Dự thảo Bộ Luật Dân sự:: Đại biểu Quốc hội quan ngại về "bảo vệ người thứ ba ngay tình"

16:59, 25/11/2014
|

(VnMedia) - Thảo luận về Dự thảo Bộ Luật Dân sự sáng nay (25/11), đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc băn khoăn cho rằng Dự thảo đã lựa chọn bảo vệ người thứ 3 ngay tình là chủ yếu và ông “đặc biệt quan ngại” về quy định này…
 
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 145 của Dự thảo luật, trường hợp đối tượng của giao dịch là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba. Người này căn cứ vào việc đăng ký mà xác định lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết tài sản đó bị chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc ngoài ý chí của chủ sở hữu.
 
Phát biểu góp ý cho Dự thảo, đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) cho rằng, quy định trên chỉ bảo vệ được quyền lợi cho người thứ ba, không bảo vệ được quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho chủ sở hữu bởi quá trình giải quyết sẽ khó chứng minh người thứ ba có thực sự ngay tình hay không, cho dù biết tài sản là đối tượng giao dịch đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp ngoài ý chí của chủ sở hữu.
 
“Nhưng nếu biết người thứ hai trong giao dịch dân sự không còn có khả năng thanh toán, người thứ ba sẽ không bao giờ họ thừa nhận là họ có biết để không bị buộc trả lại tài sản cho chủ sở hữu, nhất là trong trường hợp người thứ hai trong giao dịch có sự thông đồng với người thứ ba. Như vậy, quyền lợi của chủ sở hữu sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng.” – đại biểu Nguyễn Thành Bộ phân tích.
 
Do vậy, ông đề nghị nên giữ nguyên quy định về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình như trong Điều 138 Bộ luật dân sự 2005, sau đó người thứ ba chỉ được bảo vệ khi nhận tài sản thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người được bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền công nhận người này là chủ sở hữu tài sản, nhưng sau đó lại không phải, do bản án, quyết định bị hủy và phải sửa.

Ảnh minh họa

Đại biểu Vũ Tiến Lộc


Cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Thành Bộ, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, quy định về tài sản và quyền sở hữu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi đó là cơ sở để chủ sở hữu tài sản có thể yên tâm đưa tài sản của mình vào kinh doanh. Tuy nhiên, các nội dung của bản dự thảo về vấn đề này lại thiết kế theo hướng giới hạn đáng kể quyền sở hữu của chủ sở hữu ở nhiều góc độ khác nhau với các mức độ khác nhau.
 
Đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu ví dụ: Dự thảo đang bảo vệ quá mức lợi ích tài sản của chủ thể ngay tình, liên quan tới trường hợp tài sản của chủ thể sở hữu bị chuyển giao cho một người thứ 3 ngay tình, hoặc người chiếm hữu ngay tình.
 
“Về lý thì cả chủ sở hữu lẫn người thứ 3 đều không có lỗi và cần được bảo vệ. Tuy nhiên, dự thảo đã lựa chọn bảo vệ người thứ 3 ngay tình là chủ yếu, với các quy định nếu tài sản thuộc diện không phải đăng ký quyền sở hữu thì tài sản thuộc về người thứ ba ngay tình. Còn nếu tài sản thuộc diện phải đăng ký và đã đăng ký thì tài sản đó cũng thuộc về người thứ ba ngay tình. Chủ sở hữu chỉ được đòi lại tài sản trong một số trường hợp rất hãn hữu.” – đại biểu Vũ Tiến Lộc phân tích.
 
Theo ông, việc bảo vệ các chủ thể ngay tình trong các quan hệ liên quan đến tài sản là hợp tình, mặc dù vậy, bảo vệ quá mức của chủ thể ngay tình sẽ dẫn tới việc làm ảnh hưởng đáng kể tới lợi ích của chủ sở hữu, những người về lý có quyền cao nhất, trước hết và đầu tiên đối với tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình. Hơn nữa, người thứ ba ngay tình nếu bị chủ sở hữu hợp pháp đòi lại tài sản thì vẫn hoàn toàn có quyền yêu cầu bên có lỗi bồi thường cho mình, tức là đã được bảo vệ về suy đoán quyền sở hữu từ việc chiếm hữu.
 
Đại biểu tỉnh Thái Bình cho biết, trong Dự thảo còn nhiều quy định khác cũng được thiết kế theo cách tương tự để bảo vệ các chủ thể khác chứ không bảo vệ chủ sở hữu và vì vậy, ông “đặc biệt quan ngại với cách tiếp cận này của bản dự thảo.”

Người thứ ba ngay tình được hiểu là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật đối với một tài sản ngay tình hay nói cách khác, người chiếm hữu không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật.

Trên thực tế có rất nhiều giao dịch mà chúng ta không thể biết được chính xác người chuyển giao tài sản cho chúng ta có phải là chủ sở hữu đích thực của tài sản hay không, trong khi họ nắm giữ tài sản và khẳng định tư cách tài sản của họ.

Những giao dịch kiểu này vẫn thường xuyên được tiến hành trong xã hội, gây thiệt hại rất lớn cho cả chủ sở hữu đích thực và người nhận chuyển giao, chỉ có kẻ trung gian là được lợi. Ngay cả những giao dịch có giấy tờ đàng hoàng nhưng những giấy tờ đó được làm giả một cách tinh vi, người bình thường khó có thể phân biệt được, chỉ có những cơ quan chức năng có trình độ chuyên môn mới có thể phân biệt được thì người chiếm hữu không thể biết được hành vi của mình là không có căn cứ pháp lý.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc