Kinh nghiệm sống sót khi thang máy hỏng

06:43, 27/09/2014
|

(VnMedia) - Sau vụ thang máy tòa nhà Lotte rơi tự do vào tối qua và một loạt vụ khác xảy ra tại Hà Nội và TPHCM trong thời gian gần đây, đã thực sự gióng lên mối lo ngại về sự an toàn của phương tiện vận chuyển này tại các tòa nhà cao tầng Việt Nam….

Liên tiếp các vụ rơi, kẹt thang máy

Có lẽ cho đến bây giờ nhiều người vẫn chưa quên cái chết kinh hoàng của một nhân viên bảo vệ ở tòa nhà N5, Trung Hòa Nhân Chính, Hà Nội hồi tháng 6 vừa qua.

Buổi sáng hôm đó, lúc hơn 8h sáng 30/6, ông Trần Huy Tuấn (50 tuổi, ở Việt Trì, Phú Thọ) là bảo vệ tòa chung cư N5 Trung Hòa Nhân Chính, đường Hoàng Đạo Thúy (Thanh Xuân, Hà Nội) cùng ông Vũ Lập Thảo lên kiểm tra chiếc thang máy bị hỏng, kẹt ở tầng 7 từ nhiều tháng nay để thuê thợ vào sửa.

Tuy nhiên, khi vừa mở được khóa cửa thang máy, ông Tuấn hụt chân bước vào bên trong khiến thang máy rơi tự do từ tầng 7 xuống đất và ông tử vong tại chỗ. 

Tiếp đó, tối 12/7/2014, tại nhà hàng Phúc An Khang, số 1, đường Phạm Viết Chánh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM nhiều người cũng bị một phen hú vía khi bị mắc kẹt trong thang máy của nhà hàng này.

Sự việc xảy ra lúc 19h khi Đội cứu hộ cứu nạn thuộc Phòng cảnh sát PCCC quận 1 nhận được thông tin 15 người bị mắc kẹt trong thang máy của nhà hàng Phúc An Khang. Ngay lập tức, Đội cứu hộ đã điều xe thang và lực lượng đến hiện trường.

Tại hiện trường, tấm kính của giếng thang máy ở khu vực tầng 3 được đập bể, 15 người bị mắc kẹt được đội cứu hộ đưa ra ngoài theo đường nóc thang máy để sang mái nhà kế bên. Khi được giải cứu ra ngoài an toàn, nhiều người vẫn chưa hết hoảng loạn.

Một vụ khác, ngày 19/9 vừa qua, 4 cụ già và 1 thanh niên đã buộc phải chuyển đến bệnh viện Quận 2 (TPHCM) cấp cứu sau khi bị rơi từ thang máy tầng 2 của một công trình xây dựng xuống đất…

Vụ việc xảy ra vào chiều tối ngày 19/9/2014 tại công trình xây dựng giáo xứ Tân Lập trên đường Nguyễn Duy Trinh (P. Bình Trưng Đông Q. 2 TPHCM).

 Ảnh minh họa

 Người dân sử dụng thang máy trong các tòa nhà chung cư cao tầng tại Hà Nội. Ảnh: Internet

Theo lời một số giáo dân có mặt tại thời điểm xảy ra vụ việc: sau giờ sinh hoạt một số người lớn tuổi khó khăn trong việc di chuyển đã được bố trí sử dụng thang máy công trình (thang máy chuyển vật tư) để xuống đất.

Do không thành thạo trong thao tác, người trong cabin bấm nhầm nút nên thang máy rơi nhanh xuống đất. Hậu quả, 4 cụ già và một thanh niên bị thương.

Mới đây nhất, khoảng 20h45 tối qua (25/9), chiếc thang máy trong tòa nhà Lotte (đường Đào Tấn - Hà Nội) vừa khai trương đầu tháng 9 rơi tự do rồi kẹt lại, khiến 7 người bị nhốt phía trong.

Chị Đặng Thị Thu Vân (33 tuổi ở Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Vào khoảng 20h45 phút, chị cùng 6 người khác bước vào thang máy ở tầng 65 khu khách sạn của tòa nhà Lotte (Đào Tấn, Hà Nội). Khi xuống đến tầng 63 thì thang máy bất ngờ rơi tự do đến tầng 35 rồi dừng lại. Lúc này, quá sợ hãi, chị Vân cùng những người “cùng cảnh” đã lấy điện thoại gọi cho quản lý và nhân viên tòa nhà, đồng thời gọi cho cảnh sát đến cứu.

“Khi chúng tôi gọi điện thoại, nhân viên ở đây vẫn nghe máy, gọi khoảng 20 lần, họ nói sẻ lên ngay tuy nhiên phải đến gần 40 phút nhân viên, quản lý ở đây mới đến giải cứu chúng tôi. Sự cố nghiêm trọng xảy ra như vậy mà những người làm quản lý ở đây xử lý chậm chạp như vậy, nếu xảy ra chết người thì như thế nào”, chị Vân bức xúc.

Phải làm gì khi bị mắc kẹt trong thang máy?

Theo một chuyên gia của công ty chuyên cung cấp thang máy tại Hà Nội, trong trường hợp có những bất thường xảy ra trong quá trình đi thang máy: thang máy rơi tự do, kẹt cửa... thì điều đầu tiên và quan trọng nhất cần làm lúc này là phải thật bình tĩnh.

Theo vị chuyên gia này, rất ít trường hợp có người chết khi bị nhốt trong thang máy và gần như chúng ta có thể thoát khỏi một cái thang máy đóng kín mà không hề bị trầy xước. Trong những tình huống như vậy, nếu chúng ta cảm thấy quá sợ hãi thì hãy cố gắng loại khỏi đầu những sự suy diễn và lo lắng không đáng có. Giữ bình tĩnh để có thể sống sót. Trường hợp thường gặp nhất là chúng ta phải đợi cho tới khi thang máy bắt đầu hoạt động trở lại.

Trong trường hợp thang máy bị kẹt, chúng ta không nhất thiết phải bấm loạn xạ các nút đến các tầng khác để xem nó có di chuyển tiếp hay không. Thay vào đó, hãy thử bấm nút mở cửa.

Nếu thang máy vẫn không có phản ứng thì hãy kêu cứu ngay lúc đó hoặc ấn chuông gọi hoặc dùng điện thoại gọi ra bên ngoài. Trong trường hợp không có hoặc điện thoại không sử dụng được, có thể tìm cách gọi to, đập cửa thang... để kịp thời báo hiệu ra bên ngoài.

Theo vị chuyên gia này, trong thời gian chờ đợi, hãy cố giữ bình tĩnh và không nên tìm cách cậy cửa, hoặc tìm cách thoát ra ngoài bằng cửa thoát hiểm trên nóc cabin (Trên nóc cabin có rất nhiều thiết bị điện và bạn có thể bị điện giật nếu không cẩn thận) vì kinh nghiệm cho thấy trong các trường hợp bị kẹt thang máy, ở trong cabin là an toàn nhất.

"Nếu đã thử tất cả các cách trên để kêu cứu với những người ở bên ngoài kể cả những kỹ thuật viên và các số điện thoại khẩn cấp mà không có hiệu quả, bạn có thể sẽ phải ở trong thang máy một lúc lâu để được giúp đỡ. Hầu như ai cũng sẽ lo lắng, đặc biệt là khi ở trong thang máy một mình, tuy nhiên đó là cách an toàn nhất", vi chuyên gia này khuyên.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc