lực đầu tư. Bộ cũng sẽ thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư các dự án PPP và chính sách phí, và tài chính tiếp cận chung với các thông lệ quốc tế... để thu hút nguồn vốn xã hội hóa vào đầu tư hạ tầng giao thông”, ông Huy nói.

Nhiều thách thức trong thu hút đầu tư PPP

Chia sẻ kinh nghiệm, khả năng hỗ trợ Việt Nam trong việc hoạch định chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy đầu tư mạnh hơn nữa vào cơ sở hạ tầng theo mô hình PPP, Trưởng ban Tài chính Ngân hàng Thế giới, ông Cledan Mandri-Perrot cho biết, PPP là công cụ mua sắm đấu thầu, xác định nhiều lợi ích khả thi trong xây dựng, tuy nhiên yêu cầu chi phí giao dịch cao để giảm đầu tư, huy động vốn nên cần cân nhắc áp dụng hình thức này.

Đại diện WB đưa ra các ví dụ, trong lĩnh vực đường sắt chi phí cao, ở các quốc gia đang phát triển, nhiều nước hình thành Luật PPP, nhưng khó triển khai, thực hiện trong lĩnh vực này. Ở khu vực Đông Á, lĩnh vực này cũng được đầu tư, 2013 ở Ấn độ rất phát triển nhưng con số về lĩnh vực PPP rất nhỏ.

Vị đại diện WB nêu lên thách thức của PPP về đất, tài chính ngân hàng, bởi ngân hàng là nơi cung cấp vốn, trong khi đó ngân hàng rất thận trọng khi cung cấp vốn. Đại diện WB cũng nêu lên những khó khăn, trong đó rất khó để dự đoán các dự án mới, do bên cho vay rất thận trọng….
 
Chia sẻ kinh nhghiệm trong lĩnh vực này, chuyên gia của WB cho biết, ở nhiều nước Chính phủ đã thanh toán cho các nhà đầu tư khi các dự án đạt chất lượng,một số nước có kỹ thuật về danh thu tối thiểu, Chính phủ cần áp dụng phần doanh thu giảm xuống (thu phí…). Có trường hợp, quốc gia ở giai đoạn đầu, Chính phủ bảo lãnh, hoặc nhà đầu tư nước ngoài có điều chỉnh về phí, nếu có sự hối đoái, cần xem xét lạm phát trong nước, các yêu cầu bên cho vay, công cụ bảo lãnh, khi phí không đáp ứng yêu cầu, ngoài ra có thể điều chỉnh phí,..

"Khi rủi ro ngoài dự báo thì họ cần có sự thỏa thuận, đây là kỳ vọng họ mong muốn,cần sự hỗ trợ của Chính phủ. Bên cạnh đó có nhiều thách thức, các khoảng trống diễn ra rất nhiều nơi, tái cơ cấu, do đó hãy kiểm soát kỳ vọng ở mức độ hợp lý, nắm tâm tư nguyện vọng của nhà đầu tư để đi đến sự thống nhất, hợp tác", đại diện WB nói.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc