Điều tra nguyên nhân dẫn đến liên tiếp các sự cố bay

10:21, 25/11/2014
|

(VnMedia) - Trước việc thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra các sự cố đe dọa sự an toàn của các chuyến bay, Bộ Giao thông vận tải vừa yêu Cục Hàng không Việt Nam thành lập Tổ công tác điều tra nguyên nhân các sự cố.

Liên tiếp các sự cố đe dọa an toàn bay

Ngày 29/10 vừa qua, chiếc máy bay Airbus A321 số hiệu HVN 1367 của Vietnam Airlines (VNA) khởi hành từ TP HCM đi Huế vừa cất cánh thì gặp một chiếc trực thăng bay ngang cách vài chục mét tại độ cao 152 m.

Sự việc xảy ra lúc 11h, khi máy bay VNA đang ở vị trí chờ đường cất hạ cánh 25L lên đường cất hạ cánh 25R. Thời điểm đó, kiểm soát viên không lưu cấp lệnh cho chuyến HVN 1376 cất cánh thì 9 giây sau đó, chỉ huy ban quân sự cũng cho phép máy bay trực thăng Mi 172/423 xuất phát.

Vừa rời mặt đất, tổ lái HVN 1376 thấy một chiếc trực thăng cắt ngang phía trước. Theo nhận định ban đầu, thời điểm đó hai máy bay cách nhau khoảng 60 m. Tình huống phát sinh đã khiến tổ lái của VNA phải giảm tốc độ và góc bay ở độ cao 152 m.

Sự việc xảy ra ngày 29/10 nhưng đến tận ngày 18/11, Tổng công ty Quản lý bay mới báo cáo Cục Hàng không Việt Nam. Theo Tổng công ty này, chiếc Airbus nhận được lệnh cất cánh trước chiếc máy bay quân sự.

Tổng công ty Quản lý bay cho rằng, chỉ huy bay quân sự đã thiếu quan sát hoạt động bay của hàng không dân dụng trên màn hình radar hoặc bằng mắt thường, không hiệp đồng với Kiểm soát viên không lưu Tân Sơn Nhất.

  Ảnh minh họa

  Liên tiếp xảy ra các sự cố đe dọa an toàn các chuyến bay trong thời gian gần đây đã khiến Cục Hàng không phải lập tổ công tác để điều tra nguyên nhân.

Một sự việc đe dọa sự mất an toàn bay khác cũng vừa xảy ra. Trưa ngày 20/11, nhiều chuyến bay từ quốc tế và trong nước đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP. HCM đều không hạ cánh được vì hệ thống radar mất tín hiệu.

Sự cố mất tín hiệu radar xảy ra từ khoảng 11h đến 12h25 tại khu vực kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất. Theo đó, tất cả các chuyến bay từ các sân bay đến Tân Sơn Nhất đều được thông báo bay vòng hạ cánh tại sân bay khác hoặc quay đầu cho đến khi có thông báo tiếp theo. Các máy bay chuẩn bị khởi hành tại Tân Sơn Nhất cũng bị lùi thời điểm cất cánh.

Thời điểm đó, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam xác nhận tình trạng gián đoạn hoạt động bay ở Tân Sơn Nhất diễn ra hơn một tiếng đồng hồ. Nguyên nhân là do hệ thống điện cơ quan quản lý bay tại Tân Sơn Nhất bị lỗi. Tuy nhiên, đến 12h25, ban điều hành ở đây đã khắc phục được sự cố và mọi hoạt động diễn ra bình thường.

Sự cố trục trặc điều hành bay khiến hàng chục chuyến bay đến và đi từ sân bay Tân Sơn Nhất bị ảnh hưởng trong ngày 20/11, kéo theo chậm chuyến liên tiếp hàng loạt tại nhiều sân bay khác trên cả nước, gây thiệt hại kinh tế cho các hãng hàng không và ảnh hưởng việc đi lại của hàng nghìn hành khách.

Lập tổ công tác điều tra sự cố điều hành bay

Trước việc liên tiếp xảy ra các sự cố đe dọa sự an toàn của các chuyến bay trong thời gian gần đây, Bộ Giao thông vận tải vừa yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong ngành Hàng không nghiêm túc, nhìn nhận các sự cố trong thời gian vừa qua là sự cố uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay; cần chủ động khắc phục những yếu kém, bất cập trong thực hiện các quy trình điều hành, quản lý hoạt động bay; rà soát kỹ đội ngũ cán bộ, nhân viên, chấn chỉnh ý thức tổ chức kỷ luật, kịp thời xử lý nghiêm cán bộ nhân viên vi phạm.

Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập Tổ công tác điều tra sự cố điều hành bay tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào ngày 29/10/2014; sự cố mất điện tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh (ACC HCM), báo cáo Bộ trước ngày 5/12/2014.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung và khuyến cáo, khuyến nghị với các cơ quan, đơn vị về nội dung, tài liệu hướng dẫn liên quan đến các văn bản hiệp đồng giữa các cơ quan, đơn vị; đảm bảo tuyệt đối an toàn và tuân thủ các quy định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các tài liệu nêu trên…

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tuân thủ nghiêm các quy định, quy trình về an toàn quản lý điều hành bay; chủ động điều tra, xử lý các nguyên nhân gây ra sự cố an toàn bay; nâng cao chất lượng hệ thống quản lý an toàn hàng không; nâng cao nhận thức an toàn hàng không, năng lực quản lý, điều hành bay; hoàn thiện công tác đào tạo, huấn luyện, nâng cao chất lượng kiểm soát viên không lưu, đảm bảo cung cấp an toàn dịch vụ không lưu theo tiêu chuẩn của ICAO; nghiêm túc thực hiện kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan để xảy ra sự cố gây uy hiếp an toàn bay; chấp hành nghiêm chế độ báo cáo sự cố theo quy định.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu, các hãng hàng không tuân thủ nghiêm các quy định, quy trình về an toàn khai thác tàu bay; xử lý triệt để các nguyên nhân gây ra sự cố an toàn bay; nâng cao nhận thức an toàn hàng không; hoàn thiện công tác đào tạo huấn luyện đối với phi công...


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc