(VnMedia) - Trao đổi với báo chí về vụ việc công ty y dược nước ngoài đưa hối lộ cho quan chức Việt Nam bên hành lang Quốc hội hôm qua (6/11), Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên cho rằng, trong 5 năm mà có 2,2 triệu đô là... quá nhỏ!
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên: Chỉ sợ không phát hiện ra sai phạm
|
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên |
- Thông tin Công ty Bio-Rad Laboratories Inc của Mỹ bị cáo buộc đã hối lộ cho các quan chức Việt Nam 2,2 triệu USD trong nhiều năm để giành hợp đồng trong lĩnh vực y tế đang gây hoang mang cho xã hội. Cá nhân ông cảm thấy thế nào?
Hiện Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị làm rõ rồi. Điều này cần phải xác định cho rõ, vì thực tế năm ngoái Trung Quốc cũng phạt một công ty mấy trăm triệu đô la vì liên quan đến tội hối lộ. Do vậy, cần phải làm rõ đó là hoạt động nào: thiết bị y tế, thuốc, hóa chất hay cái gì…
Theo tôi, trong 5 năm mà hối lộ 2,2 triệu đô thì còn quá nhỏ. Thực tế hiện nay vấn đề chi hoa hồng cho những người bán thuốc, bác sĩ kê đơn thuốc khá phổ biến, nhưng làm thế nào để kiểm soát được việc này là vấn đề rất lớn.
Ở các nước như Mỹ, họ kiểm soát ngay từ công ty, kiểm tra xem danh sách đã chi hoa hồng như thế nào, chi những ai, từ đó họ mới phạt ngược lại. Còn phía Việt Nam mình, muốn kiểm soát lắm nhưng rất khó. Tôi hi vọng qua đợt này chúng ta sẽ tìm ra tiêu cực ở lĩnh vực cụ thể nào.
- Khi điều tra, nếu phát hiện ra các sai phạm thì sẽ phải xử lý thế nào, thưa ông?
Phát hiện ra thì phải xử thôi, chỉ sợ không phát hiện được. Nhưng việc phát hiện hối lộ rất khó, vì có thể người ta tài trợ cho các bác sĩ đi dự hội thảo cũng cộng vào. Ví dụ một hãng nào đó tài trợ cho mấy trăm người đi dự hội thảo, mỗi "ông" mấy nghìn đô, cộng lại đã thành như thế rồi.
Vậy phát hiện và xử lý cái đó như thế nào là rất khó đối với chúng ta. Nhưng tôi nghĩ việc họ công bố như thế cũng là một dịp tốt để Việt Nam chúng ta tìm cách đưa giá thuốc và những giá thiết bị y tế về giá trị thực mà không bị chi phối bởi hoa hồng.
Chúng tôi cũng muốn Quốc hội ban hành Luật đấu thầu, trong đó có mục riêng về đấu thầu thuốc để kiểm soát chặt chẽ vì cái này đã phổ biến ở nhiều nước, mà Trung Quốc là một ví dụ.
- Theo ông đây có phải là vụ duy nhất?
Hiện có mấy chục công ty dược họ bán thuốc ở Việt Nam, mà tôi nghĩ là chỗ nào cũng có hoa hồng. Nhưng vấn đề là chúng ta làm thế nào để phát hiện ra, rất khó!.
- Nhiều người cho rằng, có tình trạng khi ký hợp đồng thì tiền sẽ tự động chảy vào tài khoản cá nhân. Theo ông chúng ta có thể kiểm soát được tiêu cực này không?
Họ trả hoa hồng có nhiều cách lắm, tài trợ đi nước ngoài, rồi trả tiền trực tiếp chứ không chỉ mỗi trả tiền vào tài khoản. Trong nước rất khó kiểm soát, họ có cơ chế trả hoa hồng tinh vi, khó phát hiện và điều này đã phổ biến ở nhiều nước, cũng rất khó phát hiện ra.
Chúng ta đã có Luật thuế thu nhập và chính sách kiểm soát kê khai tài sản, nhưng chúng ta lại rất khó bỏ văn hóa tiền mặt. Ở Nhật Bản, họ nói thu nhập của các bác sĩ bệnh viện kiểm soát chặtnên lương của họ cao hơn gấp 3 lần so với mức bình quân của xã hội.
Còn ở Việt Nam lương chỉ thế (ít - PV) thôi, nhưng thu nhập của các bác sĩ trong một số bệnh viện lớn rất cao. Ví dụ như trong khu nhà để xe ở bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức nhiều ô tô cá nhân lắm. Mặc dù nhà nước ta đang triển khai nhưng cũng rất khó kiểm soát thu nhập cá nhân. Chỉ sau này chúng ta kiểm soát được thu nhập qua tài khoản thì mới có thể chống được tham nhũng.
ĐB Lê Như Tiến: Chỉ người dân là lãnh đủ!
|
Đại biểu Lê Như Tiến |
- Ông đánh giá thế nào về thông tin một công ty của Mỹ bị cáo buộc đã hối lộ cho các quan chức Việt Nam 2,2 triệu USD để giành được hợp đồng?
Hiện nay tôi chưa tiếp cận được thông tin này, nhưng nếu đúng như thế thì phải làm thật nghiêm giống các dự án ODA về giao thông, chứ tuyệt đối không thể để như thế được, bởi cho dù đó là viện trợ hay tiền ngân sách nhà nước thì cũng vẫn là tiền thuế của nhân dân.
Chúng ta phải bỏ ra một khoản tiền lớn như thế nhưng nó lại chảy vào túi cá nhân. Rồi có thể giá các thiết bị y tế đó nâng lên, lúc đó chính là người dân phải gánh chịu, những người tham gia vào dịch vụ y tế người ta sẽ "lãnh đủ", vì số tiền thất thoát ấy cuối cùng cũng sẽ rơi vào giá thành. Cuộc sống người dân đã khó khăn rồi, giờ lại phải sử dụng các dịch vụ y tế như vậy thì không thể chấp nhận được.
Sự việc này tôi đánh giá là nghiêm trọng hơn các lĩnh vực khác, vì các tiêu cực kia là những dự án về giao thông, còn việc này lại liên quan trực tiếp đến sức khỏe, đến tình mạng con người. Vì thế không thể để tình trạng này diễn ra được, nhất là khi đã có nhiều dự án nước ngoài xảy ra trước đó.
Trước kia cũng có thông tin về thiết bị y tế cũ, khi xét nghiệm toàn sai lệch. Chẩn đoán sai thì phương thức điều trị sai, lúc đó tính mạng của người dân bị ảnh hưởng, đe dọa, nên nó nguy hai hơn nhiều so với các lĩnh vực khác.
- Theo ông các cơ quan chức năng cần phải làm gì trước thông tin này?
Trước hết phải xác minh thông tin trên xem có thực sự chuẩn xác không, từ đâu ra. Muốn vậy thì các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra phải vào cuộc để khẳng định, và sau đó phải xử lý thật nghiêm, không thể để cái tình trạng đã có cảnh báo từ nhiều dự án của nước ngoài trước đó diễn ra.
Đối với ngành Y tế, tôi cho rằng cần phải tổng rà soát lại tất cả những sản phẩm, thiết bị y tế nói chung và những nguồn cung cấp dược từ trước tới nay trong cả nước đối với các cơ sở y tế khám chữa bệnh của người dân. Cần phải xem xem các thiết bị, dược phẩm đó về nước bằng nguồn nào, có chuẩn mực không, có đúng với hợp đồng cam kết không, mặt bằng giá trung ở trong nước cũng như thế giới có đảm bảo không...
- Xin cảm ơn ông!
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc