Việc tuân thủ luật pháp về an toàn vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm, một số cơ sở thực hiện chỉ nhằm đối phó với sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
|
Ảnh minh họa |
Tại buổi họp thẩm tra dự thảo luật An toàn vệ sinh lao động chiều 26/9, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội thừa nhận, công tác an toàn vệ sinh lao động hiện còn một số yếu kém. Việc tuân thủ luật pháp về an toàn vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm, một số cơ sở thực hiện chỉ nhằm đối phó với sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Nhiều nơi môi trường sản xuất ô nhiễm gây bệnh tật, suy giảm sức khỏe cho người lao động. Chỉ 15% người lao động được huấn luyện về an toàn lao động.
Việc đo kiểm tra định kỳ các yếu tố có hại trong môi trường lao động còn rất hạn chế. Số vụ tai nạn lao động chết người có quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự rất thấp, chỉ khoảng 2%. Vì thế, rất cần có một luật riêng quy định về vấn đề an toàn vệ sinh lao động. Điểm mới trong dự luật này là mở rộng đối tượng điều chỉnh ra cả nhóm không có quan hệ lao động (không ký kết hợp đồng lao động) - hiện chiếm đến 67%.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội (người từng là Chánh thanh tra Bộ Lao động) cho biết, Ủy ban đồng tình với việc điều chỉnh đối tượng ra cả nhóm không có quan hệ lao động, nhưng băn khoăn về tính khả thi. Chỉ với 33% người có quan hệ trong lao động mà cơ quan chức năng chưa nắm được tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Hiện chỉ có 7% doanh nghiệp báo cáo tai nạn lao động, tần suất tử vong bình quân 5,5/100.000 người lao động. Một năm có 600 vụ tai nạn chết người, thực tế con số ngành y tế báo cáo gấp 20 lần.
Đại biểu Cao Văn Sang cũng bày tỏ sự nghi ngờ về tính chính xác của những số liệu về tai nạn lao động được báo cáo hiện nay. “Chỉ những trường hợp chết người, dẫn đến truy tố điều tra mới được khai báo. Đa số người lao động tự thỏa thuận, tự thương lượng. Tình trạng này phổ biến mà chúng ta không bảo vệ được người lao động”, đại biểu Sang nói.
Vì thế, trong việc khai báo về tai nạn lao động, đại biểu đề nghị có quy định chuyển tiếp để xử lý vi phạm hành chính; quy định trách nhiệm cho xã phường, doanh nghiệp nếu báo cáo không đầy đủ thì sẽ bị xử lý như thế nào. Từ trước đến nay, việc này gần như bị bỏ trôi, không nắm được, doanh nghiệp không báo cáo.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng cho biết, điều xã hội còn lo ngại là những vấn đề về an toàn vệ sinh lao động xảy ra trên thực tế được trực tiếp xử lý còn ít. Mục tiêu của luật này là xây dựng môi trường an toàn vệ sinh cho người lao động, bảo vệ ưu tiên nhóm ngành nghề nguy hiểm, người già, phụ nữ… Trong đó, ưu tiên nhất là phòng ngừa, tư vấn tuyên truyền phổ biến pháp luật, huấn huyện.
Bên cạnh đó, dự án luật lần này cũng đề nghị bổ sung 2 chế độ hỗ trợ cho người bị tai nạn lao động: sau điều trị bệnh có kinh phí hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc và hỗ trợ phòng ngừa để chia sẻ rủi ro. Hiện Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp kết dư 16.000 tỷ đồng.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc