Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam: Nhiều ý kiến khác nhau!

17:43, 06/11/2014
|

(VnMedia) - Sáng nay (6/11), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Trước đó, các đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo đó, quá trình lấy ý kiến cũng cho thấy, có đại biểu đề nghị Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh là Trung tướng, nhưng cũng có ý kiến đề nghị phong Thiếu tướng đối với “Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự các thành phố trực thuộc Trung ương, các tỉnh, thành phố có diện tích rộng, dân số đông, quản lý, chỉ huy quân số lớn.

Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, đối với thành phố Hà Nội, có vị trí chính trị, quốc phòng, an ninh rất quan trọng với vai trò là Thủ đô của cả nước; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cơ bản kế thừa nhiệm vụ và các đơn vị thuộc Quân khu Thủ đô trước đây, còn thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, có vị trí chính trị, quốc phòng, an ninh quan trọng trong thế trận phòng thủ đất nước.

Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội quy định trần quân hàm đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là Trung tướng và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh có trần quân hàm cao nhất là Trung tướng, Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác là Đại tá, đồng thời, UBTVQH đề nghị Quốc hội quy định trần quân hàm của Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự các quận thuộc Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là Đại tá, các huyện, thị xã là Thượng tá.

Tuy nhiên, thảo luận tại hội trường sáng nay, Đại biểu Ngô Ngọc Bình cho rằng, “xét về mặt tổ chức chỉ huy, tư lệnh chính ủy thành phố Trung tướng bằng quân hàm với tư lệnh chính ủy cấp quân khu là điều khó chấp nhận vì quân khu bao gồm 8, đến 9 tỉnh, trong đó có thành phố, với nhiều đơn vị cấp sư đoàn, lữ đoàn, nhiều đơn vị lực lượng vũ trang địa phương có cả biên giới biển đảo, vậy trần quân hàm tư lệnh thành phố bằng với trần quân hàm tư lệnh quân khu không hợp lý.”

Trong khi đó, đại biểu, Trung tướng Phùng Khắc Đăng cho rằng, việc thăng quân hàm Trung tướng đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh là không nên. "Hai chức danh này chỉ nên có quân hàm là Thiếu tướng vì Bộ tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh khác hoàn toàn với Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Trong khi Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội là một đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng còn Bộ tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh lại là đơn vị cấp dưới, cấp trực thuộc sự lãnh đạo chỉ huy của Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Điều này cũng không đúng với tinh thần của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo với quốc hội là phải bảo đảm nguyên tắc quân hàm cấp trưởng cấp trên cao hơn quân hàm cấp trưởng cấp dưới." - đại biểu Phùng Khắc Đăng nói.

Theo đại biểu Phùng Khắc Đăn, “nếu không theo một quy chế nhất định mà chỉ vì tình cảm, vẫn quyết định thăng quân hàm Trung tướng với Tư lệnh và Chính ủy Bộ tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ không nhận được sự đồng tình ủng hộ và tôi tin rằng Bộ tư lệnh Quân khu 7 sẽ có ý kiến. Nếu là yêu cầu nhiệm vụ, có tính chất địa bàn thì nên nghiên cứu bố trí cao hơn 1 cấp, nhưng nếu cao hơn 2 cấp sẽ nảy sinh tư tưởng trong đội ngũ sĩ quan”. 

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trình bày quan điểm tại Hội trường sáng 6/11


Đồng quan điểm này, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho rằng, đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định trần quân hàm đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là Trung tướng và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh có trần quân hàm cao nhất là Trung tướng là chưa hợp lý đối với Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, bởi lẽ: Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị trực thuộc Bộ tư lệnh Quân khu 7,nếu để nghị quân hàm cao nhất là Trung tướng thì lại tương đương với Bộ tư lệnh Quân khu 7, điều này không phù hợp với quy định là quân hàm cấp trên phải cao hơn quân hàm cấp dưới.

“Không thể để Phó tư lệnh Quân khu đi kiểm tra Bộ tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh rồi xếp hàng để ông Trung tướng chào báo cáo ông Thiếu tướng”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng cho rằng, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng và bên dưới Bộ tư lệnh cũng đã có đơn vị cấp sư đoàn trực thuộc. Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội là đơn vị hợp nhất của 3 tổ chức trước đây là Quân khu Thủ đô (đã có trần quân hàm Trung tướng từ lâu); Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Hà Nội, Bộ chỉ huy quặn tỉnh Hà Tây, do đó đề nghị quân hàm cao nhất của Tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội là Trung tướng hợp lý.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng đưa ra chính kiến của mình khi cho rằng với Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh thì trần quân hàm Trung tướng là hợp lý vì Công an Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị trực thuộc Bộ Công an chứ không trực thuộc Quân khu như bên quân đội. Ngoài ra, tính chất công việc và thực hiện nhiệm vụ của lực lượng này cũng rất phức tạp.

Phong tướng nhiều để làm gì?

Phát biểu góp ý cho Dự án Luật, đai biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt câu hỏi: Vì sao chúng ta lại phong tướng nhiều như vậy?

"Sau giải phóng miền Nam, chúng ta có 36 tướng nhưng chúng ta đã đánh tan những đế quốc ghê gớm lắm, Nhật, Pháp, Mỹ. Vậy nhu cầu phong tướng của chúng ta là gì? Có phải do nhu cầu sau này phải tác chiến nhiều hơn? Phong tướng nhiều để lãnh đạo quân đội tốt hơn? Nếu tăng cường cho sức mạnh quân đội thì chúng ta có thể phong tướng gấp 10 lần ngày xưa đi, tức là 360 tướng thì quân đội chúng ta đã mạnh gấp 10 lần!" - đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đặt vấn đề.

Thẳng thắn cho rằng "phong nhiều tướng chưa chắc đã được dân đồng tình.", đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói: "Các đồng chí giải quyết thế nào để khi chúng tôi là đại biểu về giải thích cho cử tri thì họ thông suốt. Tôi đề nghị nên cân nhắc. Nếu xác định phong tướng do yêu cầu tác chiến, yêu cầu xây dựng quân đội thì khác. Nếu xác định phong tướng để giải quyết chính sách thì chúng ta nên tách tiền lương ra khỏi quân hàm, để những người không được phong tướng họ được tăng vượt khung thì tốt hơn. Ngày xưa một ông tướng thì anh em còn biết, nghe thiếu tá là ghê gớm lắm rồi, giờ tướng nhiều quá. Đề nghị có sự cân nhắc để chúng ta giới hạn việc phong tướng để nhân dân đồng tình."

Về trần quân hàm một số đơn vị, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho biết, ông đồng tình với giải thích của Đại tướng Phùng Quang Thanh. Còn đối với các quận, đại biểu tỉnh Lâm Đồng cho rằng chỉ nên để quân hàm thượng tá, nâng lên đại tá không hợp lý.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc