Hà Nội lại chặt hạ hàng loạt cây cổ thụ

06:30, 06/11/2014
|

(VnMedia) - Hà Nội chuẩn bị di chuyển hàng loạt cây xanh không đúng chủng loại cây xanh đô thị, đồng thời chặt hạ một loạt cây xanh trong phạm vi giải phóng mặt bằng thi công tuyến đường sắt đô thị, đoạn Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng…


>> Hà Nội quản lý cây xanh: Thừa cảm xúc, thiếu chuyên nghiệp!
>> Xót xa Hà Nội đang mất dần màu xanh
 

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Quốc Hùng ngày 4/11 vừa yêu cầu Sở Xây dựng chặt hạ, di chuyển toàn bộ cây xanh không đúng chủng loại cây xanh đô thị trên tuyến từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng, đồng thời chặt hạ cây xanh trong phạm vi giải phóng mặt bằng thi công tuyến đường sắt đô thị và nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến; bổ sung cây xanh đúng chủng loại tại các vị trí cần thiết.

 

Rút kinh nghiệm những lần chặt hạ cây trước, lần này, ông Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu, trước khi chặt hạ cây xanh cần tổ chức công khai thông tin để công luận biết, ủng hộ. Việc công khai phải thực hiện ngay trong tuần này.

 

Phó Chủ tịch Thành phố cũng yêu cầu sở Xây dựng rà soát, bổ sung nhiệm vụ kiểm tra, chăm sóc, quản lý cây xanh đô thị trên các tuyến phố 12 quận nội thành để Công ty Công viên xây xanh Hà Nội tổ chức thực hiện, bảo đảm kịp thời phát hiện ra các cây sâu mục, có nguy cơ gãy đổ để có phương án xử lý, hạn chế xảy ra sự cố khi có mưa bão, gió lốc.


Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VnMedia thì việc chặt hạ các cây cổ thụ trên đường Nguyễn Trãi thực tế đã được tiến  hành từ vài ngày nay. Số lượng có thể lên đến gần 100 cây.

Ảnh minh họa

Hàng chục cây cổ thụ trên đường Nguyễn Trãi đã bị chặt  hạ - ảnh: Dân Trí


Trước đó, sự kiện Thành phố phải chặt hạ hơn 20 cây cổ thụ trên đường Láng Hạ để phục vụ thi công tuyến đường sắt trên cao đã khiến dư luận bất ngờ và không khỏi xót xa. Nhiều ý kiến cho rằng, lẽ ra khi thiết kế ban đầu, các cơ quan của Thành phố phải tính toán để tránh khu vực có nhiều cây xanh chứ không thể “hy sinh” những lá phổi của Thành phố vì bất cứ lý do gì.

 

Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng nên di chuyển các cây này đi để trồng ở nơi khác chứ không nên cưa chặt đi. Tuy nhiên, trao đổi với VnMedia, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty công viên cây xanh cho biết, việc di chuyển cây xanh sẽ cần kinh phí cao, thời gian dài trong khi cần đạt tiến độ để phục vụ việc thi công cho tuyến đường sắt đô thị.

 

Tiếp đó, thông tin về việc Hà Nội sẽ lại chặt hàng loạt cây cổ thụ khác trên phố Kim Mã, cũng nhằm phục vụ cho việc thi công tuyến đường sắt đô thị lại khiến dư luận xôn xao, lo lắng.


Ảnh minh họa

Những cây cổ thụ bị chặt hạ trên đường Láng khiến người dân xót xa, nay lại có nhiều cây xanh khác tiếp tục bị "hy sinh"

 

Phê bình hàng loạt đơn vị

 

Cùng này 4/11, liên quan đến vấn đề trật tự đô thị, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng đã có ý kiến phê bình sở Xây dựng, sở Giao thông Vận tải, các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm và những đơn vị liên quan.

 

Lý do các đơn vị trên bị phê bình là vì đã chậm triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND Thành phố về tiến độ công tác sắp xếp, chỉnh trang và tổ chức giao thông tuyến Quốc lộ 6, đoạn Ngã Tư Sở - Ba La.

 

“Thời gian từ nay đến hết năm 2014 không còn nhiều, yêu cầu các sở, ngành và quận cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, bảo đảm mục tiêu chỉnh trang, sắp xếp tuyến Quốc lộ 6 trên địa bàn các quận trong năm 2014” – Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

 

Cùng ngày, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng yêu cầu Tổng Công ty Điện lực Hà Nội phối hợp với sở Giao thông Vận tải, sở Thông tin và truyền thông, Viễn thông Hà Nội thực hiện sắp xếp, thanh thải dây, cáp, di chuyển hộp công tư và chặt hạ các cột điện thừa, nghiên đổ, mất mỹ quan hai bên tuyến đường từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng. Trường hợp cần thiết thì thống nhất với sở Xây dựng để bổ sung trồng cột mới bảo đảm mỹ quan đô thị; hạ ngầm các tuyến cáp viễn thôn vào hệ thống cống bể đã có; hoàn thành dứt điểm việc sắp xếp dây cáp, chặt hạ cột điện trong tháng 11.

 

Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải để thực hiện di chuyển các cột điện chiếu sáng không đúng vị trí theo phương án phân làn phương tiện, hoàn thành trong tháng 11; bố trí lắp đặt thêm đèn chiếu sáng tại các nút giao thông trên tuyến.

 

Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu UBND các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm tiếp tục phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng để giải tỏa các vi phạm lấn chiếm hè phố, lòng đường, làm mất mỹ quan đô thị, lập lại trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên toàn tuyến.

 

Cách đây 5 tháng, vào tháng 6/2014, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã có nhận định, tuyến QL6 (đoạn từ QL21 đến Ngã Tư Sở) là trục giao thông huyết mạch nối Thủ đô với các tỉnh Tây Bắc, vì vậy, phải chỉnh trang và tổ chức lại giao thông.

 

Theo đó, ông Hùng giao UBND quận Hà Đông chỉnh trang hai bên, hạ ngầm, sắp xếp đường dây trên đoạn tuyến qua địa bàn. Còn sở GTVT được yêu cầu tổ chức lại giao thông đoạn từ Ba La - Hà Đông, đưa xe buýt vào khu vực giữa đường, xe máy ra hai bên. Đoạn từ Ngã Tư Sở - Lương Thế Vinh chỉ sắp xếp giải phân cách cứng cho phù hợp. Đoạn từ Lương Thế Vinh - Ba La sơn kẻ lại biển.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc