Đánh giá tín nhiệm: Nhiều phiếu thể hiện sự "băn khoăn"

11:44, 26/11/2014
|

(VnMedia) - Thống kê cho thấy, có đại biểu đã đánh giá 12.206 phiếu tín nhiệm cao, 2.542 phiếu tín nhiệm thấp và có tới 9.413 phiếu ở mức “băn khoăn”, đó là “tín nhiệm”, mức đánh giá mà nhiều đại biểu cho rằng không cần thiết.
 

Ảnh minh họa

Đại biểu nghiên cứu phiếu tín nhiệm trước khi đánh giá - ảnh: Tuệ Khanh

Trong đợt lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, một lần nữa, tất cả những người được lấy phiếu tín nhiệm đều an toàn, tức là không ai rơi vào trường hợp có số phiếu tín nhiệm thấp đến mức độ phải bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Nhận xét về kết quả này, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, quy định 3 mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp) mà không có mức không tín nhiệm đã dẫn đến chưa cần tiến hành lấy phiếu thì đã mặc định trước kết quả là tất cả các chức danh đều được tín nhiệm, việc lấy phiếu chỉ còn có ý nghĩa xác định là tín nhiệm cao, vừa hay thấp.

“Cử tri đặt câu hỏi là sau cả năm thực hiện nhiệm vụ, có những lĩnh vực chuyển biến tích cực, có những lĩnh vực chưa chuyển biến nhiều, thậm chí có một số mặt còn có dấu  hiệu đi xuống. Vậy, dựa trên căn cứ thực tiễn nào, căn cứ khoa học và pháp lý nào mà chúng ta lại ấn định là tất cả những người đứng đầu đều mặc nhiên được tín nhiệm trước khi lấy phiếu?” – đại biểu Lê Thị Nga đặt câu hỏi.

Đặc biệt, xem xét toàn bộ quy trình lấy phiếu, đại biểu Lê Thị Nga “thấy đã có những giới hạn khá thận trọng, ít có khả năng xảy ra hệ quả xấu đối với người được lấy phiếu”.

Theo đó, quy định trên 2/3 số phiếu thấp hoặc 2 năm liên tiếp quá nửa số phiếu thấp, hoặc qua nhiều thủ tục xem xét của cơ quan có thẩm quyền... Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị chỉ nên quy định hai mức đạt tín nhiệm và không tín nhiệm. Trong ô tín nhiệm thì chia nhỏ thành hai mức là tín nhiệm và tín nhiệm cao để cho đại biểu có nhiều lựa chọn.

Trong khi đó, nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, chỉ nên để 2 mức tín nhiệm và điều này. “Có phải phiếu tín nhiệm thấp đó là kết quả không tín nhiệm không? Tôi thấy thể hiện qua 2 mức là rõ ràng, minh bạch nhất và cũng dễ dàng cho việc lượng hóa” – đại biểu Võ Thị Dung (TP. Hồ Chí Minh).

Tuy nhiên, theo thống kê của VnMedia dựa trên kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, có đại biểu đã đánh giá 12206 phiếu tín nhiệm cao, 2542 phiếu tín nhiệm thấp và có tới 9413 phiếu ở mức “băn khoăn” ( mức tín nhiệm) - một mức mà rất nhiều đại biểu cũng cho rằng không cần thiết.

Như vậy, có thể thấy mặc dù trên lá phiếu có ghi 3 mức là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, nhưng nếu muốn “rạch ròi”, đại biểu hoàn toàn có thể coi như lá phiếu đó chỉ có 2 mức để lựa chọn và đánh giá. Chỉ có điều, đại biểu có lẽ vẫn còn quá nhiều băn khoăn trong sự đánh giá của mình chứ chưa thực sự tự mình quyết đoán và vẫn phải chờ vào quy định bắt buộc.
 
Về quan điểm này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

-  Thưa ông, trong phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng chỉ nên để hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm. Quan điểm của ông như thế nào?

Vấn đề này hiện vẫn đang bàn. Sau khi kết quả thảo luận như vậy, Thường vụ Quốc hội sẽ có giải trình thấu đáo về vấn đề này. Ý kiến trên hội trường là ý kiến của các đại biểu phát biểu, còn các đại biểu không phát biểu thì ý kiến có khi lại khác.

Theo tôi, thiết kế 3 mức tín nhiệm là để phân biệt giữa lấy phiếu và bỏ phiếu, lấy phiếu 3 mức để đánh giá tín nhiệm chứ không phải là hình thức bỏ phiếu. Nếu bỏ phiếu thì đồng ý hai mức thôi. Còn nếu lấy phiếu thì phải có tín nhiệm để giúp các cơ quan về mức độ đánh giá cán bộ.

- Nhưng như đại biểu Lê Thị Nga nói thì như vậy có nghĩa là mặc nhiên công nhận không có “không tín nhiệm”?

Nhiều phiếu tín nhiệm thấp là mệt rồi, là phải bỏ phiếu tín nhiệm rồi, nên không cần mức “không tín nhiệm”. Bên cạnh đó, chọn mức tín nhiệm nào là thẩm quyền của đại biểu. Nếu không tín nhiệm, đại biểu hoàn toàn có thể chọn mức tín nhiệm thấp. Nếu còn băn khoăn giữa hai mức tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp thì đã có mức “tín nhiệm”.

- Vâng, xin cảm ơn ông!


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc